Thêm nhiệt cho thị trường thanh toán
Xoay quanh việc cấp phép thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money), vẫn còn có ý kiến băn khoăn về sự tồn tại, phát triển cũng như cạnh tranh của loại hình dịch vụ mới này với các ví điện tử cũng như các dịch vụ ngân hàng đang có mặt trên thị trường.
Để cùng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi cùng Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu.
Phóng viên: Thưa ông, mối bận tâm lớn nhất khi triển khai Mobile Money hiện nay là vấn đề quản lý dòng tiền. Ông đánh giá ra sao về vấn đề này?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Quản lý dòng tiền đúng là vấn đề trọng tâm trong việc triển khai Mobile Money (tiền di động). Theo tôi, Mobile Money ra đời lúc này là rất hợp thời.
Thủ tướng Chính phủ vừa ra quyết định cho phép triển khai thí điểm Mobile Money và chúng ta cần đẩy mạnh việc triển khai hơn nữa bởi xã hội đang chờ đón dịch vụ thanh toán mới này.
Trở lại vấn đề quản lý dòng tiền, nếu tôi có tiền, tôi đóng vào các hãng viễn thông, mặc dù số tiền nhỏ thôi nhưng chúng ta có gần 100 triệu dân, nếu đa số đều dùng Mobile Money và nạp tiền vào tài khoản viễn thông thì tổng số tiền sẽ rất lớn.
Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao các cơ quan quản lý, các hãng viễn thông có thể quản lý được dòng tiền đó theo đúng mục đích phục vụ đời sống nhân dân, tránh được tiêu cực như rửa tiền, đánh bạc, tránh nguy cơ các hãng viễn thông đem tiền đó đi đầu tư vào các hoạt động rủi ro và vấn đề về bảo mật tài khoản.
Trong đó, đáng chú ý là các công ty viễn thông sẽ phải bảo đảm rằng tiền nằm trong tài khoản Mobile Money an toàn, không bị thất thoát, không thể bị mất đi do tin tặc xâm nhập. Bên cạnh đó, bảo mật thông tin cũng là vấn đề đáng lưu tâm.
Bởi để sử dụng Mobile Money, tôi sẽ phải cung cấp tất cả thông tin cá nhân bao gồm: số chứng minh nhân dân, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số điện thoại, email... cho các hãng viễn thông.
Nếu những thông tin này bị rò rỉ ra bên ngoài có thể bị sử dụng một cách bất hợp pháp, gây bất lợi cho người dân.
Phóng viên: Như ông vừa chia sẻ, bên cạnh những lo ngại về gian lận, rửa tiền hay đánh bạc, vấn đề về an toàn, bảo mật cũng rất đáng lưu tâm. Vậy theo ông, trách nhiệm của các cơ quan quản lý ra sao nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng và các giao dịch thanh toán này?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trước hết, một mặt Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phải đưa ra các chính sách, cơ chế để bảo vệ an toàn thông tin cho người dân trong cung cấp thông tin cá nhân cho các hãng viễn thông khi phát hành Mobile Money.
Mặt khác, các công ty viễn thông cũng phải có hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm hiện đại nhất để bảo vệ tất cả những thông tin lưu trữ về người dùng, đồng thời có thể ứng dụng hệ thống blockchain (chuỗi khối) - một hệ thống bảo mật hiện đại nhất hiện nay.
Ngoài ra, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đều phải phối hợp quản lý sao cho dòng tiền vào Mobile Money chỉ sử dụng cho mục đích thanh toán.
Điều đáng lo lắng là khi các hãng viễn thông sở hữu một số tiền rất lớn từ người dùng nạp vào, họ phải bảo đảm với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính rằng họ chỉ sử dụng số tiền đó để chờ thanh toán mà không phải dùng cho bất kỳ mục đích nào khác.
Với số tiền có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng trong tương lai, có nguy cơ các công ty sẽ đem số tiền đó đi đầu tư vào một tài sản nào đó.
Trên hệ thống tài chính thế giới, tôi có thể bỏ tiền ra đầu tư vào tài sản qua đêm để sinh lời như trái phiếu chính phủ, cổ phiếu, vàng... Qua đêm, tiền đó lại trở lại tài khoản.
Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, có thể tôi đầu tư vào các khoản rủi ro gây mất tiền, khi đó chắc chắn tiền sẽ không thể trở lại tài khoản nữa. Bên cạnh đó, có những công cụ tài chính hỗ trợ việc đầu tư ngày trong ngày.
Chắc chắn rằng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cũng như các ban ngành quản lý đã có những công cụ để bảo đảm tiền người dân đóng vào các công ty viễn thông được sử dụng đúng mục đích.
Phóng viên: Ngoài vấn đề về quản lý dòng tiền hay những rủi ro trong giao dịch, điều gì còn khiến người dùng băn khoăn nếu triển khai Mobile Money thưa ông?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Hiện tại trong nền kinh tế chỉ có Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại có khả năng tạo tiền. Khi Mobile Money ra đời đồng nghĩa với việc các hãng viễn thông có thể tạo tiền.
Nếu người dùng đóng tiền vào, nhà mạng chỉ cho một số tiền tương đương để thanh toán thì không bàn tới.
Nhưng nếu tôi đóng 10 triệu đồng, nhà mạng cho 20-30 triệu đồng thì đây hoàn toàn nằm trong khả năng của họ nếu ta không kiểm soát.
Trong trường hợp này, dòng tiền sẽ đi vào cung tiền của nền kinh tế, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy vậy, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cũng đã có những kế hoạch, biện pháp để ngăn chặn việc Mobile Money tác động đến cung tiền.
Phóng viên: Bất kỳ một sản phẩm, dịch vụ mới nào ra mắt thị trường cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh nhất định. Vậy sự cạnh tranh giữa Mobile money, ví điện tử và cả các ngân hàng cần được hiểu ra sao, thưa ông?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Sự cạnh tranh sẽ đến. Hiện nay chỉ có 2 thành phần kinh tế có khả năng cung cấp dịch vụ thanh toán cho người tiêu dùng là ngân hàng và ví điện tử.
Thì nay, lại có thêm 3 công ty viễn thông khả năng phát hành ra tiền di động. Khoản tiền này sẽ nằm ngoài số tiền ở ví điện tử và ngân hàng.
Với khả năng như thế, các hãng viễn thông sẽ là đối thủ cạnh tranh cho các ngân hàng bởi nếu muốn sử dụng Mobile Money một cách dễ dàng, tôi sẽ tới hãng viễn thông đóng tiền vào đó.
Như vậy, số tiền lẽ ra nằm ở ngân hàng hay ví điện tử thì nay lại nằm ở các hãng viễn thông. Điều đó tạo ra sự cạnh tranh giữa ngân hàng, các ví điện tử và các hãng viễn thông trong tương lai.
Đây là sự cạnh tranh lành mạnh. Bởi người dân sẽ có thêm nhiều lựa chọn giữa ngân hàng, ví điện tử hay Mobile Money làm tăng chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, điều này còn có lợi cho Chính phủ trong quản lý thuế và chống rửa tiền.
Như chúng ta đã biết, thất thu thuế phần nhiều là do người dân sử dụng tiền mặt mà giao dịch tiền mặt lại không để lại dấu vết gì.
Nhiều giao dịch không được người bán hàng kê khai thuế nên Chính phủ không thể thu thuế. Nhưng nay, những giao dịch đó nếu thực hiện qua Mobile Money sẽ để lại những dấu vết nhất định như thanh toán cho ai, ở đâu? Đây là cơ sở để các cơ quan thuế có thể rà soát, truy thu, tránh thất thoát thuế cho Nhà nước.
Về chống rửa tiền, nếu dùng tiền mặt, tiền của tôi có thể có nguồn gốc từ mại dâm, buôn lậu, trốn thuế. Tôi đem tiền đó đi mua nhà rồi bán đi và gửi tiền đó vào ngân hàng. Như vậy, tiền bẩn đã được "rửa" sang tiền sạch.
Nhưng với Mobile Money, việc rửa tiền sẽ hạn chế hơn mặc dù số tiền đóng cho Mobile Money nhỏ thôi nhưng gom nhiều lần sẽ thành số tiền lớn. Các giao dịch này đều để lại dấu vết góp phần chống rửa tiền.
Phóng viên: Theo ông, việc mở cửa thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do có tác động ra sao đến các nhà cung cấp dịch vụ tài chính tại Việt Nam và cụ thể là với dịch vụ Mobile Money sắp được thí điểm?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi tác động trực tiếp từ các hiệp định này thì không. Bởi lẽ trong các Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sắp có hiệu lực từ 1/8 tới đây không có quy định cụ thể về ví điện tử, tiền điện tử hay Mobile Money.
Nhưng nó sẽ tác động gián tiếp đến các nhà cung cấp dịch vụ tài chính tại Việt Nam do trong tương lai, ta phải mở cửa thị trường tài chính cho các đối tác nước ngoài. Khi ấy, các công ty viễn thông của nước ngoài sẽ gia nhập vào thị trường Việt Nam.
Họ cũng có khả năng phát hành tiền di động như các hãng viễn thông Việt Nam hiện nay. Khi đó, sự cạnh tranh chắc chắn sẽ lớn hơn nữa nhưng nó cũng là cạnh tranh lành mạnh.
Phóng viên: Mobile Money đã được triển khai thành công tại nhiều quốc gia. Theo ông, bài học kinh nghiệm nào có thể áp dụng cho Việt Nam hiện nay?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tại một số quốc gia châu phi hay Myanmar, Mobile Money đã được triển khai rất thành công và cung cấp cho người dân một phương tiện thanh toán phi tiền mặt dễ dàng, giản dị... và đặc biệt hiệu quả trong đại dịch COVID-19.
Thanh toán không dùng tiền mặt qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử... tăng đột biến trong thời gian qua và chúng ta đi theo đúng xu hướng phát triển của thế giới.
Việc học hỏi, rút kinh nghiệm, từ các nước đã triển khai thành công Mobile Money là rất quan trọng vì chúng ta chưa có sản phẩm đó trên thực tế.
Tính đến thời điểm này, Mobile Money mới chỉ dừng lại ở những quyết định của Chính phủ mà ta đang trong giai đoạn triển khai. Tôi hi vọng trong vài tuần tới, chúng ta sẽ có thể thấy sản phẩm đó ra mắt người dùng.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!Tin liên quan
-
Tài chính & Ngân hàng
Ngoài Zalo Bank, "sàn thương mại điện tử" Zalo Shop cũng chưa được cấp phép
16:50' - 16/07/2020
Bên cạnh hoạt động liên quan đến tín dụng, ngân hàng nhưng chưa được cấp phép trên Zalo Bank, phóng viên BNEWS/TTXVN tiếp tục tìm hiểu về tính pháp lý trong hoạt động của nền tảng "Shop" của Zalo.
-
Doanh nghiệp
Viettel đã sẵn sàng cho Mobile money
07:00' - 02/07/2020
Ông Trương Quang Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel cho biết, Viettel đã chuẩn bị mọi nguồn lực để sẵn sàng triển khai Mobile money ngay khi được cấp phép.
Tin cùng chuyên mục
-
Tài chính & Ngân hàng
Còn vướng mắc trong triển khai cho vay thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa
10:39'
Theo quy định chung, tín dụng dành riêng cho Đề án 1 triệu ha lúa cho vay với lãi suất thấp hơn khoảng 1 - 1,5% so với lãi suất trung bình đang cho vay.
-
Tài chính & Ngân hàng
Ra mắt đồng xu 500 yen hình linh vật Myaku-Myaku cho EXPO Osaka 2025
07:00'
Đồng xu có hình linh vật chính thức của Expo là nhân vật Myaku-Myaku ở một mặt và logo của EXPO ở mặt còn lại. Đồng xu này có thể mua với cùng mệnh giá tại các ngân hàng và bưu điện trên toàn quốc.
-
Tài chính & Ngân hàng
Nhật Bản: Thặng dư tài khoản vãng lai đạt mức cao kỷ lục
21:54' - 08/04/2025
Thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong tháng 2/2025 đã tăng 48,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 4.060 tỷ yen.
-
Tài chính & Ngân hàng
Thị trường tài chính kỳ vọng vào khả năng chấm dứt xung đột Nga - Ukraine
20:35' - 08/04/2025
Các tín hiệu từ thị trường tài chính đang phản ánh kỳ vọng gia tăng về khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình tại Ukraine.
-
Tài chính & Ngân hàng
Cuộc chiến thuế quan đẩy Trung Quốc vào lựa chọn khó về tỷ giá đồng NDT
15:02' - 08/04/2025
Cuộc chiến thuế quan căng thẳng hơn bao giờ hết đang đặt Trung Quốc vào thế tiến thoái lưỡng nan: tiếp tục kiểm soát chặt tỷ giá đồng NDT hay để yếu đi nhằm giảm tác động từ loạt thuế quan mới của Mỹ.
-
Tài chính & Ngân hàng
Rupiah rớt giá kỷ lục, Ngân hàng Trung ương Indonesia cam kết can thiệp quyết liệt
09:14' - 08/04/2025
Hội đồng thống đốc ngân hàng trung ương Indonesia đã nhất trí can thiệp vào các thị trường nước ngoài ở châu Á, châu Âu và New York (Mỹ) để ổn định đồng nội tệ.
-
Tài chính & Ngân hàng
Ngân hàng trung ương Trung Quốc tăng dự trữ vàng tháng thứ 5 liên tiếp
14:27' - 07/04/2025
Theo trang tin hkcna.hk, trang web của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) ngày 7/4 đã cập nhật dữ liệu tài sản dự trữ chính thức.
-
Tài chính & Ngân hàng
Sáu ngân hàng Thái Lan chuẩn bị lượng lớn tiền mặt phục vụ Tết Songkran
08:11' - 07/04/2025
Sáu ngân hàng thương mại tại Thái Lan đã dành riêng một khoản dự trữ tổng cộng hơn 127 tỷ baht (3,67 tỷ USD) để chuẩn bị cho lễ hội Tết cổ truyền Songkran năm nay.
-
Tài chính & Ngân hàng
Áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu trước những ẩn số khó lường
17:33' - 05/04/2025
Trong tuần, giá USD trong nước ghi nhận biến động mạnh trong phiên 3/4, thời điểm ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng tới 46% cho hàng hóa Việt Nam.