Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua: Tăng vượt kỳ vọng

14:43' - 24/02/2019
BNEWS Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua tăng trưởng vượt kỳ vọng của nhà đầu tư và giới chuyên gia.

Chỉ số VN-Index đã tăng trọn vẹn cả tuần qua để nối dài tới 9 phiên tăng điểm trong 2 tuần giao dịch đầu năm Kỷ Hợi.

Chỉ số VN-Index đã tăng trọn vẹn cả tuần qua. Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể, kết tuần giao dịch từ 18 – 22/2, VN-Index tăng 38,02 điểm lên 988,91 điểm; HNX-Index tăng 0,706 điểm lên 106,82 điểm. Thanh khoản trong tuần tăng nhẹ và trên mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 4.800 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.

Xét đến diễn biến nội tại của thị trường, rõ ràng tuần qua “sân khấu” thuộc về nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tiêu biểu nhất là những mã thuộc ngành bất động sản có mức tăng trưởng ấn tượng như: VIC tăng 4,5%, VHM tăng 14,7%, VRE tăng 13,1%. Tiếp đến là nhóm cổ phiếu thực phẩm đồ uống với MSN tăng 4,4%, VNM (6,2%), SAB (3,6%)...

Tuy nhiên, đến phiên cuối tuần, giao dịch của các mã cổ phiếu vốn hóa lớn kể trên cho thấy các mã này đang rơi vào giai đoạn điều chỉnh, khiến đà tăng của chỉ số yếu đi nhanh chóng. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến thị trường chung gặp nhịp điều chỉnh trong tuần tới.

Tuần qua, thị trường tăng mạnh mẽ là nhờ công lớn của nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng. Theo đó, các mã cổ phiếu quan trọng nhất trong nhóm cổ phiếu này đều ở chiều tăng giá như: VCB tăng 4,6%, CTG (1,4%), BID (2,6%), TCB (1,7%), VPB (0,5%), ACB (1%)...

Diễn biến giao dịch của nhóm ngân hàng khá ảm đạm trong các phiên đầu tuần nhưng lại sôi động trong các phiên cuối tuần. Nhìn nhận chung về nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tuần tới, giới chuyên gia cho rằng, hầu hết các mã cổ phiếu thuộc nhóm này có thể rơi vào nhịp tích lũy, trước khi tăng trở lại.

Một nhóm cổ phiếu quan trọng khác đã giúp thị trường tăng mạnh trong tuần qua cần nhắc tới là nhóm cổ phiếu dầu khí với GAS tăng 5,7%, PLX tăng 3,2%, PVD tăng 3,6%, PVB tăng 2,6%, PVS tăng 4,6%,...

Diễn biến giao dịch của nhóm cổ phiếu dầu khí cho thấy, sự tăng trưởng của nhóm này là khá vững với nền tảng thanh khoản được cải thiện.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí còn được hưởng lợi từ sự đi lên của giá dầu thế giới. Cụ thể, tính chung cả tuần qua, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng gần 3%, còn giá dầu Brent tăng 1,3%, ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp.

Có thể nhận thấy, tuần tới chưa xuất hiện thông tin xấu tác động đến thị trường, hầu hết vẫn là những tin tức tích cực có tác dụng nâng đỡ thị trường. Vì vậy nếu thị trường có điều chỉnh thì đây có lẽ chỉ là nhịp điều chỉnh kỹ thuật sau 9 phiên tăng điểm liên tục chỉ trong 2 tuần.

Rõ ràng, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 tuần đầu năm Kỷ Hợi được hỗ trợ tích cực từ các yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới.

Trên thị trường chứng khoán thế giới, Phố Wall ghi nhận tuần giao dịch đi lên, với Dow Jones và Nasdaq cùng đánh dấu tuần tăng điểm thứ chín liên tiếp.

Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 0,6%, ghi dấu tuần tăng điểm thứ chín liên tiếp và là chuỗi tuần đi lên dài nhất kể từ tháng 5/1995. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 cũng tăng 0,6% cả tuần qua, đồng thời là tuần tăng điểm thứ tư liên tiếp. Trong khi Nasdaq Composite cũng đánh dấu tuần tăng điểm thứ chín liên tiếp và là chuỗi tuần tăng dài nhất kể từ tháng 5/2009, với mức tăng cả tuần là 0,7%.

Sự ổn định và đi lên của thị trường chứng khoán Mỹ đã tạo sức lan tỏa tích cực đến các thị trường chứng khoán trên toàn cầu; trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.

Giới phân tích cho rằng, chứng khoán Mỹ tăng trưởng nhờ sự lạc quan của nhà đầu tư về các vòng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như chính sách lãi suất mềm dẻo hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Mặc dù cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung khép lại cuối tuần trước tại Bắc Kinh và không có tuyên bố nào được đưa ra nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn cho rằng, vòng đàm phán đã đạt tiến triển, và Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các tranh chấp thương mại với Mỹ thông qua hợp tác.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho rằng, các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc "rất phức tạp" song đang "tiến triển tốt", đồng thời tiếp tục ngỏ ý có thể gia hạn thời hạn chót tăng thuế đối với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hiện vòng đàm phán thương mại lần thứ 7 giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã được quyết định kéo dài tới ngày 24/2 để giới chức hai nước có thể đạt được một thỏa thuận trước thời hạn chót vào tuần tới. Trong sự kiện trên, Tổng thống Trump cũng đã đề cập tới khả năng lùi lại thời hạn chót cho việc nâng mức thuế đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD từ ngày 2/3 tới.

Bên cạnh đó, biên bản cuộc họp của Fed, được công bố ngày 20/2, càng củng cố quyết định ngày 30/1 của cơ quan này về việc giữ lãi suất ổn định, qua đó hỗ trợ thị trường cổ phiếu tiếp tục đi lên.

Một yếu tố tích cực nữa giúp thị trường chứng khoán trong nước tăng mạnh mẽ là việc khối ngoại mua ròng mạnh trên toàn thị trường.

Trên toàn thị trường, khối ngoại mua vào 120 triệu cổ phiếu, trị giá 4.809 tỷ đồng, trong khi bán ra 122,5 triệu cổ phiếu, trị giá 4.569,8 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt 2,4 triệu cổ phiếu, nhưng tính về giá trị, khối ngoại vẫn mua ròng 239,4 tỷ đồng.

Với tình hình hiện tại, nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, trong tuần tới, VN-Index sẽ tiếp tục có biến động theo hướng tích cực với vùng kháng cự nằm tại 990 - 1.000 điểm.

Diễn biến thị trường nhiều khả năng sẽ vẫn chịu sự chi phối bởi biến động của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn, kèm theo đó là sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Các nhóm cổ phiếu được sự hỗ trợ của dòng tiền ngoại sẽ tiếp tục tạo được sức hút với thị trường.

Bên cạnh đó, dòng tiền dự kiến sẽ vẫn tìm đến các cổ phiếu chưa tăng nhiều hoặc đang điều chỉnh tích lũy thuộc các nhóm ngành như dầu khí, ngân hàng, vật liệu xây dựng, bất động sản… để tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy, xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn được đánh giá tích cực.

Tuy nhiên, nhóm phân tích đến từ BVSC không khuyến nghị nhà đầu tư mở thêm các vị thế mua mới từ vùng trên 991 điểm, bởi rủi ro điều chỉnh giảm của thị trường kể từ vùng kháng cự trên đang có dấu hiệu gia tăng.

Mặt khác, nhà đầu tư có thể canh các nhịp tăng điểm của thị trường trong những tuần tới để bán giảm tỷ trọng đối với các tài khoản đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao. Theo đó, tỷ trọng tổng danh mục nên được khống chế tối đa ở mức 45 - 55% cổ phiếu ở thời điểm hiện tại.

Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, dòng tiền trong tuần qua không có sự lan tỏa tốt mà chủ yếu chỉ tập trung vào một số cổ phiếu trụ cột.

Diễn biến này khiến cho đà tăng trở nên rủi ro hơn và có lẽ sẽ cần một sự điều chỉnh sắp tới nhằm hạ nhiệt thị trường. Sự thận trọng trong tâm lý nhà đầu tư còn được thể hiện qua việc các hợp đồng tương lai VN30 đều đang thấp hơn VN30 từ 10-14 điểm.

Trên góc độ kỹ thuật, kháng cự gần nhất của VN-Index hiện tại 990 điểm (cạnh trên của gap down - Khoảng trống giảm giá tháng 10/2018) và tiếp theo là ngưỡng 1.005 điểm (trendline – Đường xu hướng kẻ 2 đỉnh tháng 7 và tháng 10/2018).

SHS nhận định, dư địa tăng của thị trường hiện không còn nhiều nên hoạt động mua đuổi nên được tiết chế. Dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (25/2 - 1/3), VN-Index có thể sẽ xảy ra nhịp điều chỉnh ngắn hạn nếu như chỉ số không thể vượt nổi ngưỡng kháng cự 990 điểm tương ứng với cạnh trên của gap down trong tháng 10/2018.

Dưới góc nhìn của Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt, thị trường vẫn chưa điều chỉnh dù xu hướng tăng kéo dài nhiều phiên. Tuy nhiên, đây không phải là tín hiệu đáng lo ngại khi vẫn còn lực mua hỗ trợ cổ phiếu vốn hóa lớn ở mức giá cao.

“Nhà đầu tư vẫn có thể quan sát và chọn các cổ phiếu đầu ngành để giải ngân trong thời gian tới”, VDSC khuyến nghị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục