Tháo gỡ vướng mắc cho các dự án trọng điểm ven biển Lâm Đồng

13:26' - 28/07/2025
BNEWS Khu vực ven biển tỉnh Lâm Đồng hiện nay có rất nhiều dự án trọng điểm đang triển khai; trong đó, có những dự án “khủng” với quy trên 1.000 ha với mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều dự án đang gặp các vướng mắc, đòi hỏi các cấp lãnh đạo có chiến lược cụ thể trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án này.

Những dự án trọng điển quy mô “khủng”

Tại khu vực ven biển của tỉnh, hiện nay, các nhà đầu tư đang triển khai hàng chục dự án trọng điểm. Cụ thể, dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 tại xã Sơn Mỹ chấp thuận đầu tư với diện tích 1.070 ha với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.300 tỷ đồng. Dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 triển khai theo hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ 2018 –2020 tập trung công tác đền bù giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng 615,25 ha; giai đoạn 2 từ 2021 –2025 đền bù giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng 454,75 ha.

Theo Ủy ban nhân dân xã Sơn Mỹ, đến nay, khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 có 3 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 156 ha, vốn đầu tư đăng ký 5,4 tỷ USD gồm: Kho cảng LNG Sơn Mỹ diện tích trong khu công nghiệp là 50 ha, diện tích mặt biển 3.455 ha, với tổng vốn đầu tư 31.434 tỷ đồng (tương đương 1,3 tỷ USD); nhà máy nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I tổng vốn đầu tư 47.464 tỷ đồng (tương đương 1,98 tỷ USD); nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II,  tổng vốn đầu tư 50.433 tỷ đồng (tương đương 2,1 tỷ USD).

Một dự án trọng điểm khác khu vực ven biển đã được triển khai là dự án Rừng dầu Hồng Liêm. Đây là dự án bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh, trồng và phát triển thực vật rừng dầu, một số loài động vật quý, hiếm (nhóm IB, IIB) và thông thường của Công ty cổ phần Rạng Đông thuộc địa phận của 2 xã  Hồng Sơn và Hòa Thắng. Quy mô, diện tích đất sử dụng của dự án là 3.241 ha, cụ thể: đất rừng sản xuất 1.427 ha; đất rừng phòng hộ  1.645 ha; đất trồng cây lâu năm 169 ha (nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng).

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Rạng Đông, qua hơn 16 năm tiếp quản để bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh và trồng rừng... Đến nay, rừng dầu Hồng Liêm đã hồi sinh và phát triển mạnh mẽ, độ che phủ của rừng đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể, rừng phòng hộ tăng từ 69% lên 93,86%, rừng sản xuất tăng từ 7% lên 34,63%). Ngoài ra, môi trường sinh học tại khu vực dự án ngày càng đa dạng, nhiều loài thú nguy cấp, quy hiếm đã xuất hiện tại dự án và cần được tiếp tục bảo tồn và phát triển.

Rừng dầu Hồng Liêm trở thành nơi quần tụ của nhiều loài chim thú tự nhiên bản địa, chim thú quý hiếm được cứu hộ, chăm sóc, nhân giống, sau đó đưa lại ra môi trường rừng tự nhiên để tự sinh tồn. Số lượng các loài động vật trong rừng khá phong phú và số lượng cá thể tương đối lớn như: Linh dương, hươu sao, nai, nhím, bò lai, ngựa, dê, cừu, đà điểu, chim công, chim trĩ, heo rừng, thỏ rừng, sóc, gà rừng...

Đặc biệt, nổi bật trong nhóm dự án “khủng” mà tỉnh Lâm Đồng đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư là Dự án Tổ hợp khu đô thị, thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái và tâm linh Tà Cú - Bưng Thị - Sông Phan (xã Tân Thành, Hàm Thuận Nam, Tân Hải). Trong khu vực Dự án Tổ hợp khu du lịch này hội đủ nhiều tiềm năng để phát triển. Đơn cử là nguồn suối nước nóng tự nhiên trong lòng đất với nhiệt độ cao gần 100 độ; đồng thời qua phân tích của các nhà khoa học cho thấy trong nguồn nước nóng này có nhiều chất khoáng tốt cho sức khỏe con người…

Dự án dự kiến chia thành 8 dự án thành phần với tổng diện tích đất khoảng 13.200 ha. Qua phân tích đánh giá, ghi nhận 2 dự án thành phần có khả năng đủ điều kiện để lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện hoàn thành trong năm 2025; cụ thể là Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí Bưng Thị có diện tích 106 ha và dự án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú có tích 10.000 ha. Đối với các dự án thành phần còn lại hiện cũng đang được nghiên cứu.

Ngoài ra, tại các khu vực ven biển hiện cũng đang triển khai các dự án trọng điểm như: Khu Công nghiệp Sơn Mỹ 2, tổng vốn đầu tư 1.717 tỷ đồng với diện tích 468 ha; Tổ hợp Khu du lịch Thung lũng Đại Dương với diện tích đất 1.000 ha và tổng vốn đầu tư 6.400 tỷ đồng; dự án Bến cảng Quốc tế Vĩnh Tân có diện tích 141 ha và tổng mức đầu tư 2.292 tỷ đồng…

Nhiều vướng mắc cần nhanh chóng tháo gỡ

Hiện, các dự án trọng điểm ven biển của tỉnh đang được triển khai xây dựng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh. Tuy nhiên, nhiều khó khăn vướng mắc trong qua trình triển khai đã làm dự án chậm.

Theo Ủy ban nhân dân xã Sơn Mỹ, công tác thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng của khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 còn chậm; trong đó 7 tổ chức/226 ha chưa đồng thuận với phương án bồi thường và có đơn khiếu kiện được Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý; 3 dự án trọng điểm  vẫn chưa được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nên vẫn chưa xác định được tiến độ thực hiện dự án.

Công ty cổ phần Rạng Đông kiến nghị giải quyết các thủ tục hành chính tiếp theo của dự án như: Kế hoạch cho thuê cây rừng sản xuất trên diện tích đã được giao trước đây; Phương án Quản lý rừng bền vững; Đề án du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, tham quan; Quyết định chủ trương đầu tư tách dự án đối với khu vực đã xây dựng là dự án thương mại dịch vụ, lưu trú; Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học… Đồng thời cho tồn tại công trình đã xây dựng, không tháo dỡ để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ thủ tục nhằm sớm đưa vào vận hành khai thác, tránh gây lãng phí nguồn lực kinh tế - xã hội và góp phần đa dạng sản phẩm du lịch cho tỉnh nhà mang bản sắc văn hóa về du lịch sinh thái.

Còn tại dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí Bưng Thị (Tổ hợp khu đô thị, thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái và tâm linh Tà Cú - Bưng Thị - Sông Phan), trong khu vực 106 ha dự án này có 1 giếng khoan khoáng nước nóng thiên nhiên lộ thiên; qua đối chiếu vị trí giếng khoan này nằm trong phạm vi quy hoạch hồ Bưng Thị thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản lĩnh vực đất hồ, đập thủy lợi. Do đó, tỉnh phải lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định...

Theo các chủ đầu tư dự án, một số vướng mắc cần tháo gỡ nhanh để triển khai dự án như: Công tác thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng giá đất; Sở Nông nghiệp và Môi trường chưa ban hành quy chế làm việc, chưa phân công lãnh đạo phụ trách công tác xác định giá đất cụ thể; Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể của tỉnh Lâm Đồng (mới) chưa được thành lập…

Trong chuyến khảo sát thực địa đánh giá toàn diện các dự án ven biển của tỉnh trong hai ngày 26-27/7, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá khu vực ven biển của tỉnh có tiềm năng rất lớn, nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, qua đánh giá toàn diện các dự án ven biển hiện nay bên cạnh các thuận lợi thì cũng gặp phải rất nhiều việc khó, dự án nào cũng có nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Các nhà đầu tư, chủ đầu tư và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án; sớm đưa các dự án vào hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh .

“Chúng ta quyết tâm thì sẽ làm được, không phải cứ thấy việc khó là chúng ta không thể không làm và đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm rất cao. Do đó, tất cả các sở, ngành phải thấy trách nhiệm của mình trong việc tháo gỡ các khó khăn này và sẽ cùng phối hợp giải quyết trong thời gian sớm nhất. Đối với vấn đề vướng mắc thuộc sở, ngành nào giải quyết thì Sở, ngành đó phải về nghiên cứu giải quyết ngay”, ông Hồ Văn Mười nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục