Vì sao Mỹ-Nga không thể phớt lờ vấn đề Trung Đông?

05:30' - 30/07/2018
BNEWS Bất chấp dư luận đa phần cho rằng Trung Đông là vấn đề mà Mỹ và Nga cùng quan tâm, hồ sơ Syria và Iran dường như không được nhiều ưu tiên trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Trump-Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Mỹ Donald. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc gặp tại Helsinki giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin là sự kiện chính trị được mong chờ nhất trong mùa Hè năm nay.

Cuộc gặp được cho là có thể mở ra trang mới trong quan hệ Mỹ-Nga, song cũng làm dấy lên làn sóng chỉ trích Tổng thống Trump trong nội bộ nước Mỹ liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 tại Mỹ, điều mà Tổng thống Putin nhất mực phủ nhận và xem đó là cuộc "đấu đá nội bộ" chính trị của cường quốc hàng đầu thế giới.

Phần lớn cuộc họp báo chung giữa hai nhà lãnh đạo là xoay quanh chủ đề cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, vì vậy có ý kiến cho rằng có thể ông Trump và ông Putin chưa đạt được nhiều tiến triển trong các hồ sơ như Syria và Iran, vốn là hai chủ đề từng được dư luận kỳ vọng là sẽ có trong nội dung cuộc gặp.

Nhận định này có thể là chính xác bởi hai nhà lãnh đạo tập trung nhiều hơn vào việc sửa chữa mối quan hệ song phương và hoàn toàn lơ là các cuộc khủng hoảng khu vực. 

Theo bài viết trên trang mạng của tờ Al-Monitor, với những phức tạp về mặt địa chính trị, và quan trọng hơn là nguy cơ dễ va chạm giữa lực lượng Mỹ và Nga tại Syria là lý do khiến cả Kremlin và Nhà Trắng đều không thể phớt lờ khu vực này, và người ta hoàn toàn có lý do để cho rằng Syria là nơi hai bên có thể bắt đầu hàn gắn những mâu thuẫn.  

Cả ông Trump và ông Putin đều đã vạch ra điều có thể là lộ trình giải quyết xung đột tại Syria, theo đó các nhóm làm việc và đại diện của hai bên đã cùng nhau thảo luận và tiến hành nhiều cuộc gặp riêng với các bên liên quan.

Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng thống Putin nói: "Nhiệm vụ thiết lập hòa bình và hòa giải tại Syria có thể là ví dụ đầu tiên của việc phối hợp thành công giữa các bên… Nga và Mỹ có thể chủ động và đảm nhận vai trò lãnh đạo trong vấn đề này, tổ chức các hoạt động phối hợp để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và giúp đỡ người tỵ nạn Syria trở về nhà. Chúng ta có tất cả mọi nhân tố cần thiết để có thể đạt được thành quả qua hợp tác tại Syria". 

Theo Al-Monitor, một trong những nhân tố này là sự phối hợp giữa quân đội hai nước. Cả hai Tổng thống đánh giá cao các tiếp xúc và liên lạc song phương, nhấn mạnh đến tính chuyên nghiệp của mỗi bên.

Tổng thống Putin cũng đề xuất rằng các kênh liên lạc giữa cơ quan tình báo và an ninh của hai nước phải được đặt trong một "khuôn khổ mang tính hệ thống", đồng thời nhắc nhà lãnh đạo Mỹ về đề xuất mà Tổng thống Putin từng đưa ra trong những năm đầu cầm quyền là thành lập một nhóm tác chiến chống khủng bố.

Một khía cạnh tích cực khác là các hợp tác về thể chế. Tổng thống Putin nói rằng Nga sẽ tiếp tục các công việc trong khuôn khổ đàm phán Astana cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, nhưng sẵn sàng phối hợp với nhóm các quốc gia được thành lập dựa trên thỏa thuận ngoại giao do Mỹ và Pháp dẫn đầu, một nhóm gồm cả Anh, Đức, Jordan và Saudi Arabia "để tận dụng tối đa các cơ hội nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng”. 

Không chỉ vậy, một yếu tố khác có thể giúp dẫn tới thành công trong hợp tác giải quyết vấn đề Syria là việc Nga công khai thái độ cởi mở trong hợp tác với phương Tây, chủ yếu là Pháp và Mỹ, về vấn đề nhân đạo và cứu trợ. Moskva cho biết Nga đã chuẩn bị cung cấp các chuyến bay vận tải quân sự cứu trợ nhân đạo và các nỗ lực khác.

Tổng thống Putin nói: "Các lực lượng tại miền Nam Syria nên thực thi đầy đủ Hiệp định 1974 về phân chia lực lượng – cụ thể là giữa Israel và Syria. Điều này sẽ mang lại hòa bình cho Cao nguyên Golan, giải tỏa quan hệ giữa Syria và Israel, cũng như đảm bảo an ninh cho Israel”. 

Nhiều người dự đoán rằng các thông tin này sẽ được Israel đón nhận. Tuyên bố trên cũng có thể được xem là một thông điệp kêu gọi Iran và lực lượng đồng minh rút khỏi vùng biên giới với Israel. Tuy nhiên, đây có thể mới là phần nổi của tảng băng chìm về những gì mà Tổng thống Putin đã nhất trí với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Ali Akbar Velayati, cố vấn cao cấp của Lãnh tụ tối cao Iran, trong các chuyến thăm tới Moskva vừa qua.

Những “đảm bảo” của Nga vẫn còn là điều mơ hồ và Israel cũng không có nhiều lý do để quá tin tưởng vào những tuyên bố này. Cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ diễn ra song song cùng với chiến dịch mà quân đội Syria tiến hành, cùng với sự hậu thuẫn của Không quân Nga, nhằm tái chiếm ngọn đồi chiến lược tại tỉnh Quneitra, miền Tây Nam Syria và đối diện Cao nguyên Golan.

Trả lời phỏng vấn truyền hình Russia Channel One sau cuộc gặp thượng đỉnh, Tổng thống Putin nói: "Chúng tôi đã nhất trí một vài khía cạnh liên quan đến Syria, nhất là những gì liên quan đến khu vực giảm căng thẳng ở miền Nam, gần Cao nguyên Golan, và cân nhắc toàn bộ các lợi ích của Israel. Trước đó chúng tôi cũng đã thảo luận với các đối tác Iran. Do đó, chúng tôi đang đi đúng lộ trình nhằm ổn định tình hình một cách toàn diện chứ không chỉ tiêng vấn đề Syria". 

Trao đổi với Al-Monitor, một quan chức giấu tên của Kremlin cho biết dù khá hài lòng với nội dung của Hội nghị thượng đỉnh, song Nga chưa thấy khả năng "tái cài đặt quan hệ" với Mỹ. Quan chức này nói: “Hai tổng thống đã có cuộc đối thoại khá suôn sẻ. Thượng đỉnh có thể xem là một thắng lợi đối với những người muốn cải thiện quan hệ song phương. 

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng nước Mỹ ngày nay có thái độ thù địch với Nga khá nhiều. Hai bên, nhất là giới lãnh đạo, gần như không có đối thoại, và điều này cũng khó diễn ra trong tương lai gần. Dư luận Mỹ mâu thuẫn về việc thảo luận với Nga. Vì vậy, chúng tôi không cho rằng hội nghị thượng đỉnh có thể xem là một thành công đủ để ăn mừng. Còn nhiều vấn đề khó khăn ở phía trước".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục