Thể chế thuận lợi tạo môi trường cho doanh nghiệp vươn lên

08:01' - 19/01/2022
BNEWS Phóng viên BNEWS đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để đánh giá về tính khả thi và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Nghị quyết 31/2021/QH15 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được xây dựng trên tinh thần kế thừa những thành tựu của giai đoạn trước; đồng thời, đề ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn để tạo sức bật cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời phấn đấu đạt mục tiêu có khoảng 1,3 - 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2025.

Phóng viên BNEWS/TTXVN có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để đánh giá về tính khả thi và kế hoạch thực hiện các mục tiêu này.

BNEWS/TTXVN: Thưa ông, cơ cấu lại nền kinh tế là chủ trương được thực hiện từ nhiệm kỳ trước. Ông đánh giá như thế nào về những kết quả đã đạt được?

Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng: Có thể nhận thấy thông qua Nghị quyết 24/2016/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 8/11/2016 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong quá trình thực hiện.

Cụ thể như thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển; gia tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); bước đầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của các ngành kinh tế gắn với hội nhập kinh tế quốc tế...

Tuy nhiên, bên cạnh những “điểm sáng”, việc triển khai cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn này vẫn còn một số hạn chế. Chẳng hạn như, chuyển biến tích cực về mô hình tăng trưởng dù có nhưng còn chậm; tốc độ tăng năng suất lao động nội ngành chưa cao; đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ vào tăng năng suất lao động còn hạn chế.

Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa rõ nét, chưa bền vững; công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp.

Ngoài ra, các ngành công nghiệp chủ đạo như dệt may, da giày, điện tử… có tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu khá cao và phụ thuộc không nhỏ vào một số thị trường.

Đặc biệt, khu vực tư nhân trong nước phát triển chưa tương xứng với quy mô và độ mở của nền kinh tế; mức độ phụ thuộc của nền kinh tế vào khu vực doanh nghiệp FDI chưa giảm.

Mặt khác, một số quy định pháp luật hiện hành còn có những vướng mắc, bất cập gây khó khăn cho việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Đồng thời, việc cải cách thể chế kinh tế và thực hiện các chương trình cơ cấu lại nền kinh tế chưa được tiến hành một cách nhất quán, toàn diện, đủ rộng và đủ mạnh để hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn.

Trước thực trạng nói trên và cùng với những tác động bởi đại dịch COVID-19; cũng như xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số và sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh… đòi hỏi nền kinh tế Việt Nam cần được tái cơ cấu để thích ứng và phát triển trong bối cảnh mới.

BNEWS/TTXVN: Ông bình luận như thế nào về các nhiệm vụ và giải pháp đề ra theo Nghị quyết 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025?

Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng: Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế một cách vừa toàn diện vừa có trọng tâm, trọng điểm, trên cơ sở kế thừa và phát triển những thành tựu của Nghị quyết 21/2016/QH14 là chủ trương đúng đắn mà Quốc hội đề ra.

Theo đó, Nghị quyết ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có dư địa lớn và khả năng bắt kịp, tiến cùng, vượt lên ở khu vực, thế giới. 

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bảo đảm ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. 

Cơ cấu lại nền kinh tế với đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế phát triển, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh kinh tế đô thị, các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn....

Nghị quyết hướng tới mục tiêu hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

Một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch 2021-2025 là tạo ra khuôn khổ thể chế và môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển lớn mạnh của lực lượng doanh nghiệp.

Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp thì hỗ trợ thể chế cho doanh nghiệp cũng là điều vô cùng quan trọng. Khi tạo ra thể chế thuận lợi sẽ tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển và vươn lên trong bối cảnh hiện nay.

Tôi đánh giá rất cao và tin tưởng vào các chủ trương cùng giải pháp thực hiện, bởi hơn lúc nào hết, đây là lúc cần tập trung tổng lực để vực dậy nền kinh tế.

BNEWS/TTXVN: Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn này và tới đây cần được triển khai như thế nào trong đời sống thực tiễn, đặc biệt là với khu vực doanh nghiệp tư nhân, thưa ông?

Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng: Đối với cộng đồng doanh nghiệp, việc tái cơ cấu nền kinh tế cũng cần phải được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm và đặt mình trong vai trò chủ động. Do môi trường kinh doanh còn có yếu tố chưa ổn định và trước những bất ổn, khó đoán định của đại dịch toàn cầu nên các doanh nghiệp cần theo dõi, bám sát để thích ứng và điều chỉnh cho phù hợp.

Việc tái cơ cấu doanh nghiệp cần phải được chú trọng bởi điều đó liên quan tới những vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp như mục tiêu, tầm nhìn và định hướng chiến lược, triết lý kinh doanh, giá trị cốt lõi và văn hóa doanh nghiệp...

BNEWS/TTXVN: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục