Thanh toán không dùng tiền mặt tại nông thôn: Khó vì chưa quen

16:15' - 28/09/2018
BNEWS Thanh toán không dùng tiền mặt trở thành xu hướng phổ biến và ngày càng cần thiết. Song không hề dễ dàng khi triển khai tại khu vực nông thôn trước những khó khăn, rào cản về nhận thức và thói quen.

 
Thanh toán không dùng tiền mặt tại nông thôn: Khó vì chưa quen.

Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS-TTXVN

Tại hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn” do Ngân hàng Nhà nước và Báo Nông thôn ngày nay (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) phối hợp tổ chức ngày 28/9 tại Hà Nội, các đại biểu tham dự đều có chung nhận định, thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành xu hướng phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển và đang trở nên cần thiết trong xã hội hiện đại. Song không hề dễ dàng khi triển khai tại khu vực nông thôn trước những khó khăn, rào cản về nhận thức và thói quen.

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến với giá trị chi tiêu của người dân chiếm tới hơn 90% tổng số giao dịch hàng ngày. Tỷ lệ tiền mặt trong tổng lượng tiền của nền kinh tế chỉ chiếm khoảng hơn 7,7% ở Mỹ và 10% ở khu vực đồng tiền chung châu Âu vào năm 2016. Điển hình tại Thụy Điển, tiền mặt chỉ chiếm khoảng 2% tổng lượng tiền trong nền kinh tế.

Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho biết, ngày càng nhiều Chính phủ kêu gọi chuyển đổi các giao dịch từ tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt. Thanh toán điện tử được khuyến khích bởi những hoạt động thanh toán này sẽ để lại dấu vết điện tử mà nhà chức trách có thể dễ dàng kiểm tra, giám sát.

Người dân, đặc biệt là những người nông dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng sẽ không phải đến ngân hàng để rút tiền, gửi tiền và có thể thanh toán ở bất cứ nơi nào, bất cứ thời gian nào (24/7). Giao dịch trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn, góp phần kích thích hoạt động thương mại.

Mặc dù, thanh toán không dùng tiền mặt được đông đảo người dân Việt Nam lựa chọn thay cho hình thức chi trả tiền mặt thông thường. Song vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế, khiến việc phổ cập và thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân Việt Nam vẫn còn khó khăn, ông Nam nhấn mạnh.

Hiện nay, 40% số dân Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng, nhưng còn tới 90% người dân chi tiêu hàng ngày sử dụng tiền mặt, 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và có gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền. Điều đó cho thấy, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt hướng tới mục tiêu năm 2020, tiền mặt chỉ xuất hiện ở mức thấp hơn 10% trên tổng phương diện thanh toán là một mục tiêu nhiều thách thức, ông Nam phân tích.

Qua đánh giá sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, đối với những vùng như nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, đại bộ phận người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc rút, sử dụng và trả nợ của người vay bằng tiền mặt còn rất lớn.

Đối với các hợp tác xã, các hộ sản xuất kinh doanh cá thể, chủ trang trại, tỉ trọng sử dụng tiền mặt còn lớn hơn. Thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu, bén rễ vào tiềm thức của người dân, cho nên việc triển khai thanh toán kinh doanh thương mại gặp nhiều khó khăn.

Người tiêu dùng nói chung và người nông dân ở khu vực nông thôn nói riêng thường sử dụng tiền mặt bởi phương thức thanh toán này rất nhanh, thuận tiện, không phức tạp và được chấp nhận ở mọi nơi. Ngoài ra, tiền mặt giúp họ dễ dàng quản lý ngân sách mà không lo phát sinh chi phí; đồng thời thanh toán bằng tiền mặt bảo đảm an toàn, riêng tư bởi không để lại dấu vết giao dịch và không lộ thông tin cá nhân.

Ngoài nhận thức, thói quen về sử dụng tiền mặt trong lưu thông, một nguyên nhân căn bản khác khiến cho việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt còn nhiều hạn chế tại Việt Nam nói chung và vùng nông nghiệp, nông thôn nói riêng chính là vấn đề liên quan đến hệ thống hạ tầng công nghệ.

Ông Phạm Tiến Nam nêu, mặc dù muốn người dân tích cực sử dụng phương thức thanh toán phi tiền mặt, nhưng trên thực tế, hệ thống cơ sở hạ tầng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại vùng nông nghiệp, nông thôn còn ít. Mặc dù số lượng tài khoản ngân hàng gia tăng nhưng việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng sâu vùng xa hoặc nông thôn vẫn còn thấp.

Theo thống kê không chính thức, nếu không tính Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), số lượng điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại bao gồm cả chi nhánh hoặc phòng giao dịch, bình quân/1 đơn vị hành chính cấp huyện chỉ ở mức 2 -3 điểm giao dịch ở khu vực nông thôn (huyện, huyện đảo).

Trong khi đó, con số này tại các quận/thành phố/thị xã xấp xỉ 40 điểm giao dịch, tức chênh lệch nhau 16,7 lần. Số liệu này đặc biệt thấp tại khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc (0,7 điểm giao dịch/huyện) và khu vực Duyên hải miền Trung (1,3 điểm giao dịch/huyện).

Nắm giữ vai trò chủ lực trong các đơn vị đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân với tỷ trọng lên tới gần 70% tổng dư nợ, Agribank đã triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 tầm nhìn 2020 do Thủ tướng Chính Phủ phát động từ năm 2006.

Đánh giá những ưu điểm của việc thanh toán không dùng tiền mặt và quá trình triển khai các ứng dụng công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt qua thực tiễn của Agribank, ông Nguyễn Việt Hải, Trưởng Ban nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ Agribank, cho biết, Agribank đã tập trung xây dựng nền tảng quan trọng để phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt

Ngân hàng này đồng thời triển khai hàng loạt dự án công nghệ quan trọng như hệ thống core banking kết nối thanh toán trực tiếp của toàn bộ các chi nhánh trên toàn hệ thống, kết nối với tổ chức thẻ quốc tế Visa và Công ty chuyển mạch tài chính quốc gia Banknet, nâng cấp mạng truyền thông, kết nối trực tuyến với các công ty chứng khoán, cung cấp dịch vụ SMS banking là tiền đề quan trọng để phát triển E-banking.

Bên cạnh đó, Agribank đã nghiên cứu xây dựng quy trình nghiệp vụ thanh toán theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đáp ứng nhu cầu thanh toán với dung lượng ngày càng cao của nền kinh tế qua hệ thống Agribank.

Từ năm 2008 đến nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trên cơ sở các bước chuẩn bị về hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống các văn bản quy trình nghiệp vụ thanh toán đã có từ giai đoạn trước và từ năm 2008 đến nay Agribank đã xây dựng mục tiêu phát triển, hoàn thiện hệ thống kênh phân phối, đa dạng hóa, gia tăng tiện ích sản phẩm dịch vụ gắn liền với nâng cao chất lượng dịch vụ.

Agribank đã và đang thực hiện một số định hướng và giải pháp như: đa dạng hóa các kênh thanh toán với hơn 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch trên khắp vùng miền cả nước, trải rộng từ địa bàn đô thị, thành phố lớn đến các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Cùng với đó, Agribank tập trung phát triển các sản phẩm thanh toán, tiện ích dịch vụ đi kèm, với định hướng chuyển đổi từ kinh doanh chủ yếu dựa vào cấp tín dụng sang phát triển kinh doanh đa dạng về dịch vụ.

Ngân hàng này đã đưa ra thị trường hơn 200 sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của khách hàng và nền kinh tế; trong đó, bên cạnh các sản phẩm truyền thống như huy động vốn, tín dụng, thanh toán, Agribank cung cấp hơn 50 sản phẩm dịch vụ mới trên các kênh phân phối hiện đại như ATM/POS/EDC, Mobile banking, Internet Banking đến khách hàng cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước.

Qua quá trình triển khai các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Việt Hải cho biết, đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại nông thôn có một số khó khăn như hiểu biết về dịch vụ ngân hàng nói chung và các dịch vụ thanh toán nói riêng của dân cư còn ít, thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán còn phổ biến; mức độ tiếp cận công nghệ mới, hiện đại, yếu tố quan trọng trong thanh toán không dùng tiền mặt thấp.

Đối với ngân hàng tại địa bàn nông thôn rộng lớn, dân số đông đòi hỏi đầu tư lớn cho hệ thống thanh toán, chi phí hoạt động cao.

Trước tình hình đó, ông Hải kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cùng các cơ quan liên quan nên nghiên cứu cơ chế tính phí để hạn chế các giao dịch tiền mặt (như phí rút tiền mặt tại ATM, quầy giao dịch ...).

Cùng với đó, cần có chính sách định hướng khuyến khích người dân đặc biệt khu vực nông thôn tiếp cận và sử dụng các dịch vụ viễn thông, công nghệ hiện đại như điện thoại di động, Internet, dịch vụ 3G, 4G,.. nhờ đó tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh ngân hàng hiện đại như mobile banking, Internet banking./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục