Thị trường bán lẻ Trung Đông: Mua sắm truyền thống hài hoà với điện tử

08:41' - 25/12/2018
BNEWS Xu hướng bán lẻ hiện nay tại Trung Đông đang phát triển và kết hợp hài hòa giữa mua sắm truyền thống và thương mại điện tử.
Shopping tại Ai Cập. Ảnh: AFP

Trong bối cảnh thị trường mua sắm cuối năm tại Trung Đông đang nở rộ, giới phân tích kinh doanh đã đưa ra những đánh giá và nhận định về sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử và mua sắm truyền thống của khu vực này.

Trái với những dự báo trước đây về thế “thượng phong” của lĩnh vực thương mại điện tử so với các cửa hàng truyền thống, xu hướng bán lẻ hiện nay tại Trung Đông lại chứng kiến sự phát triển và kết hợp hài hòa giữa hai thói quen mua sắm này.

Báo cáo mới nhất của hãng Pricewaterhouse Coopers (PwC), trong đó nghiên cứu về các thói quen mua sắm của người tiêu dùng Ai Cập, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), đã chỉ ra rằng, sự sụt giảm trong hoạt động mua sắm tại các cửa hàng truyền thống từng xảy ra trong giai đoạn thương mại điện tử bùng nổ, song xu thế này lại đang chứng kiến sự đảo chiều bất ngờ hiện nay.

Trong năm 2013, tỷ lệ người dùng chọn hình thức mua sắm chủ yếu tại các cửa hàng tại 3 thị trường kể trên chỉ là 37%, song đã tăng trở lại lên 43% vào năm 2017.

Trưởng bộ phận nghiên cứu bán lẻ của PwC tại Trung Đông, Norma Taki, cho biết: “Nếu bạn nhìn vào thị trường tiêu dùng 5 năm trước, rõ ràng mua sắm trên mạng đã phát huy những lợi thế nhất định so với thói quen mua sắm truyền thống.

Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng hiện nay đã chuyển hướng sang kết hợp cả trải nghiệm trực tuyến và ngoại tuyến”.

Thấy tận mắt - cầm tận tay

Trên thực tế, người tiêu dùng trên khắp khu vực Trung Đông và Bắc Phi vẫn ưa chuộng “thấy tận mắt, cầm tận tay” sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua sắm, so với quá trình đổi trả sản phẩm không ưng ý phiền phức hơn khi mua sắm trên mạng.

Nhiều thương hiệu cũng đang phát triển các chiến lược hướng tới kết hợp sự hiện diện trên mạng và cả các không gian bán lẻ truyền thống. “Nhấp chuột và lựa chọn”, nơi người tiêu dùng lựa chọn một món hàng trên mạng và sau đó nhận chúng ở các cửa hàng, đang trở thành một xu hướng với người dùng khu vực.

Ví dụ, tại The Luxury Closet, một công ty thương mại điện tử cung cấp các sản phẩm thời trang được thiết kế đặc biệt, khoảng 30% doanh số bán của công ty tại UAE được thực hiện qua hình thức “nhấp chuột và lựa chọn”.

Công ty này hiện cũng đang tìm kiếm cơ hội mở cửa gian hàng thực tế để giới thiệu các sản phẩm của mình.

Giám đốc điều hành The Luxury Closet, Kunal Kapoor đánh giá: “Điều chúng tôi thực sự mong muốn là xây dựng một trải nghiệm mới và sử dụng hình thức bán lẻ để xây dựng trải nghiệm đó.

Chúng tôi sẽ mở rộng cơ sở ‘nhấp chuột và lựa chọn’ để giới thiệu sản phẩm và tập trung vào những mặt hàng đặc biệt mà khách hàng muốn chạm vào và trải nghiệm thực tế”.

Trong khi đó, Share This Space, một nền tảng đặt chỗ trực tuyến cho các nhà thiết kế và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tìm kiếm không gian trưng bày thực tế, đã chứng kiến nhu cầu gia tăng mạnh từ các trang thương mại điện tử.

Được thành lập cách đây ba năm, nền tảng này giúp các nhà bán lẻ trực tuyến của UAE mở rộng thị trường và gia tăng khả năng nhận diện thương hiệu.

Nhà sáng lập Share This Space, Shahzad Bhatti cho rằng, duy trì lòng tin của khách hàng và đảm bảo nhận diện thương hiệu có thể khó khăn hơn khi chỉ thực hiện trên không gian mạng.

Môi trường bán lẻ đã thay đổi và mọi người muốn trải nghiệm thực tế những gì họ thích trên mạng hay trên mạng xã hội, sau đó mới đưa ra quyết định mua sắm.

Nền tảng trực tuyến có thể cho phép họ lên kế hoạch mua sắm trước khi ra các cửa hàng thực tế, nơi họ có thể thử, trải nghiệm và đưa ra quyết định mua sắm cuối cùng.

Những người tiêu dùng giàu ảnh hưởng

Một báo cáo khác của Công ty tư vấn toàn cầu Bain & Company đánh giá thị trường thương mại điện tử các nước Trung Đông và Bắc Phi hiện có giá trị trên 8 tỷ USD, trong đó riêng Saudi Arabia và UAE chiếm 60% số đó.

Khoảng 80% các sản phẩm có sẵn trên mạng tại khu vực này tập trung trong lĩnh vực điện tử, thời sang, phong cách sống và làm đẹp.

Tốc độ phổ cập Internet tại cả Saudi Arabia và UAE hiện đã vượt ngưỡng 90%, đồng thời mức độ phổ cập điện thoại thông minh (smartphone) cũng vượt mức 60%.

Theo dữ liệu của Instagram, khu vực Trung Đông-Bắc Phi có trên 63 triệu người sử dụng nền tảng mạng xã hội này năm 2017.

Trên quy mô toàn cầu, chỉ 37% người dùng sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm ảnh hưởng mua sắm từ những người nổi tiếng, trong khi con số này tăng vọt lên 78% tại khu vực Trung Đông. Vì thế, những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội sẽ có tác động rất lớn tới ngành bán lẻ khu vực.

Hội tụ thương mại điện tử và kinh doanh truyền thống

Sự hội tụ giữa mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến tiếp tục được định hình thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập giữa các đại gia trong lĩnh vực bán lẻ và các nền tảng kinh doanh trực tuyến.

Thương mại điện tử dù đã ghi nhận sự bùng nổ đáng kể, song vẫn còn dư địa phát triển rất lớn tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi.

Không có gì khó hiểu khi các nhà bán lẻ Trung Quốc bắt đầu để mắt tới thị trường này. Tháng Tám vừa qua, AliExpress (dịch vụ bán lẻ trực tuyến do Alibaba sở hữu) đã ra mắt nền tảng mua hàng của mình tại thị trường Trung Đông, thu hút hơn 150 triệu tài khoản đăng ký ngay trong tháng hoạt động đầu tiên.

Theo giới phân tích kinh doanh, ngành bán lẻ truyền thống đã và đang thay đổi để thích ứng với sự phát triển của thương mại điện tử.

Bán lẻ truyền thống sẽ không cạnh tranh bằng tốc độ, giá bán và sự thuận tiện, vốn là những thế mạnh của mua sắm trực tuyến.

Thay vào đó, lĩnh vực này sẽ phát huy thế mạnh mà mua sắm trên mạng không thể có: Tương tác trực tiếp với người dùng và sản phẩm.

Đây là chiến lược phát huy hiệu quả cao nhất đối với những sản phẩm không “nhạy cảm” về biến động giá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục