Xuất khẩu thủy sản có thể xác lập kỷ lục mới trong năm 2018

14:38' - 19/02/2018
BNEWS Với kế hoạch tập trung đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu tôm hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD năm 2025, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty thủy sản Minh Phú, Cà Mau. Ảnh: TTXVN
Trong năm 2017, mặc dù gặp nhiều khó khăn, bất lợi, nhưng ngành thủy sản vẫn xác lập lỷ lục mới cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản năm 2017 của Việt Nam lần đầu tiên cán mốc 8,3 tỷ USD. 

* Xác lập kỷ lục mới 

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu của thủy sản trong năm 2017 đạt trên 8,3 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Đây được coi là một kỷ lục mới cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam kể từ năm 2014, khi đó lần đầu tiên giá trị xuất khẩu thủy sản vượt mốc 7 tỷ USD và tiệm cận mốc 8 tỷ USD. 

Đóng góp lớn nhất vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2017 vẫn là mặt hàng tôm với mức tăng trưởng trên 21% với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 3,8 tỷ USD. Tiếp đến là cá tra đạt khoảng 1,8 tỷ USD, dù gặp khó khăn ở nhiều thị trường lớn nhưng tổng cộng vẫn tăng khoảng 4% so với năm 2016. 

Ba sản phẩm thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam là tôm, cá tra và hải sản đã có mặt tại 165 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 500 nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính, như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... 

Theo VASEP, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 55,3% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong đó, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc (64,4%), Hà Lan (48,6%), Anh (36,4%), Hàn Quốc (29,1%), Canada (22,3%) và Nhật Bản (20%). 

Một điểm đáng chú ý trong xuất khẩu thủy sản năm 2017 là việc Trung Quốc đã vượt Mỹ trong tốp thị trường nhập khẩu cá tra và tôm của Việt Nam. Với mức tăng 37% trong năm 2017 và giá trị nhập khẩu lên tới 420 triệu USD, Trung Quốc đang dẫn đầu các thị trường nhập khẩu cá tra và là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 sau EU và Nhật Bản với giá trị nhập khẩu mặt hàng tôm lên đến 677 trệu USD, tăng trên 60% so với năm 2016. VASEP nhận định, Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường quan trọng và tiềm năng cho doanh nghiệp thủy sản trong thời gian tới, khi sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU và Mỹ gặp trở ngại về thuế chống bán phá giá hoặc các rào cản kỹ thuật. 

Có thể thấy rằng, việc xác lập được kỷ lục mới trong năm 2017 là một nỗ lực rất lớn trong một năm đầy những thách thức tưởng khó có thể xoay chuyển đối với ngành thủy sản Việt Nam. Bởi trong năm 2017, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã phải đối diện với không ít khó khăn, từ thiếu nguyên liệu đầu vào đạt tiêu chuẩn, đến sự cạnh tranh nguyên liệu từ nước ngoài... Bên cạnh đó, sản phẩm xuất khẩu của ngành thủy sản cũng vấp phải những rào cản thương mại đến từ các nhà nhập khẩu với nhiều tiêu chuẩn khắt khe, như: các tiêu chí về bảo vệ môi trường trong quá trình đánh bắt, khai thác thủy sản, chủng loài của các thị trường nhập khẩu... 

Trước những thách thức và khó khăn đó, trong năm 2017, cộng đồng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã cùng nhau tìm hướng đi, chinh phục thị trường cho từng ngành hàng cụ thể; mời các chuyên gia, tổ chức đánh giá chất lượng sang tham quan trực tiếp vùng nguyên liệu và kỹ thuật nuôi, trồng thủy sản nhằm tạo lòng tin vững chắc cho người tiêu dùng thế giới. Bên cạnh đó, trong chiến lược xuất khẩu, việc mở rộng thị trường và khéo léo điều phối cũng mở thêm nhiều cơ hội hơn cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Hơn nữa, chính những khó khăn do thị trường đặt ra tựa như đòn bẩy giúp ngành thủy sản Việt Nam bật mạnh hơn với những chiến lược như: thay đổi sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường nước ngoài cũng như giữ vững sân nhà. 

* Xuất khẩu thủy sản có thể đạt trên 8,5 tỷ USD 

Năm 2018, xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và EU sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi chương trình thanh tra cá da trơn, thuế chống bán phá giá và thẻ vàng IUU của Liên minh châu Âu. Nhưng với kế hoạch tập trung đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu tôm hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD năm 2025, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng. 

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng dự báo xuất khẩu thủy sản trong năm 2018 dự kiến đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng khoảng 3% so với năm 2017. VASEP nhận định năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ sản phẩm tôm và sự linh hoạt xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Để duy trì đà tăng trưởng trong năm 2018, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, bên cạnh sự trợ giúp của Chính phủ, tất cả các doanh nghiệp ngành thủy sản cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Đặc biệt, thủy sản Việt Nam cần tập trung vào 3 vấn đề căn bản. Thứ nhất, vấn đề an toàn hóa chất, kháng sinh phải được quan tâm tối đa để duy trì hình ảnh và bảo đảm khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Thứ hai, hoạt động truy xuất nguồn gốc cần phải được tiến hành sớm để theo kịp tốc độ phát triển cũng như đòi hỏi của các thị trường nhập khẩu. Quan trọng hơn hết là phải có một hệ thống dữ liệu có khả năng truy xuất tốt nhất để đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu tạo ra được điểm khác biệt. Thứ ba, tập trung cải tiến và đưa công nghệ vào chế biến làm tăng thêm tỷ trọng giá trị gia tăng để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục