Thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc

14:13' - 28/08/2017
BNEWS Trung tâm Hành chính công sẽ góp phần để Vĩnh Phúc đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước...

Tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định thành lập Trung tâm Hành chính công. Trung tâm là đầu mối duy nhất của tỉnh hướng dẫn, tư vấn, tiếp nhận hồ sơ về thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu; luân chuyển hồ sơ đến các bộ phận chuyên môn thuộc các sở, ngành và cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm xử lý, giải quyết theo quy định…

Việc thành lập Trung tâm Hành chính công nhằm tăng cường cơ chế giám sát và tự giám sát hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước; phát huy tối đa sự giám sát của nhân dân đối với các hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và của đội ngũ công chức, viên chức. Trung tâm sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước; nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức nhất là về kỹ năng thực thi nhiệm vụ, công vụ và tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân...

Trung tâm Hành chính công sẽ góp phần để Vĩnh Phúc đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính và xây dựng chính quyền điện tử.

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện đang triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 166 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (gọi chung là Bộ phận một cửa, một cửa liên thông) ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã, gồm: 20/20 sở, ban, ngành; 9/9 huyện, thành, thị; 137/137 xã, phường, thị trấn, với tổng số 689 công chức, viên chức.

Tỉnh đang xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử với 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2017 đến 2018, triển khai nền tảng tích hợp và phát triển các ứng dụng; xây dựng các dịch vụ nền tảng dùng chung, các cơ sở dữ liệu chung, ưu tiên các cơ sở dữ liệu nền tảng; phát triển các phần mềm lõi dùng chung đảm bảo tính liên thông nghiệp vụ.

Giai đoạn 2 từ năm 2018 đến năm 2020, hoàn thiện cổng dịch vụ công trực tuyến, phát triển 100% dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 35% mức độ 4; xây dựng các hệ thống tương tác với tổ chức, công dân: Cổng công dân, Cổng dịch vụ công trực tuyến, Cổng doanh nghiệp. Giai đoạn 3 sau năm 2020, duy trì, hoàn thiện, nâng cấp các thành phần kiến trúc chính quyền điện tử.../.

>>> Vĩnh Phúc thu ngân sách địa phương giảm mạnh vì xe ô tô nhập khẩu tăng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục