Thị trường chứng khoán: Sức hấp dẫn từ tăng trưởng bất ngờ của kinh tế nội địa

10:36' - 21/08/2022
BNEWS Giá trị và khối lượng giao dịch của khối ngoại duy trì tích cực gần một tháng qua đã góp phần giúp thị trường chứng khoán Việt Nam giữ đà phục hồi.

Theo giới phân tích, kết quả khả quan sau mùa báo cáo quý II cũng như số liệu kinh tế vĩ mô ổn định sẽ tạo đà giúp dòng tiền của khối ngoại tiếp tục đổ vào thị trường.

Một trong những yếu tố hấp dẫn dẫn dắt khối ngoại chính là sự tăng trưởng mạnh mẽ bất ngờ của kinh tế nội địa.

Thống kê dữ liệu 1 tháng trở lại đây, khối ngoại liên tục mua ròng trên hai sàn HoSE và HNX với giá trị đạt hơn 4.180 tỷ đồng. Xét về giá trị, đây là khối lượng giao dịch lớn trong tháng kể từ đầu năm.

Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng Khoán VNDirect Trần Thị Khánh Hiền đánh giá, về bối cảnh vĩ mô, các nền kinh tế lớn trên thế giới đang có sự ảnh hưởng khá mạnh mẽ từ việc lạm phát tăng cũng như việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dự báo tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn đều chậm lại trong năm 2022 và 2023.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn là một điểm sáng về mặt tăng trưởng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 6 tháng đầu năm, sự điều hành khá chắc tay của Ngân hàng Nhà nước đã được kiểm chứng khi lạm phát vẫn ở một mức có thể chấp nhận được.

"Thứ hai, đồng Việt Nam vẫn duy trì sức mạnh trong bối cảnh đồng USD tăng khá mạnh… là những yếu tố hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài tự tin quay trở lại Việt Nam", Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng Khoán VNDirect nhấn mạnh.

 

Những tháng cuối năm, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế Trưởng VinaCapital cho rằng, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam sẽ là tiêu dùng nội địa. Từ khảo sát thực tế và các nghiên cứu thực nghiệm khác, VinaCapital tin rằng con số tiêu thụ nội địa sẽ tăng mạnh, hồi phục mạnh mẽ vượt xa mong đợi.

Nửa đầu năm nay, doanh số bán lẻ thực tế của Việt Nam, đã loại trừ tác động của lạm phát, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đã tăng lên 11,9% sau 7 tháng đầu năm 2022, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 7% so với cùng kỳ mà VinaCapital dự báo trước đó.

Doanh thu và lợi nhuận của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bởi nền kinh tế trong nước. Đó là lý do VinaCapital dự kiến thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ bất ngờ của kinh tế nội địa.

Với kỳ vọng này, Công ty Môi giới chứng khoán ASPS (Asia Plus Securities) của Thái Lan đã phát thông điệp tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. ASPS dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP từ 5-7% cho đến năm 2028, vượt cả Thái Lan và Singapore.

Trong bối cảnh xu hướng dòng vốn nước ngoài bị rút ra trên toàn cầu, tuy nhiên ở Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng và có tín hiệu tiếp tục đổ tiền vào thị trường. Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế và môi trường đầu tư trong nước.

Trước đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý khá mạnh tay trong việc thanh lọc thị trường, đồng thời ban hành quy định về phát triển thị trường vốn đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững, tạo đà cho nhà đầu tư tham gia thị trường Việt Nam.

Theo quan sát của phóng viên, thời gian qua, khối ngoại tập trung mua cổ phiếu ngành ngân hàng và chứng khoán, nổi bật mua STB, CTG, HDB, SSI... Trong cơ cấu danh mục của các quỹ ngoại, lượng cổ phiếu nhóm ngành này vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Theo thống kê tại thời điểm ngày 20/8 của quỹ VFMVN Diamond, quỹ này đang phân bổ hơn 38,1% giá trị danh mục vào nhóm ngân hàng với các cổ phiếu chủ chốt như TCB, ACB, VPB...

Với quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), nhóm cổ phiếu nắm giữ có tỷ trọng lớn nhất có cả ngân hàng và chứng khoán như ACB, SSI...

Nhóm quỹ thuộc Dragon Capital Việt Nam cũng vừa mua thêm 2,25 triệu cổ phiếu STB của Sacombank, nâng khối lượng sở hữu lên 132 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ nắm giữ trên 7% vốn điều lệ. Đây là giao dịch nối tiếp chuỗi mua ròng mạnh mẽ của nhóm này sau khi trở thành cổ đông lớn (sở hữu trên 5%) tại Sacombank vào tháng 3, rồi tăng lên trên 6% vào đầu tháng 7.

Đóng cửa phiên cuối tuần qua, khối ngoại tiếp tục mua ròng với giá trị ròng đạt 615,71 tỷ đồng trên hai sàn HoSE và HNX. Xét theo khối lượng ròng, SSI là mã được mua ròng nhiều nhất với 25,4 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là STB với 13,2 triệu cổ phiếu và CTG với 7,5 triệu cổ phiếu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục