Thay đổi tư duy nông nghiệp để hạn chế bỏ ruộng

09:34' - 11/03/2020
BNEWS Nam Định đang tích cực mời gọi các doanh nghiệp tham gia tích tụ ruộng đất, xây dựng các cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới hóa sản xuất, tạo ra các loại giống mới để đạt được hiệu quả cao trong sản xuất.

Là tỉnh thuần nông song những năm gần đây tình trạng bỏ ruộng hoang tại Nam Định có xu hướng ngày càng tăng. Nhiều diện tích từng là "bờ xôi ruộng mật" nay bỏ không trồng cấy, gây lãng phí nguồn tài nguyên. Đã đến lúc chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn cần có những giải pháp căn cơ mang tính đột phá để giúp người dân gắn bó với ruộng đồng và làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình.
* Hiệu quả thấp
Hàng chục hécta đất ruộng nằm ngay cạnh con đường bê tông rộng thênh thang ở thôn Ngoại Đê, xã Nam Thái, huyện Nam Trực vụ này bị người dân bỏ hoang. Theo ông Đào Văn Mỹ, Trưởng thôn Ngoại Đê, sở dĩ có tình trạng trên là do liên tiếp 2 vụ lúa các năm 2017 và 2018 những diện tích đồng trũng này đều bị ngập úng phải cấy đi cấy lại nhiều lần, không đảm bảo khung thời vụ, năng suất lúa thấp, thậm chí có hộ còn không được thu hoạch khiến nhiều người chán ruộng.
Ông Mỹ cho biết, vụ lúa Đông Xuân nhiều hộ trong thôn còn gieo cấy nhưng riêng vụ Hè Thu thì hầu như đồng ruộng trong thôn bị bỏ hoang vì đây là rốn nước trong khu vực, cứ mưa xuống là ngập, mùa nắng thì hạn hán, thiếu nước. Mặt khác, giá giống, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công lao động… ngày càng cao trong khi cấy lúa cho năng suất thấp, không mang lại hiệu quả kinh tế.
Trên cánh đồng lúa thuộc thôn Khánh Hạ, xã Nam Thái, ông Nguyễn Văn Hải (62 tuổi) đang cặm cụi quây nilon xung quanh thửa ruộng mới cấy để ngăn chuột phá lúa. Ông Hải cho hay, khoảng 3 năm gần đây có khá nhiều chuột, nếu gia đình không có biện pháp ngăn chuột hại thì sẽ không được thu hoạch.
Theo tính toán của lão nông Nguyễn Văn Hải, từ lúc cấy lúa đến khi thu hoạch khoảng hơn 3 tháng, thời tiết thuận lợi thì trung bình mỗi sào lúa (360m2) lãi được khoảng 200.000 đồng, chia cho 3 tháng, tính ra mỗi tháng nông dân còn lãi khoảng 70.000 đồng. Hiệu quả kinh tế thấp, người dân giờ đi làm công nhân hoặc làm việc khác hết chỉ còn người trung niên, người già không có việc làm mới cố gắng bám trụ đồng ruộng.
Ông Nguyễn Văn Khua, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thái thông tin, toàn xã có khoảng 500ha đất 2 lúa. Năm 2019, theo thống kê của Ban Nông nghiệp xã có trên 100ha đất ruộng bị bỏ hoang, diện tích người dân không cấy thường nằm ở vùng trũng, bị ngập úng. Xã đã đề nghị xây dựng 3 trạm bơm để chủ động tưới tiêu cho đồng ruộng nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai do thiếu kinh phí.
Xã Nam Thanh cũng là một trong những địa phương của huyện Nam Trực có diện tích bỏ ruộng lớn. Toàn xã có trên 300ha đất trồng lúa song vụ Đông Xuân này cũng chỉ gieo cấy được khoảng 50%, còn lại là bỏ hoang. Ở đây, diện tích đất bỏ hoang thường rơi vào các làng có nghề truyền thống như: Làng nghề đúc nhôm thôn Bình Yên; làng nghề thổi thủy tinh Xối Trì; làng mộc Tân Giang…
Ông Phạm Thanh Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thanh lý giải, nguyên nhân khiến tình trạng bỏ ruộng trên địa bàn ngày càng tăng là do hiệu quả cấy lúa không cao, người dân tập trung vào làm nghề hoặc đi làm công nhân dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động.
Ông Vũ Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Trực tiếc nuối vì trên địa bàn có nhiều diện tích thuận lợi để phát triển sản xuất nhưng người dân vẫn bỏ ruộng. Bà con nông dân vẫn làm nông nghiệp theo phương thức truyền thống, phụ thuộc nhiều vào yếu tố mùa vụ, thời tiết dẫn đến thu nhập thấp, bấp bênh.

Trong các năm 2016 - 2018, tỷ lệ bỏ hoang đồng ruộng trên địa bàn huyện khoảng 200ha nhưng chỉ riêng năm 2019 đã tăng lên 700ha. Một số địa phương có tỷ lệ bỏ ruộng nhiều như: Xã Nam Thái, Nam Giang, Nghĩa An, Nam Tiến…
* Thay đổi tư duy làm nông nghiệp
Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định cho thấy, năm 2019 toàn tỉnh có trên 1.800ha diện tích đất bị bỏ hoang không cấy. Việc nông dân bỏ ruộng ngày càng gia tăng khiến các ngành chức năng cần phải nhìn nhận lại về cơ chế quản lý và sử dụng đất đai, đồng thời cần có chính sách tích tụ ruộng đất thuận lợi hơn để tạo ra các cánh đồng lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định có 2 doanh nghiệp tư nhân Toản Xuân và Cường Tân đang thực hiện khá hiệu quả mô hình tập trung ruộng đất, liên kết với nông dân sản xuất lúa giống và gạo sạch. Cách làm của 2 doanh nghiệp này là thuê đất của các hộ dân để dồn lại thành cánh đồng lớn, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất như: đường giao thông, mương tưới tiêu sau đó cho người dân thuê lại ruộng đất để sản xuất theo quy trình kỹ thuật của doanh nghiệp, sản phẩm được doanh nghiệp cam kết thu mua.
Ông Đoàn Văn Sáu, Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân chia sẻ, người dân tham gia liên kết sản xuất sẽ được công ty hỗ trợ giống lúa, tiền công lao động và các dịch vụ khác, được bao tiêu toàn bộ sản phẩm và chia sẻ rủi ro về năng suất. Mô hình liên kết sản xuất lúa giống cho thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn nhiều so với việc người dân tự sản xuất, tự tìm đầu ra cho sản phẩm.
Đến nay tổng cộng đã có gần 1.000 hộ dân hợp tác cùng công ty TNHH Cường Tân, với khoảng 600 ha đất nông nghiệp được trồng cấy theo hướng liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trải rộng trên nhiều cánh đồng tại tỉnh Nam Định. Ngoài liên kết với Công ty Cường Tân để sản xuất lúa giống, hiện nay cũng có trên 500 hộ dân liên kết với Công ty TNHH Toản Xuân sản xuất gạo sạch với quy mô hàng nghìn ha trên các cánh đồng tại huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc…
Ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân cho rằng, khó khăn lớn nhất để người dân tham gia mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là do tình trạng đất đai vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn trong việc cơ giới hóa đồng ruộng. Vì vậy, các ngành chức năng sớm nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai, tạo điều kiện tích tụ ruộng đất tạo ra các cánh đồng lớn, hiệu quả cao hơn.
Ngoài chính sách khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, tham gia xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến, tỉnh Nam Định cũng đẩy mạnh phát triển hạ tầng đồng ruộng, xây dựng các trạm bơm để có thể chủ động nguồn nước tưới tiêu, cùng với đó là cho chuyển đổi các vùng trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao.
Theo ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, hiện tỉnh Nam Định đã cho chuyển đổi trên 1.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Tỉnh cũng tích cực mời gọi các doanh nghiệp tham gia tích tụ ruộng đất, xây dựng các cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới hóa sản xuất, tạo ra các loại giống mới để đạt được hiệu quả cao trong sản xuất, giúp nông dân làm giàu trên chính đồng ruộng của mình../

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục