Tăng tốc chuyển đổi số, nâng trình độ công nhân ngành cao su

11:52' - 27/07/2025
BNEWS Người lao động của ngành cao su không phải là chi phí, mà là vốn quý của các doanh nghiệp cao su. Giữ được công nhân chính là giữ được rừng, giữ được nghề. 
Nằm trong tổng thể chiến lược chuyển đổi số quốc gia, với trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa và đào tạo kỹ năng số cho người lao động, ngành cao su Việt Nam cũng chú trọng đào tạo kỹ năng số, nâng cao năng lực lao động trong thời kỳ mới để theo kịp sự tiến bộ của thế giới.

Ngay từ rất sớm, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp thành viên chế biến cao su nói riêng đã xác định: Phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng sống của người lao động, đồng thời gắn liền với việc nâng cao năng lực, trình độ khoa học công nghệ, kiến thức số cho người lao động cũng như cộng đồng địa phương.

 
Ông Trần Khắc Chung – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Bà Rịa chia sẻ, người lao động của ngành cao su không phải là chi phí, mà là vốn quý của các doanh nghiệp cao su. Giữ được công nhân chính là giữ được rừng, giữ được nghề. Vì vậy, ngành cao su Việt Nam luôn đặt họ làm trung tâm của mọi chiến lược phát triển.

Chính vì vậy, việc chuyển đổi số, ứng dụng số, khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến mủ cao su được Cao su Bà Rịa chú trọng đào tạo cho toàn bộ đội ngũ cán bộ, nhân viên và công nhân để nâng cao kiến thức, trình độ sử dụng công nghệ trong các khâu của công việc.

Từ đó, cao su Việt Nam nói chung, Cao su Bà Rịa nói riêng không chỉ phát triển cao su, mà còn hướng tới một hệ sinh thái sản xuất – chế biến – công nghiệp xanh, nơi giá trị bền vững là nền tảng. Công ty cổ phần Cao su Bà Rịa muốn trở thành một mô hình nông nghiệp – công nghiệp hiện đại, hiệu quả và có trách nhiệm với con người.

Việc chuyển đổi số cho công nhân trong ngành cao su không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, tạo ra môi trường làm việc hiện đại, an toàn và hiệu quả hơn.

Theo ông Trần Thanh - Giám đốc Nhà máy chế biến cao su, thuộc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, lực lượng công nhân trong ngành cao su là nguồn tài sản quý giá, giúp công ty khai thác mủ cũng như hoạt động trong nhà máy.

Tuy nhiên, lực lượng này ngày càng hiếm, việc tuyển dụng cũng trở thành chiến lược của doanh nghiệp. Vì vậy, nâng cao tay nghề, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho công nhân cũng trở thành nhiệm vụ quan trọng. Để đảm bảo năng suất sản xuất của Cao su Đồng Nai, Cao su Đồng Nai cũng đã có nhiều khóa tập huấn cho công nhân về kỹ thuật khai thác, vận hành thiết bị, sử dụng phần mềm về quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc như sử dụng phần mềm DNRC - GIS quản lý bản đồ vườn cây, lịch nông vụ điện tử, DNRC-Traceability truy xuất nguồn gốc nguyên liệu theo chuẩn châu Âu EUDR.

Công nhân ngành cao su của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai được tiếp cận với hệ thống công nghệ robot cạo mủ, dây chuyền chế biến tự động thí điểm của công ty. Công nhân cao su trong chuỗi sản xuất khép kín đều được đào tạo định kỳ để đáp ứng các yêu cầu định hướng phát triển của công ty.

Hồi cuối năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Từ Nghị quyết số 57-NQ/TW, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và Nhân dân đối với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài với những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng.

Quán triệt tư tưởng này, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, ông Trần Công Kha, Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ 2025-2030, Tập đoàn Công nghiệp Cao su nói chung, các đơn vị sản xuất, chế biến cao su nói riêng tiến tới thực hiện đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số gắn với chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Đồng thời chú trọng “bình dân học vụ” công nghệ và ứng dụng số cho đội ngũ công nhân cao su của Tập đoàn, nâng tỷ lệ cán bộ, công nhân, đảng viên được nghiên cứu, học tập đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước đạt trên 95%, gắn người lao động với chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và các chuẩn mực quốc tế phù hợp với lĩnh vực phát triển của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Tỷ lệ cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp hoàn thành chương trình kiểm tra, giám sát đảm bảo chất lượng, hiệu quả đạt 100%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục