Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2016 dễ bị tổn thương

06:30' - 11/01/2016
BNEWS Bộ Tài chính đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2016 dễ bị tổn thương bởi tác động của kinh tế-tài chính thế giới.
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2016 dễ bị tổn thương do tác động bên ngoài. Ảnh: TTXVN

Thị trường chứng khoán năm 2015 tương đối ổn định và có phát triển, được coi là điểm sáng trong khu vực về thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp khi tăng 6,1%, trong khi Mỹ giảm 2,23%; Anh giảm 2,3%; Australia giảm 2,1%; Ấn Độ, Malaysia giảm 5%; Indo, Thái Lan giảm gần 15%...

Quy mô thị trường vốn hóa năm qua chiếm 34,5% GDP, tăng 17% so với 2014. Nếu tính cả thị trường trái phiếu thì quy mô lên tới 57% GDP. Huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 299 nghìn tỷ đồng, chiếm 98% vốn đầu tư toàn xã hội.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết năm 2016, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai một số giải pháp phát triển thị trường chứng khoán một cách bền vững và ổn định hơn.

Thứ nhất, triển khai các giải pháp thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài thông qua thực hiện tốt Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ trong đó có quy định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài; chuẩn bị các điều kiện nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam từ mức cận biên lên mức mới nổi.

Bên cạnh đó là giảm thủ tục và triển khi đăng ký mã số trực tuyến đối với nhà đầu tư nước ngoàil triển khai các chính sách liên quan đến các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện để thu hút các dòng vốn đầu tư, có tổ chức quốc tế để hỗ trợ cho thị trường chứng khoán và kênh dẫn vốn cho ngân hàng; tăng cường trao đổi xúc tiến đầu tư nước ngoài.

Thứ hai là kiên trì các giải pháp tái cơ cấu thị trường chứng khoán Việt Nam theo Đề án đã ký nhằm nâng cao tính minh bạch tính bền vững và chất lượng hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán

Thứ ba là chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tranh thủ cơ hội và hạn chế tiêu cực sau khi gia nhập hiệp định thơpng mại và đầu tư.

Cuối cùng là tăng cường thanh kiểm tra để đảm bảo tính minh bạch của thị trường chứng khoán.

Về vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước năm qua đã thành công nhưng chưa tạo được lượng hàng lớn cho thị trường chứng khoán. Bộ trưởng cho biết năm qua đã hoàn thành 96% kế hoạch giai đoạn năm 2011- 2015, trong đó có những doanh nghiệp, khi bán cổ phần cổ phiếu, tỷ lệ bán rất thấp so với phương án được duyệt.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá về thị trường chứng khoán. Ảnh: TTXVN

“Đây là cái mà chúng tôi đánh giá là chưa thực sự thay đổi về chất của doanh nghiệp sau khi chuyển đổi sở hữu”, Bộ trưởng nói.

Để thu hút nguồn vốn ngoại cho thị trường chứng khoán, Bộ trưởng cho biết đã có nền tảng pháp lý rất quan trọng là Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Chứng khoán trong đó có quy định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, tăng đầu tư nước ngoài.

Việt Nam là thị trường mới nổi, lại triển khai đồng bộ thực hiện các cam kết quốc tế là cơ hội tốt để các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Mỹ đầu tư vào Việt Nam.

Ngoài việc củng cố các cơ sở pháp lý trong nước thì rõ ràng việc quảng bá hình ảnh của Việt Nam, năng lực của các doanh nghiệp, các cơ sở đã cổ phần hóa ra nước ngoài là hết sức quan trọng.

Năm qua, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại New York với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, nhiều quỹ, nhiều tỷ phú. Và một trong những đề xuất của họ là chúng ta phải thường xuyên tổ chức các cuộc như thế để cập nhật thông tin, đối thoại chính sách...

Tới đây chúng ta phải thường xuyên tổ chức những hội nghị như thế để giới thiệu quảng bá, để họ sẽ tin tưởng đầu tư”, Bộ trưởng chia sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục