Thanh niên Bắc Giang đưa sản phẩm OCOP lên các nền tảng số

10:59' - 25/06/2023
BNEWS Thanh niên nông thôn, chủ thể OCOP tỉnh Bắc Giang đã được hỗ trợ chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ nông sản, có cơ hội để dễ dàng tiếp cận đến nhiều người tiêu dùng.

Hơn 40 nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội đã hội tụ tại thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang) để livestream quảng bá, bán một số sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Bắc Giang như: vải thiều, mỳ Chũ, tương La, bánh quế Ông Thọ, đông trùng hạ thảo… Buổi bán hàng trên nền tảng TikTok đã thu hút tổng số hàng trăm nghìn lượt xem.

Sự kiện nằm trong chương trình “Chợ phiên OCOP” - Khám phá đặc sản tỉnh Bắc Giang do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương Đoàn Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và một số đơn vị phối hợp tổ chức.

Sau hơn 4 giờ livestream, các nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội đã bán được lượng lớn hàng hóa với 5.182 đơn, doanh thu 886 triệu đồng. Qua đó góp phần giới thiệu, lan tỏa hình ảnh quê hương Bắc Giang với nhiều sản phẩm đặc trưng đến đông đảo người tiêu dùng trong nước.

Cũng trong ngày 24/6, tại tỉnh Bắc Giang, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn và Diễn đàn "Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP"

Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Chương trình OCOP đã trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phục vụ hiệu quả cho chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Bước đầu hình thành vùng nguyên liệu tập trung phục vụ sản xuất sản phẩm OCOP , quy trình chăm sóc được chuẩn hóa, đạt tiêu chuẩn quốc gia và hướng tới xuất khẩu như: VietGap, hữu cơ, an toàn sinh học... Quy mô sản xuất của các chủ thể OCOP đã tăng lên, thực hiện liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử,... Đặc biệt, thông qua chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đặc sản của tỉnh đã có mặt ở các thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Đến nay, Bắc Giang đã có 205 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 31 sản phẩm 4 sao và 174 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm được chứng nhận OCOP đã gia tăng về số lượng, kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng sản phẩm được nâng cao, dần hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của vùng, miền của tỉnh, đáp ứng tốt cho nhu cầu của thị trường.

Để góp phần nâng cao hiệu quả của chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn tới, ông Mai Sơn cho rằng, cần thiết phải có nhiều giải pháp đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý vận hành chương trình, nhất là khâu quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển thương mại sản phẩm OCOP đã được đánh giá phân hạng.

Khai thác tiềm năng kinh tế số là cơ hội để các đơn vị hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh thanh niên trên địa bàn tỉnh được tiếp cận, kết nối với các chuyên gia chuyển đổi số trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP. 

Ông Ngô Văn Cương, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, Trung ương Đoàn triển khai chuyển đổi số trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên, giới thiệu, bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream).

Đơn cử, ngày 20/05/2023 vừa qua, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công 3 hoạt động về chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên tại tỉnh Bắc Kạn. Mở đầu, là chương trình Tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn. Song song là phiên livestream bán sản phẩm với sự đồng hành của các KOL, KOC trên kênh Chợ phiên OCOP kéo dài 4 tiếng với 15 sản phẩm OCOP Bắc Kạn được quảng bá, đạt doanh thu hơn 260 triệu đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục