Thị trường chứng khoán Việt Nam: Bài 3: Liệu kịch bản có lặp lại?

13:16' - 20/12/2017
BNEWS Việc chỉ số VN-Index tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục phá vỡ những mốc đỉnh trong 10 năm qua làm nhiều nhà đầu tư nhớ tới phiên giao dịch ngày 12/3/2007, VN-Index xác lập mức kỷ lục 1170,67 điểm.
Nhà đầu tư đang theo dõi cổ phiếu tại sàn giao dịch chứng khoán Vndirect. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Mức kỷ lục 1170,67 điểm – một con số được xem chưa biết đến bao giờ mới có thể lặp lại được. Câu hỏi được đặt ra, liệu có nên lo lắng về một “kịch bản” tương tự nhiều năm trước đây?
* Sự khác biệt
Tại thời điểm 2006-2007, có những cổ phiếu có mức giá mà hiện nay dù có “mơ” cũng không thể có được. Dẫn đầu là FPT, đạt 610.000 đồng, tiếp đến là SJS đạt 390.000 đồng, tiếp nữa là HRC, BMC, REE…

Nhớ lại thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư cũng nhắc lại phiên giao dịch ngày 15/2/2008 chỉ số VN-Index ở mức 816 điểm, mốc đánh dấu giai đoạn suy giảm mạnh, và thị trường chính thức chạm đáy 235 điểm trong phiên 2/1/2009.
Giới phân tích cho rằng, mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam có những điểm khá giống với năm 2006- 2007, nhưng nền tảng của thị trường đã khác rất nhiều khi “độ chín” của nền kinh tế cao hơn thời điểm trước, cùng với sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Chuyên gia kinh tế, TS Bùi Quang Tín, CEO Trường Đại học Doanh nhân Bizlight nhận định, dự kiến trong Quý I/2018, chỉ số VN- Index sẽ vượt ngưỡng 1.000 điểm.
Theo TS Bùi Quang Tín, thị trường chứng khoán thời gian qua và sắp tới có điểm khác so với năm 2006- 2007. Đó là sự tăng trưởng của cổ phiếu nghiêng về ngành hoạt động hiệu quả.
Ví dụ như ngành ngân hàng hiện nay đã khác so với những năm trước. Lợi nhuận ngành ngân hàng đã hồi phục trở lại thì cổ phiếu sẽ lên nhưng cổ phiếu ngành ngân hàng chỉ lên ở những mã tốt như VCB, BID, CTG…., những ngân hàng khác chỉ hưởng sức nóng của các mã khác tràn qua. Vì vậy sự phân hóa trong từng nhóm ngành cổ phiếu sẽ rất cao.
Điều này không giống như năm 2006- 2007, rất nhiều cổ phiếu tăng trần mặc cho bản thân doanh nghiệp đó làm ăn không hiệu quả.
Theo anh Lê Mạnh Đức, một nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán giờ đã "khác xưa" rất nhiều. Những năm 2006-2007, khi thị trường tăng điểm thì cả sàn chỉ một màu tím (tăng trần).
"Ví dụ như có 200 cổ phiếu trên sàn thì có cả 200 cổ phiếu cùng tăng giá và cùng trắng bên bán, tức là tất cả đều là mua với mức giá trần và tăng trần nhiều ngày liên tiếp. Rồi đến những ngày không có lý do gì đột nhiên thị trường lại giảm một cách rất “khủng”, anh Đức cho biết.
Theo anh Lê Mạnh Đức, thời gian vừa qua thị trường tăng điểm một cách rất khác so với trước đây, VN-Index tăng điểm nhờ vào những mã cổ phiếu vốn hóa lớn, những cổ phiếu thực sự có ảnh hưởng đến chỉ số.

Với một thị trường như vậy anh Đức tin rằng thị trường còn tiếp tục tăng.
Đồng quan điểm, nhà đầu tư Nguyễn Văn Hào, tại Hà Nội cho rằng, mặc dù nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá khá nhiều nhưng vẫn rất được nhà đầu tư ngoại săn đón vì câu chuyện thoái vốn nhà nước.
Theo anh Hào, xu hướng dài hạn là cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn tiếp tục tăng, tuy nhiên trước khi tăng có lẽ những mã cổ phiếu này sẽ đi ngang trong một thời gian.

Hiện các mã lớn đã có P/E khá cao vì vậy các mã này được đánh giá là không còn rẻ nữa.
Anh Hào cho rằng, với xu hướng tăng như hiện tại thì cổ phiếu nhỏ cũng sẽ có cơ hội tăng giá.
“Với thị trường hiện tại, tôi vẫn giữ những mã cổ phiếu đã mua, hy vọng sự tích cực đã lan sang những mã cổ phiếu nhỏ hơn”, anh Hào nói.
Còn theo TS Bùi Quang Tín, nền tảng tăng trưởng của Việt Nam giờ đã khác xa so với nền tảng của 2006-2007.
Nhìn lại thời điểm năm 2006-2007, từ góc độ vĩ mô, sự kỳ vọng rất cao vào tăng trưởng của nền kinh tế là nguyên nhân quan trọng nhất cho sự kỳ vọng vào thị trường chứng khoán. Vị thế của Việt Nam cũng tăng lên cao sau những chú ý của cộng đồng đầu tư quốc tế.
Làn sóng nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào thị trường, do những yếu tố tích cực như Việt Nam vừa gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO); tổ chức thành công APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á,Thái Bình Dương) năm 2006.

Hơn nữa trước khi Việt Nam được chấp nhận vào WTO, Việt Nam cũng đã cải tiến hàng loạt các quy định của pháp luật, cơ chế pháp lý thay đổi hoàn thiện hơn.
Có thể thấy những điểm tương đồng của nền tảng cho sự phát triên thị trường chứng khoán hiện nay so với năm 2006- 2007. Đơn cử như Việt Nam cũng đang có những cải tiến pháp luật, hoàn thiện khung pháp lý thị trường chứng khoán.

Việt Nam cũng vừa tổ chức thành công Hội nghị APEC 2017. Như vậy, các điểm giống của giai đoạn hiện nay với giai đoạn 2006- 2007 là nền kinh tế có “thể lực” mạnh lên.
Nhưng điểm khác biệt đặc biệt là thời điểm hiện nay nền kinh tế đất nước có “độ chín” cao hơn thời điểm trước. Vì vậy thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục đi lên thậm chí vượt đỉnh năm 2007, ông Tín nhấn mạnh.
Quay trở lại thời điểm năm 2006-2007 với khí thế như vậy, nhưng năm 2008 thị trường bị khựng lại ở cuộc khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ (2007- 2009). Điều này làm cho các thị trường chứng khoán trên thế giới sụt giảm; trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.
Khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ lại là nguồn gốc trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2007-2008), các nước lúc này lo rút các nguồn tiền từ đầu tư tại nước ngoài về để đầu tư trong nước, giúp chấn hưng nền kinh tế của các quốc gia đó.

Việt Nam lúc đó cũng không nằm trong ngoại lệ bị rút vốn.
“Điều này là hoàn toàn khác với hiện nay, khi dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn “đổ” vào thị trường Việt Nam và sắp tới xu thế này sẽ tiếp tục, khác hẳn năm 2006- 2007, thị trường bùng lên rồi chợt tắt”, ông Tín nói.
Ông Tín cho rằng, điểm khác biệt rất lớn cần nhấn mạnh là nếu như năm 2007- 2008, diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thì hiện nay nền kinh tế châu Âu, châu Mỹ, châu Á đã có sự tăng trưởng rất mạnh và có chiều sâu tốt hơn thời điểm đó rất nhiều.
* Nhiều dấu hiện khả quan
Theo ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Công ty Chứng khoán Công Thương - VietinBankSc), ở thời điểm hiện tại bức tranh về kinh tế vĩ mô đang có sự đối lập so với năm 2008, Việt Nam đang có nhiều hy vọng cho tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) năm nay sẽ về đích 6,7% đúng kế hoạch, chỉ số giá tiêu dùng giữ ở mức khả quan (dưới 4%).
Bên cạnh đó dự trữ ngoại hối, vốn FDI và FII (nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán) cũng đang đạt kỷ lục, vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang được Chính phủ đẩy mạnh và ngày càng minh bạch hóa thông tin.
Sự thành công ở Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (mã chứng khoán: VNM) là minh chứng cho thấy dòng tiền nước ngoài đang xác định đi cùng thị trường dài hạn, cùng với quá trình thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC), quy mô thanh khoản hứa hẹn còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Với những yếu tố nói trên, có thể hy vọng thị trường sẽ tăng trưởng bền vững trong thời gian tới thay vì lo lắng về một kịch bản tương tự khi chứng kiến diễn biến của chỉ số VN-Index gần đây.
Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) Lê Đức Khánh cho rằng, nhà đầu tư có thể đang lo sợ đến trạng thái "bong bóng" của thị trường.

Nhưng còn quá sớm để nghĩ đến đều đó. VN-Index đang lên các điểm cao mới và điều chỉnh ở các vùng điểm như 980, 1080, 1180 và 1200. Tuy nhiên, thị trường sẽ điều chỉnh nhưng là để lên tiếp các mốc mới.
Theo ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia cao cấp, chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán MB- MBS, Nhìn về dài hạn thì trung bình một năm thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng tương đương GDP danh nghĩa, nghĩa là khoảng 12% năm.

Do đó, những ngưỡng điểm kỷ lục trong quá khứ trước sau cũng sẽ bị vượt qua. Mức điểm kỷ lục 1170 điểm đã diễn ra cách đây 10 năm. Thị trường chứng khoán Mỹ đã vượt đỉnh năm 2007 từ đầu năm 2013 nghĩa là cách đây gần 5 năm và hiện đã cao hơn 70% so với mức điểm của năm 2007.
Ông Đức nhận định, Việt Nam đang ở một thời điểm vàng để tăng trưởng với cơ cấu dân số vàng, tăng trưởng cao, lạm phát thấp và sẽ không ngạc nhiên nếu thị trường tăng giá sẽ còn tiếp tục trong 3 năm nữa đến khi có một sự điều chỉnh mang tính chu kỳ.
Đối với năm 2018, tôi cho rằng bức tranh vĩ mô và lợi nhuận tốt sẽ được cân đối với một mức định giá đã ở mức khá cao so với các chỉ số định giá trong quá khứ của Việt Nam.

Chúng ta đang ở một thời điểm vàng để tăng trưởng với cơ cấu dân số vàng, tăng trưởng cao, lạm phát thấp và sẽ không ngạc nhiên nếu thị trường tăng giá sẽ còn tiếp tục trong 3 năm nữa đến khi có một sự điều chỉnh mang tính chu kỳ.
Tuy nhiên với định giá duy trì ở một mặt bằng rất cao (P/E 19x) thì ngay cả khi lợi nhuận doanh nghiệp tăng tốt (15% đến 18%/năm) thì thị trường cũng cũng không thể tăng mạnh quá mức tăng trưởng lợi nhuận trên.
“Thị trường sẽ tăng trưởng theo hình răng cưa và tôi tin tưởng thị trường sẽ chinh phục mốc tối thiểu 1050 điểm trong năm 2018”, ông Đức nói.
Ông Đức cũng cho rằng, mức định giá hiện nay tuy đã rất cao nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với thời kỳ năm 2007.
Hơn nữa, số lượng cổ phiếu niêm yết đã lớn hơn rất nhiều và do đó nguy cơ “bong bóng” do khan hiếm cổ phiếu như năm 2007 sẽ không diễn ra.
Thị trường tài chính cũng đã phát triển vượt bậc với độ sâu tốt và với các sản phẩm cho phép nhà đầu tư có thể bán xuống như Hợp đồng tương lai, hay sản phẩm sắp tới là Chứng quyền có bảo đảm.

Tất cả những yếu tố đó cho thấy thị trường hiện tại đã bền vững và khác với bối cảnh thị trường những năm 2007, ông Đức cho biết./.
Bài 4: Ẩn chứa thách thức

Xem thêm:

>>>Thị trường chứng khoán Việt Nam: Bài 1: Xu hướng đi lên chưa kết thúc

>>>Thị trường chứng khoán Việt Nam: Bài 2: Ngưỡng thử thách

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục