Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội được cử tri ghi nhận

13:41' - 26/10/2018
BNEWS Trong 3 năm đầu thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam đã có sự phát triển vững vàng về kinh tế vĩ mô lẫn tăng trưởng kinh tế trong nước.

Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2019.

Toàn cảnh phiên họp sáng 26/10. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Quốc hội cũng đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri trong cả nước. Tại Hà Nội, Tuyên Quang, Lâm Đồng, nhiều cử tri bày tỏ phấn khởi trước thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời mong muốn, Nhà nước quan tâm đầu tư hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phấn khởi trước thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước

Nhiều cử tri thành phố Hà Nội cho rằng, trong phiên thảo luận sáng 26/10, các đại biểu Quốc hội đã tập trung vào những nội dung trọng tâm, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội đất nước thời gian qua. Cử tri Nguyễn Thuận Quảng (trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ phấn khởi trước thành tựu phát triển về kinh tế - xã hội của đất nước những năm qua, đặc biệt nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo cử tri Nguyễn Thuận Quảng, trong 3 năm đầu thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam đã có sự phát triển vững vàng về kinh tế vĩ mô lẫn tăng trưởng kinh tế trong nước.

Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước cũng như việc ổn định tình hình an ninh chính trị trong nước đã xây dựng nên một đất nước Việt Nam an toàn, tạo môi trường đầu tư lành mạnh cho nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Trong hai năm cuối của giai đoạn 2016-2020, cử tri Nguyễn Thuận Quảng mong muốn, Đảng và Chính phủ tiếp tục giữ vững, phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở những thành tựu đã đạt được. Ngoài ra, đặc biệt chú ý đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính. “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có thủ tục hành chính hợp lý, nếu không Việt Nam sẽ không thể theo kịp thế giới.

Thủ tục hành chính được cải cách tốt sẽ giải quyết được 2 vấn đề lớn. Đó là đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và xây dựng lòng tin, sự cởi mở của nhân dân, từ đó mới có thể tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong nước”, cử tri Nguyễn Thuận Quảng cho biết.

Đồng quan điểm, cử tri Nguyễn Duy Tiến (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước là đúng đắn, hợp lòng dân.

Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù đã có sự chỉ đạo, vào cuộc của toàn hệ thống chính trị song các chủ trương, đường lối đó còn chưa được các cấp ở cơ sở, địa phương thực hiện sát sao, phù hợp. Đâu đó vẫn còn tình trạng thực hiện hời hợt, buông lỏng quản lý dẫn đến những sai phạm, hệ lụy cần được xử lý, giải quyết triệt để.

Đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận, cử tri Nguyễn Văn Ánh (xã Công Đa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, các đại biểu đã thẳng thắn, không né tránh, đề cập đến nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua. Đồng thời đưa ra các kiến nghị, các giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả việc thực hiện các Nghị quyết, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tiếp theo.

Đặc biệt các ý kiến thảo luận tập trung nêu các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, qua đó thể hiện trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với nhân dân.

Cử tri tỉnh Lâm Đồng cho rằng phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, đánh giá chính xác về những kết quả thực hiện kinh tế - xã hội trong thời gian qua, nhất là những thành quả nổi bật đã thực hiện được trong năm 2018 với 8 chỉ tiêu kinh tế vượt kế hoạch, tăng trưởng GDP ở mức cao, nợ công giảm...

Song song đó, các đại biểu còn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, bất cập cần được khắc phục như vấn đề đầu tư công, nguồn lực phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển ngành nông nghiệp...

Quan tâm hơn nữa đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn

Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Nguyễn Lân Hiếu phát biểu tại phiên họp sáng 26/10/2018. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Theo cử tri Nguyễn Đức Hiền (tổ 10, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang), tại kỳ họp lần này của Quốc hội, lần đầu tiên Chính phủ có báo cáo riêng đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Báo cáo đã đánh giá khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, không né tránh những bất cập, hạn chế trong chỉ đạo, quản lý và điều hành. Trong những năm qua, Chính phủ đã tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư tại các tỉnh miền núi nhằm tạo việc làm, ổn định đời sống cho người dân.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc, hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ cây, con giống, bảo hiểm y tế… đã góp phần quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân vùng nông thôn, miền núi. Song hiện nay, sự chênh lệch về thu nhập cũng như các điều kiện cơ sở hạ tầng giữa khu vực đồng bằng và khu vực miền núi vẫn còn khá lớn.

Ông Nguyễn Đức Hiền kiến nghị, Chính phủ cần quan tâm đầu tư hơn nữa đến khu vực miền núi nhất là các điều kiện phục vụ đời sống của đồng bào như nhà ở, nước sạch, đường giao thông, công tác đào tạo nghề… để thu hẹp sự chênh lệch về kinh tế - xã hội giữa đồng bằng với miền núi.

Cử tri Bon Yo Soan (Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng) cho rằng: Những năm qua, nhờ nguồn lực và chính sách hỗ trợ nên vùng đồng bào dân tộc đã có những chuyển biến rõ rệt về đời sống văn hóa, tinh thần; kinh tế cũng phát triển giúp bà con ổn định cuộc sống hơn.

Tuy nhiên theo ông Bon Yo Soan, trong giai đoạn tiếp theo, để có có sự đột phá hơn nữa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chính là nguồn lực đầu tư phải phù hợp với chính sách, nguồn vốn đầu tư cần được phân bổ cân đối, tránh hỗ trợ nhỏ giọt như hiện nay.

Đồng thời, để phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc cần có những chính sách, quy hoạch cụ thể, chẳng hạn như phát triển kinh tế theo vùng, vùng nông nghiệp công nghệ cao, vùng phát triển cây công nghiệp… cho phù hợp với từng địa phương.

Cùng ý kiến trên, cử tri Phạm Ngọc Tuân (giảng viên Khoa Nông - Lâm, trường Đại học Đà Lạt) đề xuất: Việc phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất cần sự quan tâm, thực hiện đồng bộ của Nhà nước.

Chẳng hạn ở Đà Lạt (Lâm Đồng) phát triển những mô hình nông nghiệp công nghệ cao cần đi kèm với các chính sách hỗ trợ sau thu hoạch, giao dịch rau, hoa và phát triển song song du lịch với nông nghiệp. Từ đó, góp phần đem lại thu nhập ổn định cho bà con ngay tại mảnh vườn của gia đình, giúp người dân thêm tin tưởng vào các chính sách của Nhà nước.

Vui mừng trước những kết quả đạt được trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, cử tri Nguyễn Duy Tiến (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng mong muốn, Chính phủ sẽ đầu tư thỏa đáng hơn nữa cho công cuộc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

“Ngân sách Nhà nước có hạn nên việc tổ chức thực hiện càng cần phải có phương pháp phù hợp, thực tế đối với mỗi vùng, miền, tránh việc đầu tư không đúng chỗ, không đúng đối tượng. Nhà nước cần dành sự quan tâm nhiều hơn nữa đến những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”, cử tri Nguyễn Duy Tiến cho biết./.

>>>Đại biểu Quốc hội đề xuất sửa đổi chính sách hạn điền

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục