"Thẻ vàng" đối với thủy sản xuất khẩu: EU muốn Việt Nam biến cam kết thành hành động

07:55' - 22/03/2018
BNEWS Ủy ban châu Âu sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong quá trình cải cách với mục tiêu ngăn chặn tình trạng đánh bắt IUU.

Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường đang có chuyến thăm và làm việc tại Liên minh châu Âu (EU) từ 20-24/3 nhằm thúc đẩy việc gỡ bỏ biện pháp áp dụng "thẻ vàng" đối với các sản phẩm thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam.

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty thủy sản Minh Phú, Cà Mau. Ảnh: TTXVN

Nhân dịp này, Phóng viên TTXVN tại Brussels đã phỏng vấn Cao ủy EU phụ trách về môi trường, các vấn đề hàng hải và thủy sản, ông Karmenu Vella, về quan điểm của EU trong vụ việc liên quan đến ngành thủy sản của Việt Nam.

Đánh giá về các nỗ lực của Việt Nam để cải thiện tình hình sau khi EU áp "thẻ vàng" về đánh bắt, khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Cao ủy Vella nhấn mạnh Ủy ban châu Âu hoan nghênh các cam kết ở cấp độ cao từ phía các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, nhất là chương trình hành động do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam lập ra nhằm triển khai các biện pháp cấp bách để giải quyết vấn đề "thẻ vàng" được đưa ra từ tháng 10/2017.

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu muốn lưu ý là Việt Nam cần thể hiện ý chí biến các cam kết thành hành động cụ thể nhằm khắc phục những vấn đề nghiêm trọng vốn là nguyên nhân khiến Ủy ban châu Âu phải sử dụng đến biện pháp thẻ vàng.

Do nội dung của các cuộc đối thoại song phương về đánh bắt khai thác hải sản IUU giữa Ủy ban châu Âu và các nước liên quan là vấn đề mang tính bí mật nên các thông tin chi tiết về diễn biến của quá trình hợp tác sẽ không được tuyên truyền ra bên ngoài.

Theo Cao ủy Vella, việc ban hành biện pháp tiền xác định (thẻ vàng) đối với Việt Nam với tư cách là một quốc gia không hợp tác trong cuộc chiến chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định vào tháng 10/2017 là một thủ tục của tiến trình đối thoại được bắt đầu từ năm 2012. Đây mới đơn thuần là vấn đề cảnh báo chứ chưa có biện pháp trừng phạt về thương mại nào được đưa ra.

Mục tiêu chính sách IUU của EU là tiến tới thiết lập được mối quan hệ hợp tác với các cơ quan chức năng của các quốc gia liên quan với mục đích cảnh báo, trong đó chú trọng tới môi trường pháp lý và quản lý liên quan tới các nghĩa vụ quốc tế của quốc gia liên quan trong cuộc chiến chống đánh bắt IUU và thiết lập các cơ chế kiểm soát phù hợp.

Ủy ban châu Âu sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong quá trình cải cách với mục tiêu ngăn chặn tình trạng đánh bắt IUU. Từ nay tới trước tháng 4/2018, tức là 6 tháng sau thời gian bị áp "thẻ vàng", các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cần cung cấp một bản báo cáo về những tiến bộ trong chương trình hành động của mình.

Ủy ban châu Âu sẽ tiến hành đánh giá, trong đó căn cứ chủ yếu dựa trên cơ sở kiểm tra tại thực địa, về nội dung chương trình hành động của Việt Nam so với hiện trạng được ghi nhận tại thời điểm mà ủy ban đưa ra quyết định ban đầu ngày 23/10/2017.

Đánh giá về khả năng EU rút lại "thẻ vàng" đối với thủy sản việt Nam trong lần đánh giá 6 tháng đầu tiên tới đây, Cao ủy Vella cho biết mọi hành động mà phía Việt Nam đã tiến hành để khắc phục những bất cập dẫn đến thẻ vàng sẽ được xem xét một cách kỹ lưỡng. Khả năng thu hồi "thẻ vàng" chỉ có thể trở thành hiện thực nếu tất cả các vấn đề đã nêu được khắc phục đầy đủ.

Cũng cần lưu ý rằng nếu kết quả đánh giá cho thấy tình hình vẫn chưa được cải thiện thì Ủy ban châu Âu có thể phải tiến hành thủ tục để xem xét đưa quốc gia đó vào diện không hợp tác trong chống đánh bắt IUU (tức thẻ đỏ) - tức là cấm hoàn toàn việc xuất khẩu thủy sản vào EU - và sẽ đề nghị Hội đồng châu Âu đưa vào danh sách các quốc gia không hợp tác về chống đánh bắt trái phép./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục