Cơ cấu lại nền kinh tế: Gia tăng sức mạnh nội lực

11:33' - 18/01/2022
BNEWS Với nền kinh tế có độ mở lớn, do đó Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều chiều, tác động bất định bởi nhiều yếu tố. Vì vậy, Chính phủ cần có kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô bất ổn.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bảo đảm ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thông tấn xã Việt Nam đã ghi lại kế hoạch hành động của một số bộ và những ý kiến đóng góp của Đại biểu Quốc hội nhằm nâng chất cơ cấu nền kinh tế trong bối cảnh mới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên:

Nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về tái cơ cấu ngành công thương theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng và sắp tới đây là Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được ban hành tại Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 22/11/2021 của Quốc hội, Bộ Công Thương đang phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng trình Chính phủ thông qua Đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn 2021-2030.

Dự thảo Đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn 2021-2030 ngoài việc khắc phục những tồn tại hạn chế của giai đoạn trước đã bổ sung các nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn mới, nhất là nhiệm vụ nhằm khắc phục những yếu kém về nội tại của ngành được bộc lộ rõ hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 với 5 nội dung chiến lược.

Theo đó, Bộ Công Thương xác định các động lực tăng trưởng mới nhằm tăng cường sức chống chịu trước các "cú shock" bên ngoài và khai thác hiệu quả quá trình hội nhập.

Đặc biệt, trọng tâm ưu tiên là phát triển công nghiệp nền tảng làm chủ khu vực sản xuất, nhất là tư liệu cho các ngành công nghiệp xuất khẩu và nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh để hình thành năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; hình thành các trung tâm năng lượng lớn theo lợi thế cạnh tranh của từng địa phương; hệ thống thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch. Thực hiện đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh để huy động các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là nguồn lực xã hội hóa cho phát triển ngành.

Ngành công thương sẽ phát huy thế mạnh của thị trường trong nước để củng cố nội lực là yếu tố quyết định gắn với mở rộng thị trường bên ngoài; trong đó, xác định thương mại điện tử là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế số.

Ngoài ra, Bộ Công Thương tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng trong sản xuất, xuất khẩu và sức cạnh tranh của ngành; phát triển kinh tế số và chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bộ Công Thương chú trọng nâng cấp và phát triển các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành dựa trên lợi thế so sánh ở cấp độ quốc gia, vùng và địa phương để nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường năng lực tự chủ.

Cùng đó, Bộ hình thành hệ thống các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có thương hiệu và có năng lực cạnh tranh toàn cầu gắn với tăng cường quản lý cạnh tranh, chống độc quyền.

Đặc biệt, với chủ trương "xanh hóa", ngành công thương sẽ hướng tới phát triển bền vững, chú trọng phát triển công nghiệp xanh và đẩy mạnh xanh hóa công nghiệp. Theo đó, ngành tập trung phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và đảm bảo sản xuất, phân phối, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; thúc đẩy tiêu dùng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến:

Thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh; bảo vệ môi trường, sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn.

Ngành chủ trương đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Theo đó, ngành xác định ba nhóm nhiệm vụ chính là cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm chủ lực gồm: sản phẩm quốc gia, cấp tỉnh, đặc sản địa phương; cơ cấu lại sản xuất theo từng lĩnh vực; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo vùng.

Trên từng lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và diêm nghiệp sẽ được cơ cấu lại sản xuất theo hướng cụ thể hóa tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân, cơ cấu lại sản xuất nội ngành của từng lĩnh vực và các nội dung cần đẩy mạnh cơ cấu lại trong giai đoạn tới.

Để cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, ngành sẽ đẩy mạnh liên kết vùng, giữa các địa phương nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng và từng địa phương để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh nông, lâm, thủy sản trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Mục tiêu đặt ra là hướng tới nền kinh tế xanh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn; hướng phát triển sản phẩm đặc sản kết nối với phát triển du lịch sinh thái, văn hóa.

Bên cạnh đó, lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản được xem là còn nhiều dư địa để phát triển.

Tuy nhiên, chăn nuôi sẽ hướng tới giảm tỷ trọng đàn lợn, tăng tỷ trọng đàn gia cầm và gia súc ăn cỏ; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn ở cả quy mô trang trại và hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường. Cùng đó là tăng tỷ trọng sản phẩm được giết mổ tập trung công nghiệp, được chế biến.

Với lĩnh vực thủy sản, ngành nông nghiệp định hướng cơ cấu lại sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi trồng lên khoảng 60%, giảm tỷ trọng sản lượng khai thác xuống còn khoảng 40%; phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo vệ quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, hải đảo.

Đặc biệt, nghề nuôi biển xa bờ sẽ được đẩy mạnh, tập trung vào các đối tượng có giá trị kinh tế cao.

Riêng với khai thác thủy sản vùng khơi, ngành sẽ phải xây dựng cơ cấu tàu thuyền, nghề nghiệp và phân bổ hạn ngạch khai thác thủy sản phù hợp với tình hình thực tế và trên cơ sở trữ lượng nguồn lợi thủy sản để đảm bảo hiệu quả và bền vững. Khai thác hải sản vùng lộng, ven bờ và nội địa sẽ được tổ chức lại hợp lý, gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân với nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái.

Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh,

Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đã được Việt Nam thực hiện trong nhiều năm, đặc biệt kể từ khi nền kinh tế bị tác động, ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008-2009. Khi đó kinh tế Việt Nam bị suy giảm và đặc biệt là lạm phát rất cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới sẽ gặp nhiều thách thức.

Trước tiên là tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay còn diễn biến phức tạp và khó lường, có thể phát sinh nhiều biến thể, những biến chủng mới. Nên quá trình cơ cấu lại nền kinh tế không chỉ phải thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn phải thích ứng an toàn với kiểm soát dịch bệnh.

Với nền kinh tế có độ mở lớn, đang nằm trong top cao của thế giới, do đó Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều chiều, tác động bất định bởi nhiều yếu tố. Vì vậy, Chính phủ cần có kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô bất ổn.

Trong vấn đề cơ cấu lại đầu tư công, dịch vụ công, thời gian qua Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc giải ngân đầu tư công vẫn là một điểm nghẽn cần rà soát, chỉ ra các nguyên nhân để tập trung xử lý nhất định.

Đối với phân bổ vốn đầu tư, Việt Nam cần ưu tiên phân bổ vốn cho hạ tầng, liên kết vùng, liên kết ngành, hạ tầng chuyển đổi số, kinh tế số, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục