Thanh toán bằng tài khoản viễn thông - xu thế tất yếu

08:02' - 12/03/2021
BNEWS Thanh toán bằng tài khoản viễn thông (Mobile Money) là một hình thức thanh toán mới tại Việt Nam nhưng đã được triển khai tại khoảng 95 quốc gia trên thế giới.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 316/QĐ-TTG ngày 9/3/2020 phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.

Quyết định này đang thu hút sự quan tâm của ngành viễn thông, tài chính ngân hàng và đông đảo người dân Việt Nam.

Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu chùm 2 bài viết về chủ đề “Thí điểm Mobile Money”.

Bài 1: Thanh toán bằng tài khoản viễn thông - xu thế tất yếu

Thanh toán bằng tài khoản viễn thông (Mobile Money) – còn gọi là thanh toán di động, là xu hướng phát triển tất yếu của những công nghệ mới, mạng viễn thông, tích hợp mọi nhu cầu trong một thiết bị di động.

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định triển khai thành công Mobile Money là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và là một trong những chính sách thúc đẩy tạo không gian tăng trưởng mới cho doanh nghiệp viễn thông Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thí điểm Mobile Money. Quyết định này mở ra một phương thức thanh toán mới tại Việt Nam, đặt ra cơ hội lớn nhưng cũng nhiều thử thách đối với các nhà mạng viễn thông.

*Phương thức thanh toán mới

Mobile-Money được hiểu là hình thức thanh toán được thực hiện bằng hoặc thông qua một thiết bị di động và vận hành theo quy định tài chính của mỗi quốc gia.

Thay vì thanh toán bằng tiền mặt, séc hoặc thẻ tín dụng, người tiêu dùng có thể sử dụng tài khoản của điện thoại di động để thanh toán cho rất nhiều dịch vụ hàng ngày.

Theo Quyết định 316/QĐ- TTG, đối tượng thực hiện thí điểm là doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Ví điện tử và Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần vô tuyến điện hoặc là công ty con được Công ty mẹ có Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông.

Khách hàng cá nhân đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money phải cung cấp Chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu có thông tin trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thực hiện thí điểm định danh, xác thực theo các quy định của Chính phủ về đăng ký thuê bao di động.

Trong đó, số điện thoại thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money. Đặc biệt, mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện thí điểm.

Mục tiêu của Chính phủ khi cho phép triển khai thí điểm dịch vụ dịch vụ thanh toán Mobile Money nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.

Việc tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng.

Đồng thời, kết quả thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money sẽ là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đánh giá, Mobile Money là giải pháp giải quyết mạnh mẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng thời, Mobile Money hứa hẹn sẽ đem lại công nghệ thanh toán vượt xa những cách thức hiện tại, tạo ra bước ngoặt cho tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

* Tiện ích cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa

Mobile Money không phải là khái niệm mới trên thế giới. Từ năm 2000, khái niệm này đã xuất hiện tại nhiều quốc gia châu Âu và đến cuối năm 2019, đã có khoảng 95 quốc gia và vùng lãnh thổ chấp nhận Mobile Money.

Sau gần 20 năm, thế giới đã có hơn 1 tỷ tài khoản di động được đăng ký, giao dịch tiền điện với khối lượng trung bình tương đương với khoảng 1,9 tỷ USD mỗi ngày.

Một ưu điểm vượt trội của hình thức thanh toán Mobile Money là không bị giới hạn về không gian và thời gian.

Do đó đối với những người dân nghèo ở nghèo ở nông thôn, những người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi... nơi các ngân hàng khó khăn trong việc đặt và duy trì phòng giao dịch thì người dân sử dụng Mobile Money sẽ dễ dàng thanh toán các khoản tiền điện, tiền nước, thậm chí có thể dùng cách thức này để thanh toán khi mua đồ ăn ngoài chợ, mua đồ dùng sinh hoạt gia đình.

Thuận tiện nhất là người dân chỉ cần thao tác trên điện thoại di động hoặc đến các đại lý, điểm giao dịch gần nhất để thanh toán.

Về lâu dài, dịch vụ này khi được triển khai sẽ góp phần làm thay đổi dần thói quen dùng tiền mặt của người dân Việt Nam.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện Việt Nam có 89 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, tương đương gần 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng.

Tuy nhiên, hơn 30% khách hàng chưa có tài khoản còn lại là những khách hàng khó mở rộng, tiếp cận nhất, đây cũng là đối tượng rất cần tới những giải pháp tài chính toàn diện.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng ngân hàng còn thấp, nhưng mật độ thuê bao di động thì đạt trên 100% từ nhiều năm nay.

Với 2 đặc điểm chính là tính phổ cập và thanh toán giá trị nhỏ, Mobile Money sẽ góp phần cùng hệ thống ngân hàng và các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt khác cung ứng đầy đủ các phương tiện thanh toán cho người dân lựa chọn tùy theo nhu cầu của mình.

Theo ý kiến của nhiều chuyển gia tài chính, do triển khai Mobile-Money sau nhiều quốc gia trên thế giới nên Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong trong triển khai dịch vụ để đạt được những tiện ích tối ưu, hạn chế tối đa các nhược điểm của loại hình thanh toán này.

Tuy nhiên, triển khai Mobile Money cũng mang tới những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt các vấn đề liên quan bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng, kiểm soát sim "rác", phòng, chống rửa tiền hay kiểm soát việc chuyển tiền ra quốc tế.

Hai năm tới là thời gian thử nghiệm Mobile Money, cơ quan quản lý, các đơn vị liên quan đến dịch vụ này đang gấp rút chuẩn bị mọi yếu tố pháp lý, hạ tầng, công nghệ, dịch vụ, nhân lực… để phát triển dịch vụ tốt nhất trong thời gian ngắn nhất với những yếu tố an toàn, tiện ích nhất cho người dùng./.

Xem tiếp:

>> Nhanh chóng triển khai, thúc đẩy chuyển đổi số

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục