Tháo gỡ điểm nghẽn về vốn cho hợp tác xã - Bài 1: Hiệu quả từ các mô hình

11:16' - 19/10/2018
BNEWS Với phương châm"chung sức cùng thành công", mô hình hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác năm 2012 đã có những phát triển về số lượng và hiệu quả hoạt động kinh doanh để thúc đẩy phát triển kinh tế
 

Với vai trò nòng cốt của kinh tế tập thể, nhiều năm qua các hợp tác xã đã đóng góp tích cực cho việc đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, góp phần xây dựng thôn mới, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020, vai trò của hợp tác xã quan trọng hơn trong phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội. Tuy nhiên, dù đã có những bước chuyển mình ngoạn mục nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ; trong đó đáng kể nhất là nguồn vốn hoạt động. Điều này không những cản trở sự phát triển của hợp tác xã nói chung mà còn làm chậm quá trình đổi mới của khu vực này trước bối cảnh hội nhập. 

Bài 1: Hiệu quả từ các mô hình

Sự phát triển của kinh tế hợp tác, hợp tác xã đang trở thành nhu cầu cần thiết của hộ cá thể, xu hướng mới của các địa phương và là quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng gắn liền với tái cơ cấu nền kinh tế. Với phương châm "chung sức cùng thành công", mô hình hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác năm 2012 thời gian qua đã có những phát triển về số lượng và hiệu quả hoạt động cùng nhiều hình thức kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế. Đáng mừng hơn, nhiều hợp tác xã đã vượt qua khó khăn nội tại và vươn lên thành điểm sáng trong khối kinh tế tập thể. 

*Những ngôi sao sáng 

HTX tập trung đầu tư theo mô hình sản xuất sạch. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Chiếc xe ô tô chở chúng tôi băng qua bùn đất của con đường đang làm dở để tìm đến huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Hai bên đường bạt ngàn những bụi thanh long đang vào mùa thu hoạch. Xen kẽ giữa màu xanh của cây thanh long tưởng chừng như những bụi xương rồng không gai là vô số những bông hoa trắng xen lẫn những trái đỏ tạo nên một bức tranh đồng quê thật đẹp.

Trên đường đi, anh Phạm Công Bằng, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) chia sẻ, 10 năm trở lại đây, huyện Châu Thành, tỉnh Long An đã trở thành vùng chuyên trồng thanh long tại các tỉnh phía Nam sau Bình Thuận. Không khí cũng trở nên sôi động khi anh Phạm Công Bằng kể lại thời điểm năm 2008 nơi đây chỉ manh nha những nông hộ trồng và sản xuất đơn lẻ. Sau những biến cố thăng trầm của thị trường, ngôi nhà chung là Hợp tác xã thanh long Tầm Vu tại ấp Hội Xuân (thị trấn Tầm Vu) ra đời với 13 thành viên và số vốn ít ỏi ban đầu chỉ 250 triệu đồng.

Đến nay, ngôi nhà chung ấy đã quy nạp tới 40 thành viên và vốn điều lệ cũng tăng lên 4 tỷ đồng. Không những thế, các thành viên ấy đã liên kết, tạo sức mạnh tập thể và đưa trái thanh long từ miền quê nghèo nắng gió vượt đại dương đến với bạn bè năm châu.

Anh Huỳnh Nguyên Huân, nông dân chính hiệu tại xã An Lục Long nhớ lại những ngày đầu gia đình mới bắt tay vào trồng loại quả này, khi ấy thanh long chủ yếu chỉ được bán cho thương lái. Không chỉ anh mà nhiều nông hộ khác tại huyện Châu Thành thường xuyên rơi vào cảnh bị ép giá, không ổn định vì phải phụ thuộc đầu ra và đau xót hơn là nhiều lần mua phải phân bón giả nên đến mùa thu hoạch lại chỉ nhận “quả đắng”.

Vì thế, cũng giống như các nông dân khác, anh là một trong những ứng cử viên đầu tiên tham gia vào Hợp tác xã Thanh long Tầm Vu với mục đích tìm sự ổn định và đầu ra cho sản phẩm của gia đình. Cũng kể từ ấy, sản phẩm của gia đình anh được hợp tác xã bao tiêu toàn bộ với giá ưu đãi, có những lúc cao hơn thị trường từ 1.000-2.000 đồng/kg.

Giá cao cộng với đầu ra ổn định nên hơn 3 ha trồng thanh long cho thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng đã mang lại cho gia đình anh Huỳnh Nguyên Huân một cuộc sống mới.

Anh Huỳnh Nguyên Huân, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An chăm sóc vườn thanh long. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Không dừng lại ở đó, anh và các thành viên trong hợp tác xã còn thường xuyên được tập huấn, trang bị kiến thức bài bản để thêm kinh nghiệm trong việc chăm bón thanh long nhằm mang lại hiệu quả và năng suất cao.

Là người được hưởng lợi từ mô hình hợp tác xã, chị Lưu Thị Lượm ở xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An cho biết, mặc dù nhà cách xưởng sơ chế của hợp tác xã rất xa nhưng ngày nào chị cũng đi vài chục cây số để tới đây làm việc.

Bởi, theo chị Lưu Thị Lượm, tại mảnh đất nghèo này không dễ gì kiếm được việc làm thêm mang lại thu nhập 8 triệu đồng/tháng. Do đó, ngoài việc làm nông cho gia đình, hai đứa con của chị cũng tham gia làm việc cho Hợp tác xã Thanh long Tầm Vu.

Tự hào trước những thành quả đã đạt được, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Tầm Vu Trương Quang An cho hay, trước đây, do không có nhà xưởng sơ chế nên thanh long của hợp tác xã chỉ chủ yếu bán cho thương lái và thường xuyên bị ép giá bởi, thanh long thu hoạch nếu không sơ chế phải bán trong ngày.

Kể từ khi được Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã của Liên minh Hợp tác xã về khảo sát và cho vay 2 tỷ đồng, Hợp tác xã Thanh long Tầm Vu đã đầu tư nhà xưởng và từng bước xuất khẩu thanh long sang các thị trường nước bạn. Cũng từ đó, vị thế hợp tác xã cũng tăng thêm chưa kể tạo tiềm lực kinh tế cho tỉnh và tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Tuy nhiên, con đường phía trước còn dài bởi khi đã phát triển đến đỉnh cao, hợp tác xã sẽ chuyển hướng đi vào chiều sâu để tìm kiếm thêm nhiều thị trường mới. Nhưng, hội nhập cũng đi kèm với hàng loạt rào cản đòi hỏi khu vực hợp tác xã nói chung và Tầm Vu nói riêng phải thay đổi tư duy để nâng chất cho hợp tác xã. Để làm được điều này đòi hỏi rất nhiều từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển.

* Thấp thỏm đợi vốn

Cũng như những đại diện hợp tác xã khác, ông Trương Quang An trải lòng, để chuyển đổi từ sản xuất, canh tác theo phương pháp truyền thống sang hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế đến việc tìm kiếm thị trường trong nước và ra nước ngoài không phải là điều dễ dàng. Không chỉ riêng Hợp tác xã Thanh long Tầm Vu mà rất nhiều hợp tác xã trên cả nước hiện nay đã đổi mới tư duy, hình thành nên chuỗi liên kết từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm.

Điều này thể hiện qua việc các hợp tác xã đã dám mạnh dạn đầu tư theo mô hình sản xuất sạch, thay thế nguồn giống cũ bằng giống mới tốt hơn, chất lượng thơm ngon hơn theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Hình thành nên chuỗi liên kết từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm thanh long. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành Trần Văn Lĩnh, trên cơ sở phối hợp các tổ hợp tác, hợp tác xã và các hộ nông dân trên địa bàn, Hội đang triển khai xây dựng 2.000 ha vùng thanh long ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, thương hiệu thanh long huyện Châu Thành cũng đang được các cấp, các ngành địa phương tích cực triển khai xây dựng nhằm nâng tầm trên thị trường trong nước và thế giới.

Trước mắt, hệ thống mã vạch sản phẩm thanh long của các tổ hợp tác, hợp tác xã và các hộ dân trên địa bàn đang được gấp rút xây dựng để xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài. Hiện tại, các hợp tác xã thanh long trên địa bàn đang là mô hình sáng, được nhiều hộ dân trồng thanh long trong vùng tìm đến để học hỏi kinh nghiệm và hợp tác làm ăn. Tuy nhiên, trong mỗi bước đi đều không hề bằng phẳng bởi muôn vàn khó khăn vì để làm được tất cả những điều này thì điều kiện tiên quyết là phải có sự hỗ trợ về vốn.

Từ bỏ công việc giám sát thi công, anh Trần Văn Thuận cùng 7 thành viên nữa đã sáng lập ra Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bến Lức với hy vọng thoát nghèo cho vùng quê và đưa nông sản Việt ra khỏi biên giới. Mặc dù từ năm 2015 đến nay, hợp tác xã đã mở rộng được hơn 50ha chanh không hạt nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là vốn để mở văn phòng và xây dựng kho sơ chế.

Cũng như bao hợp tác xã khác, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bến Lức bị các ngân hàng lắc đầu bởi đây là hợp tác xã kiểu cũ. Do vậy, kênh hy vọng nhất hiện nay để vực hợp tác xã đi lên là Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn lực của Quỹ này hạn chế nên không đủ để hỗ trợ thêm cho các hợp tác xã đang làm ăn hiệu quả nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn.

Do vậy, anh Trần Văn Thuận chờ đợi một ngày nào đó, khi Quỹ Hỗ trợ phát triển được tiếp thêm nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, chanh không hạt của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bến Lức sẽ không còn cảnh sáng thu hái chiều chờ thương lái đến mua.

Anh Trần Văn Thuận chia sẻ, để xây dựng được nhà xưởng sơ chế và kho lạnh đòi hỏi vốn rất nhiều mà đi vay nguồn bên ngoài lãi suất rất cao. Tuy vậy, có những lúc anh vẫn phải ngậm bồ hòn vay lãi tới 3-4%/tháng để thực hiện nhu cầu không thể dừng được. Dù đã tạo được cánh đồng chanh và vùng nguyên liệu tốt nhưng đến nay hợp tác xã vẫn chưa có tiềm lực kinh tế để đầu tư cơ sở bảo quản sau thu hoạch nên vẫn phải bán cho thương lái phụ thuộc khâu tiêu thụ.

Vì vậy, nếu vay được vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, anh Trần Văn Thuận khẳng định chắc chắn hợp tác xã sẽ phát huy rất tốt và tạo sự lan tỏa của mô hình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục