Thanh Hóa phát huy hiệu quả "3 tại chỗ" tại các khu công nghiệp

15:31' - 22/08/2021
BNEWS Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để duy trì sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp ở Thanh Hóa đã chủ động bố trí thêm nơi ở, dự trữ lương thực, thực phẩm theo phương châm "3 tại chỗ".

Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa hiện có 411 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho gần 97.000 lao động; trong đó có hàng nghìn lao động không phải là người địa phương.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để duy trì sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã chủ động bố trí thêm nơi ở, dự trữ lương thực, thực phẩm theo phương châm "3 tại chỗ". Mô hình này đang góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa duy trì sản xuất, vừa phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho người lao động.

Lường trước được những nguy cơ từ dịch bệnh COVID-19, từ tháng 5/2021, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, chi nhánh Thanh Hóa tại Khu Kinh tế Nghi Sơn đã bố trí cho khoảng 70% người lao động thực hiện "3 tại chỗ".

Theo đó, công ty đã bố trí một khu riêng để tạo điều kiện cho công nhân sinh hoạt sau giờ làm việc. Toàn bộ chi phí sinh hoạt và các đồ dùng cá nhân thiết yếu đều được công ty hỗ trợ hoàn toàn để người lao động yên tâm ở lại công ty làm việc.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trường phòng Hành chính - Tổng hợp, Chi nhánh Tổng công ty xăng dầu Việt Nam tại Thanh Hóa cho biết, thời gian đầu, khi thực hiện phương châm "3 tại chỗ", công ty cũng gặp một số khó khăn.

Tuy nhiên, với tinh thần duy trì sản xuất kinh doanh cùng với phòng dịch nghiêm ngặt, sau hơn 3 tháng triển khai, đến nay mọi sinh hoạt ăn ở của người lao động đã đi vào nề nếp, tư tưởng của người lao động cũng đã ổn định để yên tâm ở lại nơi làm việc.

Công ty cổ phần bao bì Đại Dương tại Khu Kinh tế Nghi Sơn hiện đang tạo việc làm cho gần 900 lao động tại Thanh Hóa và một số tỉnh lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh. Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nhân lực của công ty.

Theo đó, hơn 100 lao động tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh buộc phải nghỉ việc do các tỉnh này đang thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch COVID-19.

Trong khi đó đơn hàng đã ký với các đối tác đến hết năm 2021 nên để duy trì sản xuất kinh doanh trong bối cảnh khó khăn, từ giữa tháng 6/2021, công ty đã trưng dụng một nhà xưởng để bố trí nơi ăn ở cho hơn 100 công nhân theo phương châm "3 tại chỗ".

Chị Lê Thị Hương, quê Nghệ An, công nhân Công ty cổ phần bao bì Đại Dương cho biết, dù gần 3 tháng nay không được về thăm gia đình nhưng bù lại được công ty tạo điều kiện việc làm và nơi ăn, ở nên những công nhân xa quê rất yên tâm ở lại làm việc. Toàn bộ chi phí ăn uống, sinh hoạt và các đồ dùng cá nhân đều được công ty cấp đầy đủ, nên không phải ra ngoài, hạn chế tiếp xúc.

Chị Nguyễn Anh Thân, quê Nghệ An, cũng là công nhân Công ty cổ phần bao bì Đại Dương chia sẻ, chị có con nhỏ chưa đầy 1 tuổi. Thời gian này, chị chọn phương án ở lại công ty làm việc để có thêm thu nhập, vừa bảo đảm nhân công cho công ty trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh.

Ông Hoàng Đức Chung, Phó trưởng Phòng Tổ chức, Công ty cổ phần bao bì Đại Dương cho biết, việc tổ chức cho hơn 100 công nhân thực hiện ăn ở, sản xuất ngay tại công ty đồng nghĩa với việc công ty phải phát sinh thêm chi phí khoảng 20%.

Tuy nhiên, việc thực hiện "3 tại chỗ" là cần thiết lúc này đối với doanh nghiệp, đảm bảo cán bộ, nhân viên, người lao động có thể làm việc liên tục, doanh nghiệp không bị đứt gãy sản xuất. Bởi, chỉ cần 1 người lao động mắc COVID-19, chắc chắn doanh nghiệp phải dừng sản xuất, kinh doanh. Điều này sẽ gây thiệt hại lớn, nhất là phải hủy hợp đồng cung cấp sản phẩm đã ký với các đối tác.

Ông Ngô Thế Anh, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, theo rà soát, tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 3.000 công nhân lao động là người Nghệ An - địa phương hiện đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Để dịch bệnh không xâm nhập vào khu kinh tế, Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời chỉ đạo các công đoàn cơ sở rà soát, cho gần 1.700 người lao động nghỉ tại địa phương.

Số lao động còn lại khoảng 1.300 người được doanh nghiệp bố trí chỗ ăn, ở tại ký túc xá của doanh nghiệp, đồng thời duy trì việc test nhanh cho hơn 6.500 công nhân lao động tại các công ty. Các quy định về phòng, chống dịch được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm ngặt.

Đến nay, các doanh nghiệp tại các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa vẫn đang hoạt động hiệu quả, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục