Tháo nút thắt giải ngân vốn, cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt liệu có bứt tốc?

11:44' - 19/10/2022
BNEWS Sau khi vốn nhà nước và vốn tín dụng được giải ngân, doanh nghiệp dự án sẽ cùng nhà thầu bàn bạc phương án huy động nguồn lực để đẩy mạnh thi công trên công trường.

 

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) cho biết, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam- Vietcombank vừa có văn bản chấp thuận dự án dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (đầu tư theo hình thức đối tác công - tư - PPP) đủ điều kiện giải ngân vốn tín dụng.
 
Như vậy, hiện tại tất cả 4 ngân hàng gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam-Vietcombank, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tham gia tài trợ vốn cho dự án đã có văn bản chấp thuận cho dự án đủ điều kiện giải ngân nguồn vốn tín dụng.
 

Với động thái trên, việc giải ngân phần vốn nhà nước tham gia tại dự án đã được kích hoạt. Trong đợt 1, đã thanh toán 230 tỷ đồng vốn nhà nước và 360 tỷ đồng vốn chủ sở hữu sẽ được giải ngân.

Theo Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Việt, đợt 2 sẽ tiếp tục giải ngân tổng cộng 300 tỷ đồng; trong đó, có cả vốn tín dụng và khoảng 130 tỷ đồng vốn nhà nước, doanh nghiệp dự án đang tiếp tục thực hiện đợt thanh toán thứ 3 để đáp ứng kế hoạch triển khai dự án.

 

 

"Sau khi vốn nhà nước và vốn tín dụng được giải ngân, doanh nghiệp dự án sẽ cùng nhà thầu bàn bạc phương án huy động nguồn lực để đẩy mạnh thi công trên công trường", ông Nguyễn Quốc Việt khẳng định
 
Đại diện doanh nghiệp dự án chia sẻ thêm, về giải phóng mặt bằng đã giải quyết xong. Tuy nhiên còn một số hạ tầng kỹ thuật như đường điện, nước đang được các bên liên quan phối hợp giải quyết. Hiện trên tuyến có tổng cộng khoảng 10km đường phải xử lý nền đất yếu, các nhà thầu đang tập trung xử lý để chủ động thi công trong thời gian tới sau khi đã dỡ gia tải.
 
Dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt Dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49,3km tổng vốn đầu tư giai đoạn phân kỳ (4 làn xe) là hơn 11.157 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư huy động là 5.090 tỷ đồng; vốn Nhà nước tham gia dự án là hơn 6.067 tỷ đồng.
 
Thời gian qua, việc triển khai thi công dự án phụ thuộc hoàn toàn vào vốn góp chủ sở hữu. Tính đến thời điểm cả 3 nguồn vốn được khơi thông, vốn góp chủ sở hữu cho dự án đã đạt hơn 800 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng thi công toàn dự án đạt gần 15% so với hợp đồng, chậm khoảng 7%.

 

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Phúc Thành Hưng, tiến độ triển khai dự án Diễn Châu - Bãi Vọt chưa thể đạt tốc độ tối đa, một phần nguyên nhân chính đến từ khó khăn trong khơi thông các nguồn vốn cho dự án. Cùng với đó là thời tiết bất lợi mưa nhiều tại khu vực miền Trung cũng như khó khăn về giá nguyên vật liệu cũng tác động không nhỏ tới tiến độ công trình.
 

"Chẳng hạn như trong tháng 9 mưa bão liên tiếp đã khiến quá trình thi công bị gián đoạn., tính từ trung tuần tháng 9 đến nửa đầu tháng 10 hầu như công trường không thể thi công đồng loạt do mưa liên tiếp", đại diện doanh nghiệp dự án dẫn chứng.

Theo Nghị quyết 20/NQ-CP của Chính phủ về triển khai Nghị quyết 52/2022/QH14 Quốc hội về đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án phải giải ngân tối thiểu 50% vốn chủ sở hữu (511 tỷ đồng) thì mới giải ngân đồng thời 3 nguồn: Vốn chủ sở hữu, vốn nhà nước và vốn tín dụng.

Được biết, nhà đầu tư dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt là liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2. Dự án được khởi công từ tháng 5/2021 nhưng mãi đến giữa tháng 2/2022 mới ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng vì vậy, dự án mới thực sự được thi công trên toàn tuyến. Dự kiến, dự án sẽ phải hoàn thành trong tháng 5/2024.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt là tuyến giao thông huyết mạch đặc biệt quan trọng có ý nghĩa kinh tế - xã hội, chính trị to lớn, giúp cải thiện hạ tầng giao thông, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với cả nước. Đồng thời, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục