Thành lập Trung tâm thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo

12:22' - 26/01/2024
BNEWS Sáng 26/1, UBND thành phố Đà Nẵng công bố quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho hay, việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (Danang Semiconductor and Artificial Intelligence Center for Research and Training- DSAC) là một trong những hoạt động cụ thể hóa quyết tâm chính trị của thành phố trong thực thi nhiệm vụ cấp bách, chiến lược phát triển lĩnh vực thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo của thành phố.

 

Trung tâm được xác định là đầu mối chuyên trách tham mưu Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo thành phố xây dựng, triển khai Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố thời gian tới. Đồng thời, thành phố kỳ vọng Trung tâm trở thành đầu mối tiếp nhận, mở ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo giữa Đà Nẵng và các đối tác trong, ngoài nước.

Theo đó, Trung tâm có bộ máy tinh gọn gồm Ban Giám đốc và 2 phòng chuyên môn (gồm Phòng Hành chính và Đào tạo; Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế), với 3 chức năng chính: Đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Trung tâm có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn Sở Thông tin và Truyền thông trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng”; phối hợp xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng trên lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo; chủ trì hoặc phối hợp trong và ngoài nước triển khai nghiên cứu khoa học, hội nghị, hội thảo khoa học, dự báo hoạt động, kết nối cung - cầu của thị trường nhân lực, giải pháp ứng dụng đối với lĩnh vực bán dẫn, vi mạch, trí tuệ nhân tạo.

Trung tâm chủ trì hoặc phối hợp trường, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trong nước và quốc tế tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận về lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo theo quy định của pháp luật; tham mưu, triển khai thực hiện các giải pháp thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực bán dẫn, vi mạch, phát triển trí tuệ nhân tạo đến sinh sống, làm việc, đầu tư tại Đà Nẵng; cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, ươm tạo và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp (dưới dạng “spin-off” hoặc “start-up”) liên quan đến lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo theo quy định pháp luật...

Về phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2024-2025, Trung tâm tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ: Hoàn thiện khung pháp lý về cơ cấu tổ chức hoạt động, đề án vị trí việc làm, củng cố kiện toàn bộ máy nhân sự và cơ sở vật chất cho Trung tâm; đề xuất dự thảo cơ chế, chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo thành phố Đà Nẵng; triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; hoạt động hợp tác quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp.

Dịp này, UBND thành phố tổ chức tọa đàm chủ đề “Đà Nẵng và Chính sách đón làn sóng đầu tư phát triển ngành thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo”. Trong khuôn khổ Tọa đàm, đại diện lãnh đạo thành phố thông tin về nội dung và lộ trình xây dựng các chính sách khuyến khích hỗ trợ cụ thể phát triển ngành thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo mà thành phố triển khai thực hiện.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu định hướng chính sách phát triển ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam và một số gợi ý đối với Đà Nẵng. Đại diện Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng đề xuất chính sách cụ thể cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra, tọa đàm diễn ra phiên thảo luận bàn tròn về chính sách đón làn sóng đầu tư phát triển ngành thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo và gợi ý phương hướng hoạt động của Trung tâm DSAC.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục