Tháo gỡ khó khăn từ định dạng lại sản lượng gạo xuất khẩu

19:42' - 13/12/2016
BNEWS Thay vì phải chạy đôn chạy đáo tìm đường xuất khẩu, bất chấp giá cả, chất lượng… như hiện nay, Việt Nam cần định dạng lại sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu với định hướng trong ngắn hạn đến năm 2020,
Tháo gỡ khó khăn từ định dạng lại sản lượng gạo xuất khẩu. Ảnh minh họa: TTXVN.

“Thay vì phải chạy đôn chạy đáo tìm đường xuất khẩu, bất chấp giá cả, chất lượng… như hiện nay, Việt Nam cần định dạng lại sản lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu với định hướng trong ngắn hạn đến năm 2020, chỉ nên xuất khẩu ở mức 2 – 3 triệu tấn/năm thay vì 7 – 8 triệu tấn/năm như hiện nay”.

Đây là một trong những giải pháp đáng chú ý được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra tại Hội thảo về định hướng phát triển thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam , do Bộ Công Thương tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh ngày 13/12.

Thị trường gặp khó

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, khoảng 70% lượng gạo xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam được bán tại thị trường châu Á, trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất, tiếp đến là các quốc gia trong khu vực ASEAN gồm Philippines, Indonesia và Malaysia. Tuy nhiên, hiện xuất khẩu gạo của Việt Nam sang những thị trường này đang chững lại.

Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA phân tích, những năm trước đây, 3 nước trong khu vực ASEAN nói trên đã nhập khoảng 2-3 triệu tấn gạo từ Việt Nam nhưng năm nay, lượng gạo xuất khẩu sang cả ba thị trường này chỉ còn khoảng 10%. Nguyên nhân chủ yếu là do Chính phủ các nước này có những chính sách quyết đoán về an ninh lương thực và đã đạt được những kết quả nhất định ban đầu; từng bước tự cân đối lương thực trong nước, giảm phụ thuộc vào gạo nhập khẩu.

Riêng thị trường Trung Quốc, với những chính sách về kiểm dịch mới được đưa ra, đặc biệt là Nghị định thư về xuất khẩu gạo và cám gạo giữa Việt Nam – Trung Quốc vừa được công bố giữa năm nay thì đây không còn là thị trường dễ tính nữa.

Đồng quan điểm trên, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, trên thị trường thế giới, gạo là một mặt hàng rất hạn chế, gặp nhiều khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Đa số các nước đều có biện pháp bảo hộ đối với mặt hàng này và thuế nhập khẩu thường ở mức cao nhất. Đơn cử như Hàn Quốc thuế nhập khẩu gạo lên đến 500%, Nhật Bản là 800%. Không chỉ vậy, các quy định về hạn ngạch thuế quan, an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng rào kỹ thuật… là những lý do được các nước đưa ra nhằm bảo hộ sản xuất trong nước.

Mặt khác, hiện 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là từ Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, vụ Đông Xuân 2015-2016 vừa qua, hạn hán, xâm nhập mặn đã khiến sản lượng sụt giảm trên 1 triệu tấn. Với sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng kèm theo những đập thủy điện đang được xây ở thượng nguồn sông Mê Kông như hiện nay, sản xuất lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sản xuất cũng như xuất khẩu của ngành lúa gạo nếu Việt Nam không định dạng lại ngành hàng này trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, đại diện VFA cho rằng, Việt Nam cần định dạng lại sản lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu. Với định hướng trong ngắn hạn đến năm 2020, chỉ nên xuất khẩu ở mức 2 - 3 triệu tấn/năm thay vì 7 - 8 triệu tấn/năm như hiện nay.

Xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao

Việc định dạng lại thị trường cũng được các doanh nghiệp trực tiếp làm công tác xuất khẩu đồng tình. Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ) cho rằng, trước đây, do bối cảnh lịch sử nên nền sản xuất lúa gạo chỉ tập trung vào năng xuất, sản lượng mà bỏ quên vấn đề chất lượng và thị trường.

“Muốn phát triển được thị trường, Việt Nam phải có những sản phẩm gạo có tính cạnh tranh, đảm bảo 3 yếu tố: ngon, sạch và rẻ. Đặc biệt, gạo sạch là xu thế tiêu dùng không chỉ của thế giới mà ngay cả người dân trong nước. Thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng trong nước chọn mua gạo Campuchia vì tin rằng đó là gạo sạch, dù giá đắt hơn so với nhiều loại gạo sản xuất trong nước”, ông Bình nói.

Muốn phát triển được thị trường, Việt Nam phải có những sản phẩm gạo có tính cạnh tranh. Ảnh minh họa: Đình Huệ - TTXVN

Để đảm bảo 3 tiêu chí trên, theo ông Phạm Thái Bình, phải bắt nguồn từ khâu sản xuất, có những cánh đồng lớn và vùng nguyên liệu ổn định để sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng. Để làm được điều này, không cần phải tìm giải pháp nào khác, chỉ cần làm đúng chủ trương theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

Ngoài việc định dạng lại sản lượng hàng hóa, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA nhấn mạnh, để tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo hiện nay, cần tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa, gạo theo hướng đi vào chiều sâu là nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong ngắn hạn, cần xây dựng vùng nguyên liệu an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, cân đối sản lượng lúa, gạo hàng hóa phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường và vượt qua thách thức kép về nước.

Từ đó, định dạng lại 3 vùng sinh thái có tiềm năng lợi thế sản xuất lúa, gạo; trong đó, khai thác triệt để 2 vùng sinh thái nước ngọt (Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười) và vùng luân canh lúa - tôm (vùng giữa sông Tiền - sông Hậu (ven biển).

Tham dự chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Tương Trần Quốc Khánh cho rằng, trong thời gian tới, ngành lúa gạo phải thay đổi tư duy sản xuất lúa gạo, định dạng lại sản lượng tối ưu, thay vì kiểu tự hào “xuất khẩu nhiều nhất” như hiện nay. Nhìn lại toàn cảnh thị trường thế giới, nếu một năm chỉ sản xuất dành cho xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn, nhưng nếu giá trị tốt thì cũng mang lại giá trị tương đương với 6-7 triệu tấn.

Đồng thời, việc sản xuất phải hướng đến đảm bảo theo yêu cầu, tiêu chuẩn của từng thị trường. Bởi lúa gạo là ngành hàng được bảo hộ lớn nhất hiện nay nên mỗi thị trường có những quy định khác nhau về điều kiện nhập khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục