Thêm một công ty năng lượng được Chính phủ Đức tuyên bố cứu trợ

09:16' - 11/09/2022
BNEWS Công ty VNG – bên cung cấp tới 20% nhu cầu khí đốt của Đức, đồng thời là nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga lớn thứ ba ở nước này - sẽ nhận được hỗ trợ của chính phủ.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tuyên bố trên được Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck đưa ra ngày 9/9 sau khi VNG thông báo họ đang gặp nguy hiểm do giá khí đốt tăng cao.

 

Giá tăng liên quan đến việc Nga tuyên bố giảm gần như toàn bộ nguồn cung khí đốt với lý do không khắc phục được sự cố phát sinh trong quá trình bảo dưỡng.

Trong một tuyên bố, VNG cho biết công ty đã đề nghị sự hỗ trợ từ chính phủ để tránh thêm những tổn thất cũng như bảo toàn năng lực hoạt động.

Theo VNG, kể từ khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch đặc biệt tại Ukraine (U-crai-na), VNG vẫn là một công ty hoạt động tốt. Chỉ khi Nga giảm mạnh nguồn cung cho Liên minh châu Âu (EU), buộc VNG phải mua khí đốt với giá cao hơn nhiều trên thị trường để thực hiện các hợp đồng cung cấp cho khách hàng mới khiến công ty rơi vào tình trạng căng thẳng.

VNG là nhà cung cấp khí đốt lớn ở Đức, phục vụ khoảng 400 công ty công nghiệp và dịch vụ tại các thành phố. Theo công ty mẹ EnBW, nhà cung cấp VNG đã đáp ứng khoảng 20% nhu cầu khí đốt của Đức trong năm 2021, phần lớn ở miền Đông nước này.

VNG là cái tên mới nhất của Đức nhận được hỗ trợ của chính phủ do tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra.

Tháng Bảy vừa qua, Thủ tướng Olaf Scholz xác nhận rằng Uniper, khách hàng mua khí đốt của Nga lớn nhất tại Đức, sẽ được giải cứu trước nguy cơ phá sản.

Theo đó, chính phủ nước này sẽ mua 30% cổ phần của Uniper, coi đây như một phần của thỏa thuận hỗ trợ công ty này trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng.

Ngoài việc ngăn chặn Uniper tuyên bố phá sản, việc Berlin cân nhắc khả năng mua hơn 30% cổ phần của công ty năng lượng này còn nhằm mục đích ngăn chặn phản ứng dây chuyền gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dân Đức. Thậm chí, tác động của phản ứng đó cũng có thể ảnh hưởng đến Cộng hòa Czech (Séc), quốc gia láng giềng có các công ty thương mại mua khí đốt của Đức.

Đức không phải là quốc gia duy nhất giúp đỡ các nhà cung cấp năng lượng trong nước đang gặp khó khăn. Phần Lan và Thụy Điển cũng đã phân bổ hàng tỷ USD để đảm bảo thanh khoản cho các công ty điện lực, tìm cách giúp các công ty này duy trì hoạt động kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục