Thay thế nguồn đạm động vật bằng đạm thực vật

15:14' - 07/10/2016
BNEWS Ô nhiễm môi trường từ việc gia tăng chăn nuôi gia súc và gia cầm hiện đã ở mức quá cao, trong khi các tiêu chuẩn về an toàn và phúc lợi thì quá thấp.
Thay thế nguồn đạm động vật bằng đạm thực vật. Ảnh: Artofwellbeing

Một nhóm gồm 40 nhà đầu tư quản lý số tài sản lên tới 1.250 tỷ USD đã đồng nhất gửi thư tới 16 công ty thực phẩm lớn trên toàn cầu, hối thúc họ thay đổi cách thức cung ứng để tránh những nguy cơ về môi trường và nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm bằng cách hướng đến các nguồn đạm thực vật thay cho protein động vật.

“Sự phụ thuộc của thế giới vào gia cầm và gia súc chăn nuôi để thỏa mãn nhu cầu về đạm đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu chính là thành tố dẫn đến một cuộc khủng hoảng môi trường, xã hội và tài chính”, ông Jeremy Coller, nhà sáng lập FAIRR Initiative, nhận định.

Ông Coller cho biết ô nhiễm môi trường từ việc gia tăng chăn nuôi gia súc và gia cầm hiện đã ở mức quá cao, trong khi các tiêu chuẩn về an toàn và phúc lợi thì quá thấp. Trong khi đó, ngành sản xuất và cung cấp thực phẩm vẫn không thể giải quyết được nhu cầu protein, dự kiến sẽ gia tăng trên toàn cầu.

“Giới đầu tư muốn biết liệu các công ty thực phẩm lớn có một chiến lược nhằm ngăn ngừa tình trạng 'bong bóng' này hay không và sẽ kiếm lợi từ việc khai thác nguồn đạm thực vật, dự báo sẽ tăng 8,4% mỗi năm trong 5 năm tới”, ông Coller nói thêm.

Các doanh nghiệp thực phẩm lớn được nhóm các nhà đầu tư vận động bao gồm Kraft Heinz, Nestle, Unilever, Tesco, Walmart, General Mills, Mondelez International, Ahold-Delhaize, The Co-operative Group, Costco Wholesale Corporation, Kroger Company, Marks&Spencer, Wm Morrison Supermarkets, Ocado, Sainsbury’s và Whole Foods Market.

Động thái trên của nhóm các nhà đầu tư được đưa ra sau khi một nghiên cứu của trường Đại học Oxford cho biết các nước có thể tiết kiệm 1.500 tỷ USD chi phí liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu và chăm sóc sức khỏe vào năm 2050, nếu con người giảm sự phụ thuộc vào nguồn thịt trong bữa ăn của mình.

Các nguồn đạm động vật nên được thay thế dần. Ảnh: Readyshreddy

Nghiên cứu này cũng đề cập đến việc các công ty thực phẩm đang đối mặt với áp lực chính trị ngày càng gia tăng và minh họa bằng một tham vấn ở Đan Mạch về việc sẽ ban hành thuế đánh vào mặt hàng thịt đỏ và kế hoạch của Chính phủ Trung Quốc trong việc cắt giảm 50% lượng thịt tiêu thụ của người dân nước này.

Bà Ella McKinley, nhà phân tích của Australian Ethical Investment (một trong các bên tham gia cuộc vận động kể trên), cho rằng việc thay đổi mô hình sản xuất/cung ứng thực phẩm là cần thiết để hạn chế biến đổi khí hậu.

Theo bà, các công ty thực phẩm có thể hành động ngay bây giờ nhằm khuyến khích chế độ ăn uống bền vững hơn bằng cách giảm sự phụ thuộc vào thịt động vật và phát triển thị trường đạm thực vật. Với tiến trình này, các công ty thực phẩm sẽ giúp cho chuỗi cung ứng protein của họ có thể ứng phó với những cú sốc trong tương lai.

Người phát ngôn của Nestle cho biết doanh nghiệp này không sử dụng nhiều thịt, vì thế chiến lược chính của Nestle là không tập trung vào việc thay thế thịt vì ảnh hưởng của điều đó rất nhỏ. Nhiệm vụ chủ yếu sắp tới có thể làm là cải tiến các sản phẩm mới sử dụng các nguồn đạm thay thế.

Về mặt thời gian và mục tiêu, thi đây vẫn là một lĩnh vực khá mới khi mà ở nhiều nước người tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng cho việc cắt giảm lượng thịt trong bữa ăn của họ.

Chính vì thế, Nestle sẽ tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm ngon hơn nhằm khuyến khích người tiêu dùng dùng thử và qua đó chuyển dần sang chế độ ăn cân bằng và nhiều protein thực vật hơn.

Trong khi đó, Kraft Heinz từ chối đưa ra bình luận với hãng tin Reuters, còn người phát ngôn của Sainbury cho biết “đã nhận thức được vấn đề này”. Đại diện của Walmart cho hay họ không biết đến chiến dịch kể trên vì thế chưa thể đưa ra bình luận nào, trong khi Kroger nói hiện cũng chưa nhận được bức thư nào nhưng vẫn sẵn sàng trao đổi với nhóm các nhà đầu tư.

Nhóm nhà đầu tư phát động chiến dịch trên bao gồm những tên tuổi lớn như Aviva, Nordea Asset Management, Norwegian lender Nordea, Boston Common Asset Management, Impax Asset Management, một số quỹ từ thiện và các nhà đầu tư khác cũng như nhiều quỹ hưu trí liên bang đến từ Thụy Điển.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục