Thanh Hoá sớm di chuyển người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở

13:20' - 03/08/2021
BNEWS Tại khu vực 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đang có nhiều hộ dân sống trong vùng nguy cơ có lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Những hộ dân này đa số không có đủ kinh phí để di chuyển đến nơi ở mới và luôn sống trong tâm trạng bất an khi mùa mưa bão về. Mong muốn của người dân là nhà nước sớm có phương án, hỗ trợ bà con di dời đến nơi ở mới để ổn định đời sống.

Khu vực Pom Ca Thảy, bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện, huyện biên giới Quan Sơn là nơi có nhiều đồng bào dân tộc Thái sinh sống.

Nhiều năm qua, các hộ dân nơi đây sống tại dưới chân một quả đồi lớn, tình trạng sạt trượt, sụt lún đất đá trên đồi chưa xảy ra. Thế nhưng hai năm gần đây, vết nứt trên đồi ngày càng lớn, đất đá liên tục sạt trượt xuống chân núi.

Tháng 7 vừa qua, UBND huyện Quan Sơn đã cử cán bộ lên kiểm tra và phát hiện trên đồi xuất hiện nhiều vết nứt dọc từ trên đồi xuống có chiều dài 300m, rộng 3-7cm, có nơi 10-15cm, chiều dài sâu vào lòng đất. Ngoài ra, trên đồi có nhiều vết sụt lún đất ngang có chiều cao 1-3m,  chiều dài 200m làm nghiêng, đỗ, gãy các loại cây trồng trên đồi. Bề mặt đất bị vỡ và nứt, rất dễ sạt lở khi có mưa kéo dài.

Hiện khu vực này đang có 17 hộ dân với 77 dân khẩu đang đang sinh sống dưới chân đồi có nguy cơ bị sạt lở toàn bộ phần đồi phía trên, cũng như toàn bộ nhà cửa, hoa màu, đường giao thông, nhà văn hóa.

UBND huyện Quan Sơn đã tuyên truyền, cắm biển cảnh báo nguy hiểm sạt lở đất cho người dân phòng tránh và theo dõi các vết nứt trên đồi để kịp thời ứng phó khi mưa lớn xảy ra; xây dựng phương án di dân khỏi vùng nguy cơ sạt lở khi mưa lớn xảy ra.

Ông Lương Văn Bản, bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện cho hay, ngày trước các hộ dân trong bản sống dưới chân đồi không lo lắng gì, nhưng thời gian gần đây đất đá, cây trên đồi thường xuyên sạt trượt xuống cạnh ngay nhà dân và nhà văn hóa.

Đặc biệt, trên đồi còn có một số vết nứt rất lớn, chọc que dài xuống được khiến người dân lo lắng mỗi khi có mưa lớn.

Có hộ bị sạt lở nhiều nên hàng năm phải làm kè hết 30 triệu đồng, có nhà thì bị nứt toác. Nhưng do không có tiền để di dời nên người dân mong được hỗ trợ về phương án cũng như kinh phí để chuyển đến nơi ở mới, yên tâm phát triển kinh tế.

Theo ông Trương Trọng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, huyện có tờ trình báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa để có biện pháp khắc phục. Hiện UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị đánh giá thực địa, khẳng định khu vực này có nguy cơ sạt lở đất cao. Huyện cũng kiến nghị UBND tỉnh có chủ trương sắp xếp, di dời dân đến nơi ở an toàn để ổn định đời sống.

Còn tại thôn Chén, xã Cẩm Thành, huyện miền núi Cẩm Thủy nơi có sông Mã chảy qua, trước đây khu vực này từng xảy ra lũ quét nhưng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ, người dân đã khắc phục được hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, mỗi khi nước sông Mã dâng cao vẫn làm ngập lụt nhiều nhà dân trong khu vực.

Bà Cao Thị Thu, thôn Chén, xã Cẩm Thạch chia sẻ, khu vực này trước đây không bị ngập lụt, nhưng vài năm trở lại đây mỗi khi mưa lớn nước sông hay dâng cao. Cột mốc của Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 ban đầu làm nằm gần bờ sông nhưng bây giờ bị ngập. Bờ sông sạt lở giờ không biết cột mốc đâu rồi.

Mỗi khi mưa bão, nước sông dâng lên ngập tới mái nhà của dân, phải khoảng 1 tuần sau người dân mới dọn dẹp trở lại cuộc sống thường ngày được nên rất khó khăn.

Theo ông Hoàng Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thạch, xã có 21 hộ dân thuộc thôn Chén sống ven sông Mã luôn rơi vào cảnh ngập lụt, sạt lở khi mùa mưa bão đến. Xã cũng mong muốn có phương án tổ chức di dân hoặc có một bờ kè sông Mã để đảm bảo an toàn cuộc sống cho người dân.

Tại huyện Cẩm Thủy đang có 1.161 hộ dân với 3.912 nhân khẩu đang sống ở khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lỡ đất. Trước mùa mưa bão năm nay huyện đã lên phương án phòng chống thiên tai và sẵn sàng di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Ông Hà Thanh Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Thủy cho biết, huyện đã xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" với tinh thần là chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả sau thiên tai; đồng thời, lên phương án sẵn sàng di dời người dân đến nơi an toàn.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 2.778 hộ/11.897 khẩu đang sinh sống ở 83 xã thuộc 12 huyện có nguy cơ xảy ra lũ quét và có 5.725 hộ/23.868 khẩu sống tại17 huyện, thị xã đang sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất.

Các hộ chủ yếu tập trung ở huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Bá Thước, Thường Xuân, Thạch Thành... Mùa mưa bão đã đến, mặc dù tỉnh đã có phương án phòng chống thiên tai nhưng về lâu dài vẫn cần giải pháp di dời các hộ dân đang sinh sống tại vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn./.

>>Sạt lở tại sông Trà Nóc, Cần Thơ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục