Thế khó của các nhà hoạch định chính sách thuế Hàn Quốc

05:30' - 09/04/2023
BNEWS Doanh thu thuế của Hàn Quốc hiện đang giảm sút với tốc độ đáng lo ngại, khiến các nhà hoạch định chính sách phải thảo luận về nhu cầu tăng thuế.

Doanh thu từ thuế giảm là hệ quả không thể tránh khỏi trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy giảm và các tập đoàn hoạt động thua lỗ. Tuy nhiên, doanh thu thuế của Hàn Quốc hiện đang giảm sút với tốc độ đáng lo ngại, khiến các nhà hoạch định chính sách phải thảo luận về nhu cầu tăng thuế.

Tờ Korea Herald (Hàn Quốc) dẫn số liệu thống kê từ Bộ Kinh tế và Tài chính, đưa tin doanh thu thuế của Hàn Quốc đạt 54.200 tỷ won (41 tỷ USD) trong hai tháng đầu năm 2023, giảm 15.700 tỷ won so với mức 69.900 tỷ won ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái.

Tình trạng này được cho là hệ quả của sự sụt giảm nguồn thu từ thị trường bất động sản và chứng khoán, cùng với đó là nền kinh tế trì trệ đang làm suy giảm bảng cân đối kế toán của các tập đoàn lớn.

Trong thời gian hai tháng đầu năm 2023, thuế thu nhập từ tài sản chuyển nhượng giảm 4.100 tỷ won so với cùng kỳ năm ngoái do số lượng giao dịch bất động sản giảm mạnh. Nguồn thu thuế từ các giao dịch cổ phiếu cũng giảm 800 tỷ won do thị trường tài chính trong nước gặp sóng gió.

Cũng trong khoảng thời gian trên, thuế giá trị gia tăng giảm 5.900 tỷ won và thuế doanh nghiệp giảm 700 tỷ won phản ánh nền kinh tế suy thoái.

Các quan chức chính phủ giải thích, mức thâm hụt ngân sách từ thuế lớn như vậy là kết quả của tình trạng chậm thu thuế vào năm ngoái. Nửa cuối năm 2021, chính phủ cho phép gia hạn nộp thuế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đến quý I/2022, các khoản thuế chậm nộp được truy thu và phản ánh vào số liệu thống kê. Điều này dẫn đến mức chênh lệch lớn hơn so với thực tế.

Tuy nhiên, ngay cả sau khi xem xét lập luận trên, khoản thu thuế bị hụt đi trong hai tháng đầu năm nay ước tính khoảng 7.000 tỷ won. Chính phủ đặt mục tiêu thu thuế là 400.500 tỷ won trong năm nay. Tỷ lệ phản ánh mức thu thuế thực tế tính đến tháng 2/2023 là 13,5%, thấp hơn so với 17,7% của năm ngoái và mức trung bình của 5 năm trước đó là 16,9%.

Tình trạng mức thu thuế liên tục suy giảm đang trở thành vấn đề nóng giữa các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế. Các nhà lập pháp bảo thủ và tự do cũng có những ý kiến khác nhau về biện pháp ngăn chặn sự sụt giảm doanh thu thuế.

Với xu hướng nêu trên, tổng số tiền thuế bị hụt đi trong năm 2023 có thể lên tới 40.000 tỷ won. Đây là kịch bản nghiêm trọng cảnh báo các nhà hoạch định chính sách của Tổng thống Yoon Suk-yeol bởi chính quyền đương nhiệm đã cam kết cắt giảm khoảng 70.000 tỷ won tiền thuế trong năm nay.

Chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol thực hiện chủ trương cắt giảm thuế doanh nghiệp và hạ thấp tiêu chuẩn định giá đối với thuế bất động sản nhằm tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong nền kinh tế. Việc cắt giảm thuế và các biện pháp triển khai sau đó được các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà đón nhận nồng nhiệt.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là chủ trương cắt giảm thuế nói trên trùng với thời điểm xuất hiện các dấu hiệu tiêu cực của nền kinh tế trong và ngoài nước. Một loạt ngân hàng đổ vỡ tại Mỹ và khu vực sử dụng đồng euro đang khiến các nhà đầu tư lo lắng. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong xuất khẩu chất bán dẫn và các mặt hàng quan trọng khác khi nhiều quốc gia lựa chọn theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ kinh tế.

Các chính trị gia theo chủ nghĩa tự do lập luận rằng chính quyền nên từ bỏ chính sách cắt giảm thuế để đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh và đảm bảo quỹ cho các dự án phúc lợi và công cộng khác.

Ngược lại, các chuyên gia bảo thủ cho rằng chính phủ nên tránh tăng thuế “vội vàng” và thay vào đó triển khai nhiều chính sách phục hồi kinh tế. Về lý thuyết, khi nền kinh tế được phục hồi, đầu tư và tiêu dùng sẽ tăng trở lại, theo đó nguồn thu từ thuế cũng tăng lên.

Chính phủ cũng được khuyến nghị nên tiếp tục hỗ trợ các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi như ngành công nghiệp bán dẫn bằng cách áp dụng mức thuế thấp hơn trong bối cảnh các đối thủ ở Mỹ và các nơi khác đang đẩy mạnh đầu tư mạnh mẽ và thiết lập các rào cản pháp lý nghiêm ngặt.

Tiêu dùng trong nước trì trệ cũng là một vấn đề nan giải liên quan đến doanh thu thuế. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng vẫn ở dưới mốc 100 trong 9 tháng liên tiếp cho thấy tâm lý bi quan nói chung.

Vào thời điểm hiện nay, thật không dễ để chính phủ đưa ra quyết định tăng thuế hay không vì liên quan đến cả vấn đề chính trị và kinh tế.

Bên cạnh việc giải quyết tình trạng suy giảm nguồn thu từ thuế, chính phủ có thể cân nhắc áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” trong triển khai các dự án công, đồng thời đưa ra các chính sách mạnh mẽ hơn để vực dậy nhu cầu tiêu dùng trong nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục