Thêm nhiều cơ hội cho bệnh nhân đột quỵ ở Đồng bằng sông Cửu Long

18:42' - 25/09/2020
BNEWS Ngày 25/9, Bệnh viện Tim mạch Đột quỵ Cần Thơ đưa vào sử dụng máy cộng hưởng từ MAGNETOM Lumina và máy chụp mạch máu xóa nền DSA Artis ICONO thế hệ mới lần đầu tiên có mặt tại khu vực châu Á.

Bệnh viện Tim mạch Đột quỵ Cần Thơ cũng ra mắt “Quỹ từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long".

Ông Pedro Vilaca, Giám đốc điều hành Tập đoàn Siemens Healthineers Việt Nam cho biết: Bệnh viện Tim mạch Đột quỵ Cần Thơ là bệnh viện đầu tiên ở Đông Nam Á được trang bị hai loại máy móc hiện đại này, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này đồng nghĩa với tăng cơ hội bệnh nhân đột quỵ được cứu sống trong thời gian vàng.

Hệ thống MAGNETOM Lumina với công nghệ ma trận sinh học được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo và khoang rộng 70cm tự động điều chỉnh các thông số quét để thích ứng với thể trạng của từng bệnh nhân, có thể thực hiện công việc nhanh hơn 20% so với các hệ thống máy truyền thống.

Thêm vào đó, các gói chụp tăng tốc Turbo Suite mới có thể giúp giảm một nửa thời gian chụp cho nhiều bộ phận cơ thể khác nhau...

Máy Artis ICONO giúp cải thiện chất lượng hình ảnh 2D và 3D, theo đó chất lượng hình ảnh được nâng cao và giảm liều tia đối với bệnh nhân. Hệ thống chụp mạch có thiết kế cánh tay C đặc biệt lần đầu tiên cung cấp kỹ thuật chụp hình ảnh 3D CT sọ não theo hai trục.

Kỹ thuật này giúp giảm tối đa xảo ảnh ở phần sọ nền. Artis ICONO cung cấp hình ảnh 3D toàn bộ não với chất lượng cao để hỗ trợ chính xác chẩn đoán, điều trị đột quỵ và tối ưu kết quả cho bệnh nhân.

Giải pháp kết hợp “tất cả trong một” giúp bệnh nhân không phải di chuyển từ phòng chụp CT sang phòng thông tim cathlab, tiết kiệm tối đa thời gian, một yếu tố quan trọng trong điều trị đột quỵ hiệu quả.

Bác sĩ Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Tim mạch Đột quỵ Cần Thơ chia sẻ: Đột quỵ là bệnh lý phổ biến và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn tật hàng đầu trên toàn thế giới.

Khoảng 200.000 trường hợp bị đột quỵ mỗi năm ở Việt Nam. Hầu hết bệnh nhân gặp khó khăn trong việc tiếp cận các bệnh viện, trung tâm đột quỵ kịp thời.

Do vậy, hơn 90% bệnh nhân đến bệnh viện quá 6 giờ sau khi đột quỵ xảy ra. Trong khi đó, chẩn đoán nhanh và chăm sóc kịp thời trong “giờ vàng” là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của việc điều trị.

Theo thống kê năm 2019, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 10.000 bệnh nhân đột quỵ.

Với con số trên, đột quỵ thực sự là áp lực lớn đối với ngành Y tế do tỷ lệ tử vong cao. Mục tiêu của Bệnh viện Tim mạch Đột quỵ Cần Thơ hướng tới tập trung vào chẩn đoán, điều trị sớm và nhanh chóng cho bệnh nhân.

Việc đầu tư hệ thống máy móc tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu điều trị chuyên sâu về đột quỵ, để bệnh nhân Việt Nam có thể được điều trị theo tiêu chuẩn quốc tế ngay tại Việt Nam với mức chi phí thấp hơn rất nhiều.

Dịp này, Bệnh viện Tim mạch Đột quỵ Cần Thơ đã ra mắt “Quỹ từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long" hoạt động với mục đích từ thiện.

Đặc biệt, bệnh nhân nhập viện điều trị ở bất kỳ bệnh viện nào trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều có thể nhận được sự hỗ trợ từ nguồn quỹ này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục