Thị trường “án binh” chờ đợi số liệu lạm phát từ Mỹ

16:31' - 26/03/2024
BNEWS Thị trường chuẩn bị đón nhận thông tin về chỉ số PCE và một số số liệu sắp được công bố như tăng trưởng kinh tế, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp và niềm tin doanh. nghiệp Mỹ.

*Thị trường vàng yên ắng

Giá vàng châu Á không đổi trong phiên 26/3 trong bối cảnh nhà đầu tư tập trung vào dữ liệu lạm phát của Mỹ vào cuối tuần này để có thể manh mối về thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong năm nay.

Khoảng 14 giờ 12 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay không đổi ở mức 2.170,68 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,3% xuống 2.170,70 USD/ounce.

Nhà phân tích thị trường tài chính Kyle Rodda tại Capital.com cho biết thị trường đang thiếu chất xúc tác mới, nhưng hiện tại thị trường đang tạm nghỉ sau một đợt tăng giá khá mạnh mẽ. Động thái tiếp theo có thể phụ thuộc vào số liệu về chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tuần này.

Vàng đã chạm mức cao kỷ lục trong tuần trước sau khi các nhà hoạch định chính sách của Fed cho biết họ vẫn dự kiến sẽ giảm lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào cuối năm 2024 bất chấp chỉ số lạm phát cao gần đây.

 

Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Austan Goolsbee ngày 25/3 cho biết tại cuộc họp chính sách của Fed tuần trước, ông đã đề ra ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay. Trong khi đó, Thống đốc Fed Lisa Cook cảnh báo ngân hàng trung ương này cần phải tiến hành cẩn thận khi quyết định thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu PCE lõi của Mỹ vào ngày 29/3. Chỉ số này được dự báo tăng 0,3% trong tháng 2/2024.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch đang đặt cược 70% khả năng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong tháng 6/2024. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Chỉ số đồng USD đã giảm 0,3% so với rổ tiền tệ chính, khiến vàng trở nên rẻ hơn cho những người nắm giữ đồng tiền khác.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,6% xuống 24,53 USD/ounce, còn giá bạch kim giảm 0,1% xuống 901,75 USD/ounce, còn giá palladium nhích nhẹ 0,1% lên 1.006,18 USD/ounce.

Lúc 15 giờ 29 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 78 - 80,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

*Chứng khoán châu Á đi ngược chiều

Cùng ngày thị trường chứng khoán châu Á đi ngược chiều nhau trong lúc nhà đầu tư chờ đợi số liệu kinh tế quan trọng của Mỹ.

Các nhà đầu tư cũng đang chuẩn bị cho mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp. Một số nhà quan sát cảnh báo các dự báo về lợi nhuận, vốn giúp đẩy một số thị trường lên các mức cao kỷ lục, có thể không như dự kiến và các báo cáo gây thất vọng có thể khiến cổ phiếu sụt giảm.

Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 đi ngang ở mức 40.398,03 điểm.

Tại thị trường Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 1,3% lên 16.691,70 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite tăng 0,2% lên 3.031,48 điểm.

Chứng khoán Singapore, Seoul, Manila và Bangkok đều tăng, trong khi chứng khoán Sydney, Wellington, Mumbai và Jakarta giảm.

Trong tuần này, thị trường chuẩn bị đón nhận thông tin về chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) và một số số liệu sắp được công bố như tăng trưởng kinh tế, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp và niềm tin doanh nghiệp Mỹ.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 14,35 điểm (1,13%) lên 1.282,21 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 1,22 điểm (0,50%) lên 242,03 điểm.

*Giá dầu châu Á giảm nhẹ

Giá dầu châu Á giảm nhẹ trong phiên 26/3 sau khi tăng trong phiên trước đó trong bối cảnh nhà đầu tư có quan điểm trái chiều về việc công suất lọc dầu của Nga bị thiệt hại sau các vụ tấn công gần đây, dù cho đồng USD suy yếu đang hỗ trợ phần nào.

Khoảng 14 giờ 01 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 5/2024 giảm 6 xu Mỹ xuống 86,69 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 4 xu Mỹ 81,91 USD/thùng.

Dầu Brent đã tăng 1,5%, còn dầu WTI tăng 1,6% trong phiên 25/3 sau khi Chính phủ Nga yêu cầu các công ty cắt giảm sản lượng trong quý II/2024 để đáp ứng mục tiêu 9 triệu thùng/ngày nhằm tuân thủ những cam kết với Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.

Nga, nước sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và là một trong những nhà xuất khẩu các sản phầm dầu lớn nhất, cũng đang đối mặt với các cuộc tấn công gần đây vào các nhà máy lọc dầu. Các nhà phân tích của Goldman Sachs ước tính sự kiện này có thể khiến công suất giảm khoảng 900.000 thùng/ngày, và các nhà máy sẽ phải ngừng hoạt động trong nhiều tuần và thậm chí trong vài tuần. Một số cơ sở phải đóng cửa vĩnh viễn.

Trong khi đó, đồng USD suy yếu so với phiên trước đã phần nào hỗ trợ giá. Đồng USD yếu hơn giúp việc mua dầu bằng các loại tiền tệ khác rẻ hơn, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu chung.

Nhà phân tích thị trường độc lập Tina Teng cho biết đồng USD có thể tiếp tục đối mặt với áp lực giảm giá do Fed dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay, điều này có thể giúp hỗ trợ tăng giá.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục