Thị trường dầu mỏ ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc

14:21' - 06/03/2021
BNEWS Dù xu hướng đi xuống thống trị thị trường năng lượng từ đầu tuần này, song đà phục hồi ấn tượng vào cuối tuần đã giúp dầu thế giới ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc.

Dù xu hướng đi xuống thống trị thị trường năng lượng từ đầu tuần này, song đà phục hồi ấn tượng vào cuối tuần đã giúp dầu thế giới ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc, sau khi cuộc họp của của Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh khép lại.

Thị trường dầu mỏ khởi động tuần giao dịch đầu tiên của tháng 3/2021 không mấy suôn sẻ khi chứng kiến hai phiên giảm điểm liên tiếp (1-2/3), do lo ngại tiêu thụ dầu thô tại Trung Quốc đang chậm lại và OPEC có thể tăng nguồn cung "vàng đen" trên toàn cầu sau cuộc họp diễn ra trong tuần.

Tuy nhiên, lượng nhiên liệu dự trữ của Mỹ sụt giảm mạnh trong tuần trước và quyết sách mới nhất của OPEC đã giúp thị trường xoay chiều.

Cụ thể, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong tuần kết thúc ngày 26/2, lượng xăng dự trữ của Mỹ đã chứng kiến mức giảm mạnh nhất từng được ghi nhận và sản lượng lọc dầu cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục sau khi đợt lạnh khắc nghiệt ở bang Texas đã làm tê liệt hoạt động sản xuất.

Cũng theo EIA, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ tăng 21,6 triệu thùng, mức tăng mạnh nhất từng được ghi nhận, lên 484,6 triệu thùng.

Công suất lọc dầu được sử dụng đã giảm xuống chỉ còn 56% tổng năng lực sản xuất, mức thấp nhất từng ghi nhận, khi công suất lọc dầu được sử dụng ở  khu vực tại Vùng Vịnh của Mỹ giảm chỉ còn 40,9%, mức thấp nhất từ trước đến nay.

Yếu tố chính tạo lực đẩy cho giá dầu trong phiên 4/3 là việc OPEC cũng các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ đã đồng ý giữ nguyên sản lượng vào tháng 4/2021, viện dẫn lý do rằng nhu cầu phục hồi từ cú sốc đại dịch COVID-19 vẫn còn mong manh.

Điều này trái ngược với dự đoán của nhiều nhà phân tích rằng OPEC+ sẽ tăng sản lượng khoảng 500.000 thùng/ngày.

Nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia cũng cho biết họ sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày. Sau đó, nước này trong những tháng tới sẽ quyết định khi nào sẽ loại bỏ dần kế hoạch trên.

Dư âm của kết quả cuộc họp trên kéo dài sang phiên giao dịch cuối tuần 5/3, kết hợp với báo cáo việc làm tốt ngoài mong đợi của Mỹ, đã giúp thị trường dầu mỏ khép lại tuần giao dịch tích cực.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, tại thị trường New york, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) tăng khoảng 2,26 USD (3,5%), lên 66,09 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tiến 2,62 USD (3,9%), lên 69,36 USD/thùng.

Trong tuần qua, giá dầu Brent đã tăng 5,2%, đánh dấu 7 tuần đi lên liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 12/2020. Trong khi đó, giá dầu WTI tăng 7,4% sau khi tăng gần 4% trong tuần trước.

Theo báo cáo ngày 5/3 của Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế nước này tạo thêm 379.000 việc làm trong tháng 2/2021 và tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ xuống 6,2%, một kết quả tốt hơn dự kiến.

Tốc độ tuyển dụng mạnh nhất là trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn vốn chịu tác động lớn do những hạn chế kinh doanh do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, với 355.000 việc làm mới được tạo ra, dù Chính phủ Mỹ cảnh báo đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường việc làm.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng, đồng USD tăng, đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/20202, đang hạn chế đà tăng của giá dầu thô. Đồng USD mạnh hơn khiến giá dầu trở nên đắt hơn đối với những người mua bằng ngoại tệ khác.

Sau kết quả cuộc họp mới nhất của OPEC+, Goldman Sachs đã tăng dự báo giá dầu thô Brent thêm 5 USD lên 75 USD/thùng trong quý II/2021 và 80 USD/thùng trong quý III/2021.

UBS cũng đã nâng dự báo giá dầu Brent lên 75 USD/thùng và dầu WTI lên 72 USD trong nửa cuối năm 2021.

Báo cáo từ Goldman Sachs cho biết, từ nay đến cuối tháng 7/2021, mức tiêu thụ dầu của thế giới sẽ quay trở lại ngưỡng trước khi đại dịch xuất hiện.

Trong khi đó, sản lượng khai thác của các nước sản xuất dầu lớn có khả năng sẽ tiếp tục "kém linh hoạt hơn nhiều" so với tốc độ tăng của giá dầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục