Thị trường chứng khoán tuần tới: Thanh khoản có thể quyết định xu hướng

19:29' - 11/11/2018
BNEWS Thanh khoản yếu có thể đang tiếp tục là mối lo ngại lớn cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần giao dịch tới.
Thị trường chứng khoán tuần tới: Thanh khoản có thể quyết định xu hướng. Ảnh; Văn Giáp/BNews/TTXVN
Bên cạnh đó, thị trường cũng chưa có thêm những thông tin tích cực đủ mạnh để giúp các chỉ số bật tăng. 

Trong khi những thông tin bất lợi vẫn đang hiện hữu như: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên tỷ lệ lãi suất, song vẫn đánh đi tín hiệu về việc tiếp tục kế hoạch tăng lãi suất, trước đà tăng trưởng vững của kinh tế Mỹ. 

Dự kiến, đợt nâng lãi suất tiếp theo sẽ được tiến hành trong tháng 12. Điều này, có thể khiến nhà đầu tư luôn có những lo ngại thường trực và càng trở nên thận trọng. 

Bên cạnh đó, chỉ số US dollar index (một tiêu chí để đánh giá trị đồng tiền của Mỹ, tính toán so với rổ với sáu loại tiền tệ thanh khoản nhất thế giới, bao gồm đồng euro, đồng yên Nhật, bảng Anh, đô la Canada, krona Thụy Điển và đồng franc Thụy Sĩ) đang có chiều hướng gia tăng, hiện chỉ số này đạt tới 96,9 điểm. 

Theo giới phân tích, việc chỉ số này tăng sẽ gây tác động đến tỷ giá USD/VND cũng tăng theo, khiến khối ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán. 

Thông tin tiêu cực đang tác động đến thị trường nữa là việc hãng định mức tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) hạ triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam. 

Theo đó, Moody's vừa công bố báo cáo “Triển vọng Hệ thống Ngân hàng Việt Nam”. Trong báo cáo, Moody’s thay đổi triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “tích cực” sang “ổn định”. 

Việc điều chỉnh này dựa trên 6 tiêu chí: môi trường hoạt động ổn định; rủi ro tài sản cải thiện, vốn ổn định; tài trợ và thanh khoản ổn định; lợi nhuận và hiệu quả cải thiện; và sự hỗ trợ của chính phủ ổn định. 

Tất cả những thông tin trên khiến nhà đầu tư đang tỏ ra rất thận trọng trong giao dịch. Chính vì vậy, thanh khoản tuần qua tiếp tục giảm mạnh so với tuần trước, chỉ đạt khoảng 3.300 tỷ đồng mỗi phiên trên cả hai sàn. 

Khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE chỉ đạt hơn 127,23 triệu cổ phiếu/phiên giao dịch, giảm 12,01% so với tuần giao dịch trước. Trong khi trên sàn HNX con số này là hơn 31,865 triệu cổ phiếu/phiên giao dịch, giảm 7,76%. 

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 10,57 điểm xuống 914,29 điểm; HNX-Index giảm 2,74 điểm xuống 103,01 điểm. Diễn biến giao dịch cho thấy, hầu hết các nhóm cổ phiếu chính đều đang rất “yếu” và thiếu thông tin hỗ trợ. Cụ thể, nhóm cổ phiếu dầu khí giảm mạnh nhất trong tuần giao dịch qua do thiếu động lực tăng trưởng, cùng với những thông tin bất lợi về giá dầu tác động tiêu cực nên nhóm cổ phiếu này. 

Hầu hết các mã cổ phiếu quan trọng trong nhóm cổ phiếu dầu khí đều giảm rất sâu như: GAS giảm tới 7,5%, PLX (5,2%), BSR (4,9%), PVD (3,7%), PVS (4,8%),... 

Trong phiên giao dịch chiều 9/11, giá dầu trên thị trường châu Á biến động nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp trong bối cảnh nguồn cung gia tăng, cùng với tâm lý lo ngại kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại. 

Tại thị trường Singapore vào lúc 13 giờ 29 phút giờ Việt Nam, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng nhẹ 0,06 USD so với mức giá của cuối phiên trước, lên 65,73 USD/thùng. Trong khi giá dầu Brent giao kỳ hạn (vào tháng 12/2018) tăng 0,19 USD lên 70,84 USD/thùng. 

Tính chung cả tuần, giá dầu WTI và Brent đều ghi dấu tuần giảm thứ năm liên tiếp, với mức giảm lần lượt là hơn 4% và 3% so với tuần trước. Cả hai loại dầu thô này đều đã giảm gần 20% so với mức cao nhất trong 4 năm qua đã đạt được vào đầu tháng 10/2018. 

Nhiều chuyên gia nhận định giá dầu giảm chủ yếu do áp lực từ nguồn cung ứng tăng cao, cho dù các lệnh trừng phạt đợt hai của Mỹ đối với Iran có hiệu lực trong tuần này và cùng với đó là tâm lý lo ngại của thị trường về khả năng kinh tế trên toàn cầu tăng trưởng chậm lại. 

Xu hướng giảm của giá dầu thế giới, cùng với những khó khăn chung của thị trường chứng khoán Việt Nam là những yếu tố khiến cơ hội hồi phục của nhóm cổ phiếu dầu khí trong tuần tới càng trở nên mong manh. 

Nhóm trụ cột của thị trường là ngân hàng cũng giảm mạnh với các mã tiêu biểu như: VCB giảm 3,4%, CTG (3,8%), BID (2,3%), VPB (3,1%), MBB (4,1%), ACB (5,6%), SHB (2,6%),... 

Nhóm cổ phiếu ngân hàng không những giảm giá mạnh mà thanh khoản cũng rất thấp. Nhóm cổ phiếu này tuần tới cũng chưa có thông tin hỗ trợ tích cực nào hỗ trợ, nên một kịch bản nhóm cổ phiếu ngân hàng đảo chiều tăng điểm trở lại trong tuần tới là khó xảy ra. 

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giảm theo thị trường chung với: SSI giảm 3,5%, SHS (3,5%), VND (1,6%), HCM (6,1%), BVS (5,3%),... 

Diễn biến giao dịch của nhóm cổ phiếu chứng khoán cho thấy, không chỉ giảm sâu mà các mã cổ phiếu thuộc nhóm này cũng có mức thanh khoản rất thấp. Chưa có dấu hiệu gì cho thấy, nhóm cổ phiếu chứng khoán sẽ hồi phục mạnh trở lại trong tuần tới. 

Cổ phiếu có công nâng đỡ chỉ số nhiều nhất trong tuần giao dịch qua là VHM. Đây là mã cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 2 trên thị trường chứng khoán nên có tác động rất mạnh nên chỉ số VN – Index. 

Cụ thể, cổ phiếu này đã tăng 5,5%. Tuy nhiên, điều này là chưa đủ để giúp thị trường tránh khỏi giảm sâu, khi mà hầu hết các nhóm cổ phiếu đang diễn biến xấu. 

Một nhóm cổ phiếu tích cực phải kể đến là cổ phiếu ngành thủy sản. Các cổ phiếu VHC tăng 4%, ANV tăng 7,4%, FMC tăng 6,4%. Dù vậy, vốn hóa của những cổ phiếu thuộc ngành thủy sản không lớn nên tác dụng nâng đỡ thị trường cũng không cao. 

Một điểm tích cực nữa của thị trường là việc nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng cổ phiếu trên 2 sàn niêm yết. Cụ thể, khối ngoại mua ròng trên HOSE với hơn 247 tỷ đồng và bán ròng trên HNX hơn 33 tỷ đồng. 

Như vậy, tính chung cho cả 2 sàn, tuần qua khối này đã mua ròng hơn 214 tỷ đồng trên cả hai sàn. Với diễn biến của thị trường hiện tại, cùng các thông tin vĩ mô trong nước và thế giới có thể tác động tới thị trường, nhiều công ty chứng khoán cho rằng rủi ro giảm điểm của thị trường vẫn đang ở mức cao. 

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục giao dịch đồng pha với thị trường chứng khoán thế giới, những thông tin về cuộc gặp Mỹ - Trung sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. 

Nếu không có biến động quá tiêu cực thì xu thế chính của thị trường sẽ vẫn là giằng co, tích lũy hướng tới vùng kháng cự 940 điểm, trong trường hợp ngược lại, vùng 890 điểm sẽ là vùng hỗ trợ tốt cho thị trường. 

Tuy nhiên, sự phân hóa mạnh sẽ tiếp tục diễn ra, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn; trong đó, sắc đỏ có phần chiếm ưu thế, đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao, nhóm phân tích đến từ Agriseco nhận định. 

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo (12-16/11), VN - Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc và có thể sẽ cần một nhịp test lại hỗ trợ 885-900 điểm lần nữa. 

SHS duy trì khuyến nghị nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục canh những nhịp hồi lên vùng kháng cự khoảng 940-950 điểm để bán giảm tỷ trọng cổ phiếu. 

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nếu có tỷ trọng tiền mặt cao cũng chưa nên vội vã giải ngân trong thời điểm này khi mà thị trường vẫn còn có thể giảm tiếp sau khi trendline (Đường xu hướng) tăng trưởng từ năm 2016 đến nay bị vi phạm trong phiên 24/10. 

Nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, thị trường trở nên bi quan với xu hướng điều chỉnh quay trở lại, áp lực bán trên nhóm cổ phiếu lớn. Trong ngắn hạn, rủi ro hệ thống đang tăng./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục