Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Hoàn tất nội dung lấy phiếu tín nhiệm

18:14' - 25/10/2018
BNEWS Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
 Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn với 100% đại biểu đồng ý (464/464). Ảnh: Trọng Đức – TTXVN
Ngày 25/10, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Đây là hai dự án Luật dự kiến được thông qua trong Kỳ họp thứ 6 này.

Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Trong đó, khối Chủ tịch nước có 1 người, khối Quốc hội có 18 người, khối Chính phủ có 26 người và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố vào chiều cùng ngày và Quốc hội đã thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn với 95,67% đại biểu tán thành.

Theo kết quả kiểm phiếu, trong khối Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh có số phiếu tín nhiệm cao là 66,6% và tín nhiệm là 30,1%. Trong khối Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có tỷ lệ tín nhiệm cao nhất với 90,1% đại biểu tín nhiệm cao và 7,01% đại biểu tín nhiệm.

Trong khối Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được 81,03% đại biểu tín nhiệm cao và 14,02% đại biểu tín nhiệm. Người có tỷ lệ tín nhiệm thấp nhất là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, với 28,87% đại biểu tín nhiệm cao, 40% đại biểu tín nhiệm và có đến 28,25% đại biểu tín nhiệm thấp.

Chia sẻ với báo chí bên hành lang nghị trường sau khi công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định: "Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân tôi và toàn ngành cố gắng hơn nữa, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa, để đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng và của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo".

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), hầu hết nội dung dự thảo Luật đã được thống nhất, riêng quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, vẫn còn nhiều phương án và ý kiến khác nhau như: Giải quyết tại Tòa án; thu thuế thu nhập cá nhân và xử phạt hành chính... Bản dự thảo mới nhất Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình Quốc hội 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc hợp lý là: Xem xét giải quyết tại Tòa án và phương án đánh thuế.

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, vấn đề được nhiều đại biểu tham gia ý kiến là về khái niệm bí mật nhà nước và phạm vi bí mật nhà nước. Về khái niệm bí mật nhà nước, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định còn chung chung, đề nghị làm rõ các dạng tồn tại của bí mật nhà nước, các lĩnh vực có bí mật nhà nước. Về phạm vi bí mật nhà nước, một số ý kiến đề nghị quy định phải phù hợp hơn với tình hình thực tiễn và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Ngày mai (ngày 26/10), theo Chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Đồng thời đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Nội dung quan trọng này sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cư tri và nhân dân cả nước theo dõi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục