Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều khu vực nước vẫn ngập quá đầu gối

13:33' - 26/11/2018
BNEWS Đến trưa 26/11, nước vẫn chưa rút ở nhiều nơi. Rất nhiều người dân phải bì bõm trong các hẻm nhỏ nước ngập quá đầu gối. Cuộc sống bị đảo lộn, nhiều tài sản hư hại.
Một số tuyến hẻm vẫn còn bị ngập nước do tắc nghẽn công thoát nước. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN 

Đến trưa 26/11, các địa phương, đơn vị và người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nỗ lực thực hiện công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão gây mưa to, ngập lụt nặng nhiều nơi trên địa bàn thành phố.

Đảm bảo an toàn cho học sinh, phòng chống dịch bệnh sau mưa bão

Về phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã chỉ đạo các quận, huyện chủ động thực hiện việc vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, xử lý các điểm ngập úng; trường hợp không xử lý được thì Sở sẽ chi viện. Đến thời điểm này, các địa phương đang nỗ lực thực hiện, tình hình ổn định.

Trong khi đó, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cần Giờ Đoàn Ngọc Huệ cho biết, trên địa bàn không xảy ra ngập úng nặng. Hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện vẫn diễn ra bình thường.

Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, bác sỹ Nguyễn Mạnh Bảo - Giám đốc Bệnh viện cho biết, nước ngập trong khuôn viên bệnh viện đã rút dần nhưng một số khu vực trũng thấp như sân, khu vực nhà xe vẫn còn đọng nước. Để đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn đã chỉ đạo chuyển Khoa khám bệnh và Khoa cấp cứu lên tầng 2.

Ngoài ra, nhân viên bệnh viện đang tích cực thực hiện vệ sinh môi trường trong khuôn viên bệnh viện để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm.

Trước đó, trận mưa lớn kéo dài vào chiều tối ngày 25/11 đã khiến khuôn viên Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn bị ngập khá nghiêm trọng.

Khu vực sân và nhà giữ xe của bệnh viện viện nước ngập sâu hơn 0,5m; nước cũng tràn vào Khu hành chính, Khoa cấp cứu, Khoa khám bệnh của bệnh viện. Trong chiều và tối 25/11, có hơn 50 bệnh nhân vào bệnh viện cấp cứu, các bác sỹ phải mang ủng, lội trong nước để khám bệnh, thực hiện cấp cứu cho người dân

Theo thông báo từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh, dự báo chiều tối 26/11, tình hình triều cường trên địa bàn tiếp tục tăng, kể cả mưa trên diện rộng.

Để đảm bảo an toàn, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đề nghị các quận, huyện chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và các cơ sở giáo dục trực thuộc trên địa bàn ngưng tổ chức mọi hoạt động giảng dạy, học tập và các hoạt động khác trong chiều và tối 26/11.

Thuê máy bơm hút nước ra khỏi nhà

Do ảnh hưởng cơn bão số 9, từ trưa 25/11 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có mưa lớn, gây ngập nặng nhiều khu vực. Đến trưa 26/11, nước vẫn chưa rút ở nhiều nơi. Rất nhiều người dân phải bì bõm trong các hẻm nhỏ nước ngập quá đầu gối. Cuộc sống bị đảo lộn, nhiều tài sản hư hại.

Nước vẫn còn ngập trên đường Âu Cơ, quận Tân Bình. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN 

Xung quanh khu vực Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh), nhiều hẻm vẫn còn ngập sâu, người dân vất vả khắc phục hậu quả, dùng mọi biện pháp để tát nước, kể cả việc dùng máy bơm.

Bà Nguyễn Thị Vân, ngụ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh cho biết, nhà bà bị nước ngập gần quá ghế sofa, thức trắng đêm tát nước nhưng đến trưa 26/11 nước vẫn còn. Nhiều đồ đạc trong nhà bị hư hỏng, không sử dụng được.

Một ngôi nhà ở địa chỉ số 13 – 15 đường nhánh số 3, đường Chu Văn An, Phường 26, quận Bình Thạnh bị nước ngập hết tầng hầm, đồ đạc trôi nổi.

Đại diện chủ nhà cho hay, mưa lớn từ tối 25/11, nước từ tràn ngoài đường vào tầng hầm của nhà, đến trưa 26/11 mới chỉ rút được một ít nên phải thuê máy bơm hút nước từ trong nhà ra.

Tương tự, một quán ăn trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh cũng bị ngập, chủ quán phải dùng thau tát nước ra ngoài.

Trên Quốc lộ 13, đoạn qua Bến xe miền Đông, giao thông hỗn loạn, ùn tắc nghiêm trọng khi nước vẫn còn ngập quá bánh xe. Nhiều người đi đường phải leo lên lề, đi ngược chiều.

Cảnh sát giao thông và lực lượng thanh niên xung phong rất vất vả để điều tiết, phân luồng giao thông 

Trên các tuyến đường, nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên Cây xanh Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương dọn tỉa các cây gãy đổ trên nhiều tuyến đường, trong đó có một cây cổ thụ bật gốc tại Công viên 30/4 (trước Dinh Thống Nhất, Quận 1).

Các bến phà hoạt động trở lại

Theo ghi nhận tại huyện Cần Giờ, nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9, công tác khắc phục hậu quả được triển khai khẩn trương với sự tham gia của các lực lượng thuộc Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Cần Giờ, Công ty Dịch vụ công ích, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Ban Chỉ huy Quân sự huyện cùng cán bộ, chiến sĩ chi viện từ Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, trong sáng 26/11, các lực lượng của huyện và của thành phố chi viện đang tập trung xử lý những cây xanh ngã đổ, trụ điện bị nghiêng để đảm bảo an toàn cho người dân; kiểm tra tiêu thoát nước ở các khu dân cư, vùng trũng thấp bị ngập cục bộ. Đặc biệt, huyện tích cực kiểm tra, đôn đốc thực hiện vệ sinh môi trường do đọng nước những ngày qua, tránh phát sinh dịch bệnh.

Trước đó, để ứng phó bão số 9, UBND huyện Cần Giờ đã tổ chức 28 điểm di dời các hộ có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển, các khu vực xung yếu, vùng trũng thấp đến các khu tránh trú an toàn (khoảng hơn 4.600 người).

Theo ông Trương Tiến Triển, sáng 26/11, người dân tại các điểm tránh trú đã trở về nhà an toàn. Hiện các lực lượng cũng tiếp tục rà soát, hỗ trợ sửa chữa nhà cho các hộ bị ảnh hưởng.

Từ 5 giờ ngày 26/11, các bến phà tại Thành phố Hồ Chí Minh đã hoạt động trở lại trong đó có phà Bình Khánh, giúp hoạt động kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh được thông suốt.

Các tuyến đò ngang, đò dọc, tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng, tàu vận chuyển hành khách, tàu hàng cũng hoạt động trở lại từ 9 giờ ngày 26/11.

Theo Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, sạt lở đất đã xảy ra tại khu vực từ Tháp Chàm đến Nha Trang ngày 25/11, ảnh hưởng đến việc tổ chức chạy tàu.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện khẩn trương khắc phục sự cố, đến 8 giờ ngày 26/11 đã thông toàn bộ tuyến đường sắt Bắc Nam.

Trong thời gian bị sự cố, ngành đường sắt đã tổ chức chuyển tải hành khách qua khu vực bị sạt lở, trong quá trình chuyển tải công tác phục vụ được đảm bảo và an toàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục