Thị trường chứng khoán châu Âu hứa hẹn triển vọng sáng sủa trong năm 2022

19:05' - 16/12/2021
BNEWS Nhật báo Les Echos (Pháp) số ra gần đây nhận định các công ty châu Âu đã tạo ra lợi nhuận kỷ lục trong năm nay và dự kiến sẽ còn làm tốt hơn trong năm tới.

Làn gió mới này có khả năng thúc đẩy sự gia tăng mạnh mẽ trong việc mua lại cổ phiếu, đặc biệt là của các nhóm ngành hàng xa xỉ, các nhà sản xuất thuốc lá và các công ty khai thác mỏ.

Theo Les Echos, các doanh nghiệp châu Âu chưa bao giờ làm ăn tốt như vậy. Họ đang trên đà tạo ra lợi nhuận kỷ lục trong năm nay và năm sau.

Đây sẽ là một năm bội thu cho các nhà đầu tư bởi một phần đáng kể của phần lợi nhuận doanh nghiệp sẽ được dành để trả cổ tức, và phần còn lại được sử dụng để mua lại cổ phiếu.

Sự phục hồi nhanh chóng của hoạt động kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng COVID-19 đã mang lại nhiều nguồn lợi cho các tập đoàn lớn ở châu Âu, vốn chú trọng vào xuất khẩu nhiều hơn so với các đối thủ cạnh tranh ở Mỹ.

Họ dự kiến sẽ giải phóng một lượng tiền mặt kỷ lục trong năm nay, hơn 1.100 tỷ USD. Năm tới hứa hẹn sẽ còn tốt hơn với ước tính hơn 1.200 tỷ USD, theo các chiến lược gia của Citi.

Theo tính toán của ngân hàng Société Générale, bất chấp cuộc khủng hoảng y tế, báo cáo tổng kết tài chính của tập đoàn rất ổn định. Nợ ròng trên thị trường vốn giảm ở mức thấp nhất từ 14 năm trở lại đây, theo tính toán của Société Générale.

Trong bối cảnh này, các công ty có đủ tiền để đầu tư và làm hài lòng các cổ đông của họ. Các cổ đông thích được trả cổ tức trong năm nay, sau khi các khoản tiền được trả đã giảm mạnh trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua.

Nhưng trong tương lai, họ có thể sẽ thích việc mua lại cổ phiếu, vốn có tính linh hoạt hơn. Ngân hàng Mỹ kỳ vọng số tiền các nhà đầu tư chi cho việc mua lại cổ phiếu tăng ở mức 30% trong năm tới, đủ để đưa hoạt động của họ trở lại mức năm 2019 ở châu Âu.

Trong khi đó, các nhà phân tích của Société Générale đang dự tính khoảng 150 tỷ euro (170 tỷ USD) giá trị cổ phiếu sẽ được mua lại vào năm tới.

Việc mua lại cổ phiếu này chính là sở thích của các nhà đầu tư và công ty ở Mỹ. Khác với châu Âu, nơi cổ tức bằng tiền mặt chiếm hơn 70% khoản thanh toán cho cổ đông trong 20 năm qua, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các công ty từ lâu đã ưa chuộng mua lại cổ phiếu vì tác động tích cực của chúng đến các chỉ số tài chính như tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần.

Họ đã chi hơn 1.000 tỷ USD cho các hoạt động này trong năm nay. Và bây giờ đến lượt các nhà đầu tư châu Âu cũng muốn đi theo hướng này.

Theo Citi, các tập đoàn thuộc ngành hàng xa xỉ sẽ đặc biệt tích cực trong lĩnh vực mua lại cổ phiếu vào năm tới, bắt đầu với hãng kim hoàn Đan Mạch Pandora, tập đoàn Kering của Pháp và Burberry của Anh.

Tất cả đều được định giá thấp hơn so với toàn ngành và do đó có thể thu được lợi nhuận từ việc mua lại chứng khoán của chính họ.

Các lĩnh vực khác vốn từng bị các nhà đầu tư bỏ qua cũng bắt đầu quan tâm đến việc tham gia vào các hoạt động này, đặc biệt là các nhà sản xuất thuốc lá như BAT hoặc Imperial Brands, và các công ty khai thác mỏ như Glencore và Rio Tinto.

Hai lĩnh vực này chịu thiệt hại trên thị trường chứng khoán do tác động đối với sức khỏe và hành tinh, khiến chúng trở thành những lĩnh vực không được ưu tiên trong danh mục đầu tư theo tiêu chí “ESG” (Môi trường, Xã hội và Doanh nghiệp)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục