Thế giới bắt đầu thể hiện sự thất vọng đối với Fed?

05:30' - 19/10/2022
BNEWS Thế giới ngày nay, trước những biến động kinh tế trầm trọng gần đây, đã sử dụng nhiều ngôn ngữ “sắc bén" hơn để nói về đồng USD, ví dụ như "mũi tên của nỗi đau" hay "con quái vật xanh"…
Nhiều năm trước đây, một nhà lãnh đạo Pháp đã từng cho rằng đồng đô la Mỹ (USD) có "đặc quyền cao quá mức". Tuy nhiên, thế giới ngày nay, trước những biến động kinh tế trầm trọng gần đây, thậm chí còn sử dụng nhiều ngôn ngữ “sắc bén" hơn để nói về đồng tiền này, ví dụ như "mũi tên của nỗi đau" hay "con quái vật xanh"…

Trong bài viết đăng tải trên tờ The Financial Times, tác giả Edward Luce nhận định: "Dù chúng ta gọi đồng USD là gì, thì những ‘nạn nhân’ của đồng tiền phố biến nhất thế giới đang ngày càng nhiều lên và thủ phạm tạo ra điều đó chính là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed)".

Tác giả dẫn chứng ngay cả Jossep Borrell, nhà lãnh đạo đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), cũng có cùng quan điểm như vậy. Tuần này, ông Borrell đã cảnh báo rằng Fed đang xuất khẩu suy thoái, giống như cách mà cuộc khủng hoảng đồng euro đã từng xuất hiện bởi chính các chính sách tiền tệ của Đức sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Tuy nhiên, tác giả cho rằng sẽ không công bằng khi "đổ toàn bộ lỗi" cho Fed là thủ phạm khiến đồng USD tăng mạnh trên thị trường thế giới. Trên thực tế, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Fed là loại bỏ lạm phát "nhất thời". Do đó, cơ quan này đang đẩy nhanh tốc độ thắt chặt tiền tệ và tuân theo các quy tắc của chính sách tiền tệ vĩ mô.

Một điều có thể dễ dàng nhận thấy là kinh tế Mỹ khó đạt được mục tiêu việc làm đầy đủ khi lạm phát ở mức thấp, đặc biệt là khi có thêm quy định các doanh nghiệp Mỹ bắt buộc phải cung cấp phúc lợi cho lao động nước ngoài.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng Fed chính là động cơ làm thu hẹp tăng trưởng kinh tế toàn cầu và "nỗi đau về tiền tệ" là mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ.

Mặc dù vậy, tác giả khẳng định Fed không phải là "thủ phạm" duy nhất của nỗi đau này. Ở đây, với tư cách là cường quốc lớn nhất thế giới, Mỹ lại thường dễ bị bỏ qua trong các phân tích mổ xẻ. 

Theo tác giả, Mỹ có rất nhiều lựa chọn hành động. Một trong những đòn bẩy như vậy là các tổ chức Bretton Woods, bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Cả hai tổ chức này đều đã có các cuộc họp thường niên được tổ chức tại Washington trong tuần trước. Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có muốn "giáng" một đòn chí mạng khác vào thế giới đang phát triển, khi chi phí trả nợ của họ đang tăng vượt trần?

Lịch sử sẽ cho Tổng thống Joe Biden biết con đường nào không nên đi. Thời kỳ thắt chặt cuối cùng của Fed bắt đầu dưới thời của cựu Chủ tịch Paul Volcker là trong những năm cuối thập niên 1970. Khi đó, tỷ giá đồng USD cao hơn đã kích hoạt các cuộc suy thoái sâu hơn ở phía Nam của thế giới. Châu Phi và Mỹ La tinh là hai khu vực đã phải trải qua một thập kỷ tăng trưởng mất mát, do các điều kiện cứu trợ mang tính trừng phạt của IMF.

Có một điều an ủi là lạm phát ngày nay có vẻ ít "tràn lan" hơn 40 năm trước. Tuy nhiên ở một số khía cạnh, các thị trường mới nổi đang chịu tổn thất nặng nề hơn phần còn lại của thế giới. Châu Phi ít phải đối phó với ảnh hưởng của đại dịch, cũng như cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng nhiều quốc gia ở đây đã lâm vào nạn đói, do các ảnh hưởng tiêu cực trong quá khứ đã tác động tới thành tựu phát triển của con người qua nhiều năm, cũng như làn sóng lạm phát lương thực và năng lượng toàn cầu.

Bây giờ Fed lại "rót" thêm một cuộc khủng hoảng trả nợ lãi vay tiềm ẩn vào "ly cocktail". Những biến động không bắt nguồn từ châu Phi hay Mỹ Latinh, nhưng hậu quả chủ yếu sẽ xuất hiện tại hai khu vực này. Đó là chưa đề cập đến tình trạng biến đổi khí hậu, cũng diễn ra khắc nghiệt nhất ở những nơi ít chịu trách nhiệm nhất trên thế giới trong việc tạo ra sự biến đổi này.

Tổng thống Biden đã cố gắng "xoa dịu" nỗi đau bằng cách đưa công nghệ vaccine ngừa COVID-19 của Mỹ đến với thế giới đang phát triển. Ông thậm chí cam kết sẽ đình chỉ việc cấp bằng sáng chế vaccine COVID-19 để toàn thế giới có thể nghiên cứu và phát triển vaccine một cách rộng rãi hơn. Tuy nhiên, đáng tiếc đó chỉ là những lời nói sáo rỗng, vì hiện tại Mỹ dường như không còn theo đuổi vấn đề này nữa.

Và kết quả là, 1/3 dân số thế giới đến nay vẫn chưa được tiêm bất kỳ một liều vaccine ngừa dịch COVID-19 nào, trong khi những người phương Tây đã đươc tiêm ít nhất hai mũi, thậm chí ở một số nơi đã tiêm đến mũi vaccine thứ 5. Nếu Mỹ thể hiện khả năng dẫn đầu mạnh mẽ hơn, tình trạng tắc nghẽn nguồn cung gây ra lạm phát trên toàn thế giới sẽ không kéo dài kinh niên như vậy.

Gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Biden, được gọi là Kế hoạch giải cứu Mỹ, đã "đổ thêm dầu vào ngọn lửa lạm phát". Tương tự, khoản vay cho sinh viên mà Tổng thống Biden đã công bố vào tháng 8 vừa qua cũng được coi là yếu tố đẩy lạm phát tăng.

Tuy nhiên một lần nữa, phần còn lại của thế giới có thể cảm nhận được gánh nặng thông qua chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Tác giả Edward Luce ví von: "Đường dẫn đến địa ngục được lót đường bởi các ý định tốt". Đây không phải là lần đầu tiên, những bước đi có tư tưởng cầu tiến, để giúp đỡ những người Mỹ thiệt thòi, lại gây hại cho những người thiệt thòi khác trên thế giới.

Kết thúc bài viết, tác giả cho rằng Fed đã tạo ra một số sự phẫn nộ mà cơ quan này đáng phải nhận. Lẽ ra, Fed phải phản ứng sớm hơn với lạm phát, điều này sẽ giúp thu hẹp các tác động tiêu cực có thể xảy ra. Lạm phát bùng phát và ngày càng trở nên khó kiểm soát không phải là vấn đề khó phát hiện. Do đó trong khía cạnh này, Chủ tịch Fed Jerome Powell đáng bị đổ lỗi.

Mặc dù vậy, thiếu sót lớn chính là sự thờ ơ của Mỹ khi chính trị không theo kịp kỹ thuật. Việc chỉ tập trung hỗ trợ người dân trong nước đã tạo ra tác động tiêu cực lan tỏa trên toàn thế giới và giờ đây chính những tác động này đang quay lại "sát thương" kinh tế Mỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục