Thị trường chứng khoán thế giới lao dốc trong phiên giao dịch đầu tháng Tư

09:29' - 02/04/2020
BNEWS Thị trường chứng khoán thế giới ngày 1/4 lao dốc trong bối cảnh số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Mỹ vượt ngưỡng 200.000, gây thêm lo ngại cho giới đầu tư về những tác động kinh tế của dịch.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tháng Tư, chỉ số Dow Jones hạ 937,65 điểm, tương đương 4,44%, xuống 20.943,51 điểm.

Chỉ số S&P 500 giảm 114,09 điểm, tương đương 4,41%, đóng cửa ở mức 2.470,5 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 339,52 điểm (4,41%), chốt phiên ở mức 7.360,58 điểm.

Theo số liệu cập nhật đến rạng sáng 2/4 theo giờ Việt Nam, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ đã lên tới 211.143 người sau khi tăng thêm 22.613 người so với ngày trước đó.

Như vậy, Mỹ đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có số ca mắc COVID-19 vượt quá mốc 210.000 người.

Số người chết vì COVID-19 tại Mỹ hiện được ghi nhận ở mức 4.713 người, tăng 660 người trong vòng 24 giờ qua.

Trong khi đó, số lượng phục hồi là 8.805 người, còn số ca bệnh nặng là 5.005 người.

Trong bối cảnh đó, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis đã ban bố lệnh giới nghiêm toàn bang và chỉ thị cho người dân ở nhà để ngăn ngừa dịch lây lan.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông DeSantis kêu gọi người dân giới hạn các hoạt động và chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết.

Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực trong 30 ngày, bắt đầu từ ngày 2/4, và được đưa ra sau khi Thống đốc DeSantis tham vấn Tổng thống Donald Trump qua điện thoại.

Cùng ngày, Thống đốc bang Mississippi Tate Reeves chiều 1/4 đã thông báo lệnh giới nghiêm tại bang này nhằm đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra.

Đồng thời, đảng Dân chủ đã thúc đẩy một kế hoạch bao gồm việc đưa mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng và gia tăng việc làm vào một dự luật thứ tư nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19.

Các số liệu kinh tế mới được công bố trong cùng ngày cũng không góp phần cải thiện diễn biến của thị trường.

Hoạt động chế tạo của Mỹ sụt giảm ít hơn dư kiến trong tháng 3/2020, trong khi lượng đơn đặt hàng chế tạo mới lại giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm trong cùng kỳ.

Bên cạnh đó, việc các hoạt động kinh doanh bị “đóng băng” do dịch COVID-19 đã khiến số việc làm trong khu vực tư nhân của Mỹ giảm 27.000 việc trong tháng Ba, ghi dấu mức giảm đầu tiên kể từ tháng 9/2017.

Theo dự báo mới do Refinitiv đưa ra, các doanh nghiệp niêm yết thuộc S&P 500 dự kiến sẽ bước vào cuộc suy thoái về doanh thu trong năm 2020, với mức giảm 4,3% và 10,9% trong quý I và quý II/2020.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt đi xuống, sau khi chứng kiến diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại Mỹ.

Thêm vào sự ảm đạm của thị trường là việc các ngân hàng Anh đã chia hàng tỷ bảng cổ tức và mua lại cổ phiếu, sau khi Ngân hàng trung ương Anh (BoE) yêu cầu tăng cường thanh khoản như một cách để kích thích nền kinh tế đang bị tổn thương bởi đại dịch COVID-19.

Tâm lý nhà đầu tư ở châu Âu cũng bị tác động tiêu cực bởi dữ liệu khảo sát cho thấy hoạt động chế tạo sụt giảm mạnh.

Khép lại phiên giao dịch đầu tiên của tháng Tư, chỉ số EURO STOXX 50 của châu Âu giảm 4,3%, xuống 2.667,64 điểm. Tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 của Anh mất 3,8%, xuống 5.454,57 điểm.

Trong khi đó, tại thị trường Paris của Pháp và Frankfurt của Đức, chỉ số CAC 40 và DAX 30 lần lượt hạ 4,3% và 3,9%, xuống 4.207,24 điểm và 9.544,75 điểm.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 1/4, chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 17,7 điểm (2,67%) lên 680,23 điểm; HNX-Index tăng 3,21% lên 95,61 điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục