Thanh toán di động tăng mạnh tại Campuchia

07:57' - 27/03/2022
BNEWS Đại dịch COVID-19, cùng với sự gia tăng của công nghệ tài chính (FinTech) và việc sử dụng internet, đã thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thanh toán di động ở Campuchia.

Chea Serey, Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC), cho biết nước này đã ghi nhận tổng cộng 707,57 triệu lượt giao dịch thanh toán trực tuyến trị giá 113,67 tỷ USD trong năm 2021, tăng lần lượt 46,7% và 19% so với 482,14 triệu lượt giao dịch trị giá 95,31 tỷ USD trong năm 2020.

 

Trong số các giao dịch của năm 2021, 157,63 triệu lượt giao dịch được thực hiện bằng đồng nội tệ riel trị giá 34,3 tỷ USD, tăng lần lượt 25% và 54% so với 126,13 triệu lượt giao dịch trị giá 22,25 tỷ USD trong năm 2020.

Theo bà Chea Serey, tình hình COVID-19 đã khuyến khích nhiều người sử dụng thanh toán di động và điện tử hơn là tiền mặt. Thế hệ trẻ có xu hướng sử dụng các phương thức hiện đại như thanh toán trực tuyến hơn là thanh toán bằng tiền mặt.

Hiện tại, có 69 tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ thanh toán di động tại quốc gia Đông Nam Á này. Bà Serey cho biết thêm có tổng cộng 13,6 triệu người dùng thanh toán di động vào năm 2021, tăng 42% so với 9,56 triệu vào năm 2020.

Theo Cơ quan quản lý viễn thông Campuchia, nước này có khoảng 17,7 triệu thuê bao Internet.

Về việc hợp tác giữa Campuchia và Trung Quốc trong lĩnh vực thanh toán di động, bà Serey cho biết hiện tại, Alipay và WeChat Pay đã được chấp nhận ở Campuchia.

Trong tương lai, Campuchia sẽ khai thác khả năng thanh toán xuyên biên giới qua Bakong giữa Campuchia và Trung Quốc. Bakong là ứng dụng ngân hàng và thanh toán di động tất cả trong một duy nhất của Campuchia.

Paul Kim, Giám đốc điều hành của Mayura, một nền tảng mua sắm trực tuyến dành cho các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, cũng có chung quan điểm rằng đại dịch COVID-19 là chất xúc tác để phát triển lĩnh vực thanh toán di động.

Ông cho biết khi công ty ra mắt lần đầu tiên vào đầu năm 2020, hơn 95% khách hàng đã chọn phương thức thanh toán "tiền mặt khi giao hàng" khi đặt đơn. Tuy nhiên, hiện nay, khoảng 30% khách hàng đã sử dụng một trong các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác nhau có sẵn trên nền tảng Mayura khi thanh toán.

Ông Paul cho biết do đại dịch, ngành thương mại điện tử đã giành được sức hút to lớn, do đó, có tác động mạnh đến ngành FinTech.

Ông kỳ vọng trong một hoặc hai năm tới, ngành thương mại điện tử ở Campuchia sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa và nhờ đó sẽ áp dụng rộng rãi hơn các phương thức thanh toán kỹ thuật số.

Mak Chamroeun, Chủ tịch AgriBee Plc., một nền tảng quản lý chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp, cho biết thanh toán kỹ thuật số rất tiện lợi, nhanh chóng và an toàn, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch. Ông cho hay các bên liên quan đều đang sử dụng thanh toán kỹ thuật số thông qua BeeApp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục