Thêm nhiều chuyên ngành mới cung cấp nhân lực cho vùng ĐBSCL

20:54' - 07/10/2022
BNEWS Trong tuần đầu tháng 10/2022, Trường Đại học Nam Cần Thơ và Trường Đại học Tây Đô đã tổ chức Lễ khai giảng năm học 2022-2023.

Theo đó, các trường đều mở chuyên ngành mới, đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị, phòng thí nghiệm thực hành, thư viện điện tử, phòng máy vi tính... hiện đại phục vụ việc đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Năm học 2022-2023, Trường Đại học Tây Đô tiếp tục tập trung thực hiện Luật Giáo dục đại học, đổi mới theo Nghị quyết số 29-NQ/TW; nâng cao năng lực, tập trung phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành.

Theo Giáo sư Trần Công Luận, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Đô, trường đang tổ chức tuyển sinh và đào tạo 1 ngành trình độ tiến sĩ (Quản trị kinh doanh), 6 ngành trình độ thạc sĩ (Dược lý và Dược lâm sàng, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Quản trị Dịch vụ du lịch và Lữ hành, Luật Kinh tế), 29 ngành trình độ đại học chính quy, 3 ngành hệ đào tạo từ xa.

Đồng thời, trường cũng tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phù hợp với vùng Ðồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Trong năm học vừa qua, nhà trường đã mở mới 1 ngành đào tạo trình độ đại học (Thiết kế đồ họa); 2 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ (Luật Kinh tế, Quản trị Dịch vụ du lịch và Lữ hành) và 1 ngành trình độ tiến sĩ (Quản trị kinh doanh). Năm học 2022-2023, Trường đang xúc tiến mở ngành Điều dưỡng trình độ thạc sĩ, ngành Dược lý và Dược lâm sàng trình độ tiến sĩ …

Tại Trường Đại học Nam Cần Thơ, trong năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo, nhà trường sẽ xúc tiến mở mới các ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và sức khỏe.

Để chuẩn bị cho việc mở các ngành mới này, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang – Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, nhà trường đang đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện cơ cấu ngành, chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, quản lý đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu quả hợp tác với các đối tác quốc tế, nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, trường đang gấp rút xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ tốt hơn nữa cho công tác đào tạo.

Cụ thể, Hội đồng Trường đã thống nhất đầu tư xây dựng Trung tâm Phát triển và Ứng dụng phần mềm, quy mô 7 tầng; dự kiến, tháng 12/2022 sẽ được khánh thành đưa vào sử dụng. Đồng thời, Trường cũng khởi công xây dựng tòa nhà “Viện Nghiên cứu - Đào tạo khoa học sức khỏe” có kết cấu 10 tầng; dự kiến, tháng 5/2024 hoàn thành và đưa vào sử dụng đáp ứng quy mô đào tạo cho 5.000 sinh viên theo học khối sức khỏe tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2030, Trường Đại học Nam Cần Thơ sẽ hoàn thiện các hạng mục: Xây dựng khu giảng đường và Viện dưỡng lão hiện đại phục vụ thực hành, thực tập cho sinh viên các ngành thuộc khối sức khỏe, các ngành thuộc khối kỹ thuật công nghệ cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục