Thay đổi cách tiếp cận để khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc

20:28' - 06/12/2023
BNEWS Theo các chuyên gia, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng và nhiều tiềm năng nên chuỗi sản xuất - xuất khẩu nông sản cần thay đổi cách tiếp cận để khai thác tốt thị trường này.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội nghị Hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) khi xuất khẩu nông sản thực phẩm vào Trung Quốc do Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 6/12.

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam với  kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 175,5 tỷ USD năm 2022, chiếm tới 24% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Năm 2023, do ảnh hưởng của việc sụt giảm nhu cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc giảm sút, nhưng vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng của nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam. 

Cụ thể, Trung Quốc hiện chiếm gần 54% tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam; trong đó tới 90% sản lượng trái vải xuất khẩu, 80% sản lượng thanh long xuất khẩu, hơn 90% sản lượng sắn và sản phẩm chế biến từ sắn.

Năm 2023, riêng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc có thể đạt tới 2,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ hơn 70% sản lượng cao su xuất khẩu và là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam.

Với quy mô dân số hơn 1,4 tỷ người, ngày càng nhiều tầng lớp trung lưu, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới với nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Ngược lại, Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại quan trọng thứ 4 của Trung Quốc, là nguồn cung chủ lực các mặt hàng như: trái vải, thanh long, hạt điều... vào thị trường này.

Tuy nhiên, theo ông Tô Ngọc Sơn, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường Trung Quốc do thói quen xuất khẩu “tiểu ngạch” qua biên giới và hạn chế trong việc tiếp cận các khu vực thị trường sâu trong Đại lục. Theo đó, Trung Quốc hiện siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch và đẩy mạnh nhập khẩu chính ngạch kèm theo các yêu cầu kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm như: chỉ cho phép nhập khẩu tại cửa khẩu chỉ định; yêu cầu đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu; tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc và đặt ra các yêu cầu mới về nhãn mác...

Bên cạnh việc tăng cường thực thi pháp luật của Trung Quốc thì nông sản Việt Nam cũng đang chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ các nước khác trong khu vực. Do đó, cần thay đổi cách nhìn nhận và tiếp cận thị trường từ phía người sản xuất và xuất khẩu nông sản mới có thể khai thác hiệu quả thị trường.

“Trước hết, người sản xuất cần loại bỏ suy nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính mà phải xác định đây là thị trường có tiêu chuẩn cao và kiểm soát khắt khe để sản xuất chuẩn chỉnh về chất lượng ngay từ đầu. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần nhanh chóng chuyển đổi hình thức xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch; đồng thời cập nhật xu hướng, thị hiếu mới của thị trường. Tăng cường tiếp cận vùng bởi Trung Quốc là thị trường vô cùng rộng lớn, mỗi vùng lại có nhu cầu và tập quán khác nhau trong khi hầu hết doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam chỉ mới khai thác các địa phương lân cận biên giới Việt -Trung mà chưa hiện diện nhiều ở các tỉnh, thành phố nằm sâu trong Đại lục”, ông Tô Ngọc Sơn nêu khuyến nghị.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của nhiều loại nông sản Việt Nam, đặc biệt là các loại quả, trái cây tươi nhờ vị trí địa lý thuận lợi và nhu cầu tiêu dùng lớn. Thời gian qua, việc Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát nhập khẩu, an toàn vệ sinh thực phẩm đã gây khó khăn không ít cho hoạt động xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế là hoạt động xuất khẩu một số mặt hàng sang Trung Quốc lâu nay vẫn theo thói quen giao nhận biên mậu, không đúng với quy định pháp luật của Trung Quốc và thông lệ thương mại quốc tế. Vì vậy, đây là thời điểm mà các chuỗi sản xuất - xuất khẩu nông sản Việt Nam phải thay đổi phương thức sản xuất cũng như thương mại chuyên nghiệp hơn để phù hợp với yêu cầu thực tế của thị trường.

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản vào Trung Quốc cần đặc biệt lưu ý và tuân thủ Lệnh số 248 (ngày 12/4/2021) Quy định quản lý và đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc và Lệnh số 249 (ngày 14/4/2021) Quy định về kiểm soát an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu vào Trung Quốc.

Việc tuân thủ ngay từ đầu sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và mặt hàng xuất khẩu lâu dài bởi khi có lô hàng bị cảnh báo, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) sẽ thông báo và thực hiện kiểm tra thực tế cơ sở trực tuyến hoặc trực tiếp. Cơ sở có lô hàng cảnh báo bị đưa ra khỏi danh sách được phép nhập khẩu và rất khó trở lại danh sách sau khi giải trình.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục