Thay đổi tư duy sản xuất để nông sản rộng đường xuất khẩu

15:51' - 24/02/2025
BNEWS Dự án Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn ở tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam mong muốn sẽ thay đổi tư duy sản xuất của nông dân Việt Nam với hướng tư duy theo thị trường.

Cẩn thận, tỉ mỉ và chắc chắn trong làm chủ kỹ thuật sản xuất, nhưng phải đặc biệt nhanh nhạy về thị trường - đó là những gì ông Phạm Hoàng Hiệp, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông sản an toàn Liên Hiệp (thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) chia sẻ khi được hỏi về những bài học rút ra từ khi tham gia Dự án Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp thực hiện.

Sinh ra và lớn lên bên dải đất ven sông Đáy màu mỡ, nhưng người dân sở hữu diện tích quá nhỏ nên không thiết tha sản xuất, nhiều diện tích bị bỏ hoang, trước thực trạng đó, năm 2016 vợ chồng ông Phạm Hoàng Hiệp tích tụ được 5 ha đất theo chủ trương tích tụ ruộng đất của tỉnh Hà Nam. Đều là kỹ sư nông nghiệp nên vợ chồng ông Hiệp mong muốn xây dựng HTX dịch vụ nông sản an toàn Liên Hiệp trở thành HTX sản xuất và cung ứng các sản phẩm nông sản an toàn theo hướng hữu cơ của tỉnh Hà Nam, góp phần mang lại niềm tin của người tiêu dùng đối với nông sản Việt.

Với sự hỗ trợ của Dự án Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn, cùng với kinh nghiệm và kỹ năng tích lũy được của ông Hiệp, HTX dịch vụ nông sản an toàn Liên Hiệp đã trở thành mô hình kiểu mẫu góp phần thay đổi tập quán canh tác của người dân trong vùng, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người tiêu dùng, mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.

“Đã làm nông nghiệp, muốn thành công, chủ farm phải là người trực tiếp bắt tay vào từng quy trình kỹ thuật chứ không thể chỉ sai người làm thuê. Kiểm soát được tỉ mỉ quy trình, kiểm soát vật tư, giám sát chặt chẽ từng bước kỹ thuật là những yếu tố quyết định thành công của mỗi mùa vụ. Làm việc với chuyên gia Nhật Bản chúng tôi càng thấy rõ điều này”, ông Hiệp chia sẻ. 

Cũng theo ông Hiệp, quy trình kỹ thuật được kiểm soát chặt chẽ sẽ quyết định chất lượng sản phẩm và chính chất lượng sản phẩm sẽ kéo khách hàng đến với mình. Sử dụng nhà màng, nhà lưới; sản xuất giá thể tự ươm cây giống; giảm thuốc bảo vệ thực vật; giảm phân hóa học; ưu tiên sử dụng phân chuồng ủ theo phương pháp của Nhật Bản… là những kỹ thuật được HTX đẩy mạnh ứng dụng từ khi tham gia Dự án Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn.

Đến nay, sản phẩm của HTX dịch vụ nông sản an toàn Liên Hiệp đã xuất vào hệ thống  siêu thị Vinmart, Big C, bếp ăn của các công ty, các trường học bán trú và các cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Sản xuất ra các sản phẩm nông sản an toàn theo đúng quy trình GlobalGAP, VietGAP đã giúp HTX tạo công ăn việc làm ổn định cho 15 lao động. Hiện HTX đang xúc tiến sản xuất sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu ra nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như nâng tầm giá trị nông sản Việt.

Cũng giống như  ở HTX dịch vụ nông sản an toàn Liên Hiệp, tại HTX Giao Hà, huyện Giao Thủy (Nam Định), kỹ thuật sản xuất cũng là yếu tố được đặc biệt coi trọng để cho ra những sản phẩm hướng tới những phân khúc thị trường cấp cao. 

Là vùng trồng rau màu truyền thống của huyện Giao Thủy, nhưng tư duy sản xuất của xã viên HTX Giao Hà đã có nhiều thay đổi khi tham gia Dự án Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn. Ông Phùng Văn Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết: “Không đi theo lối mòn sản xuất phụ thuộc vào phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, không chạy theo năng suất cao, sản lượng lớn, xã viên chúng tôi hiện đã rất chú trọng vấn đề sản xuất bền vững với các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ để giữ thương hiệu cho sản phẩm của HTX. Năng suất có thể không cao hơn sản xuất kiểu cũ, nhưng sản phẩm ngon hơn, sạch hơn, giá bán tốt hơn là những giá trị làm nên thương hiệu rau sạch, gạo sạch của HTX Giao Hà”.

Theo bà Bùi Thị Hồng, cán bộ khuyến nông xã Giao Hà, trước đây bà con canh tác manh mún, nhỏ lẻ, nhưng từ khi người dân tham gia vào HTX canh tác tập trung nên rất dễ cho việc bố trí và giám sát sản xuất. Đồng thời, với sự hỗ trợ của chuyên gia Nhật Bản, HTX đã áp dụng một số kỹ thuật sản xuất tiên tiến như: sử dụng phân ủ hoai mục bằng phương pháp lên men giúp phục hồi cấu trúc đất và nâng cao độ phì cho đất; kỹ thuật sản xuất cây giống trong khay xốp để tạo ra cây giống khỏe mạnh, có sức kháng chịu sâu bệnh tốt và thích nghi nhanh với môi trường bên ngoài sau khi được trồng ngoài cánh đồng...

Còn theo bà Mai Thị Nhung, Phó Giám đốc điều hành sản xuất HTX kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc, xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy (Nam Định): “Phải có lương tâm, tâm huyết mới làm được nông nghiệp hữu cơ”. Chính vì vậy, giữa nhiều mùa vụ nông dân phải đổ bỏ, phải “giải cứu” cà chua, bắp cải, su hào…, thì sản phẩm của HTX kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc vẫn đều đặn được tiêu thụ trong các bếp ăn tập thể; trên các kệ hàng siêu thị hay tại chuẩn cửa hàng thực phẩm an tàn tại các đô thị…

Hướng đến phân khúc thị trường trung và cao cấp, “Tiêu chuẩn Nhật” luôn là mục tiêu để các HTX tham gia gia Dự án Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp thực hiện hướng đến. Tư duy “không chạy theo số lượng, chất lượng là ưu tiên hàng đầu” đang được nông dân các HTX nông nghiệp hướng đến với mục tiêu “thay vì bán những gì sản xuất được, chuyển sang bán những gì thị trường cần”. 

Dự án Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp thực hiện với mục tiêu không chỉ dừng ở hỗ trợ kỹ thuật sản xuất mà còn tăng cường năng lực tiếp thị, khảo sát nhu cầu thị trường và kỹ năng bán hàng để nông dân không còn bị động và không cần đến những kịch bản “giải cứu nông sản”. 

Đặc biệt, các chuyên gia của JICA đã hỗ trợ HTX xây dựng và phát huy hiệu quả bộ công cụ marketing để giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm của HTX. Vì vậy, sản phẩm rau an toàn của HTX phục vụ thị trường trung và cao cấp và hiện được tiêu thụ tại chuỗi siêu thị VinMart, chuỗi siêu thị Aeon, chuỗi siêu thị Co.op, Coop Mart, Coop Food, một số cửa hàng rau an toàn và các bếp ăn trường học, khu công nghiệp khác. 

Theo ông Naoki Kayano, chuyên gia JICA, Dự án Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn ở tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam mong muốn sẽ thay đổi tư duy sản xuất của nông dân Việt Nam với hướng tư duy theo thị trường. Vì vậy, cùng với việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất, Dự án chú trọng tổ chức nhiều lớp tập huấn về marketing với mong muốn nông dân tự chủ trong việc tìm kiếm và phát triển thị trường. 

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nông dân phải để sản phẩm của mình “biết nói”, đồng nghĩa với việc sản phẩm không chỉ sạch, tốt, mà còn phải có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng, có thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường.

Hiện JICA cùng với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm nông sản Việt lên các kệ hàng của Trung tâm thương mại Aeon Mall tại nhiều tỉnh, thành trong nước. Việc xuất hiện tại các thị trường cấp cao sẽ là cơ hội để nông sản Việt khẳng định vị thế với người tiêu dùng trong nước và rộng đường tới các thị trường trên thế giới. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục