Thị trường dầu rơi vào thế khó đoán định

18:15' - 08/09/2023
BNEWS Thị trường dầu trong năm nay đang chịu tác động giằng co giữa một loạt các yếu tố tích cực và tiêu cực.

Thị trường dầu trong năm nay đang chịu tác động giằng co giữa một loạt các yếu tố tích cực và tiêu cực, khi những nỗ lực thắt chặt thị trường của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác (OPEC+) gặp phải những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Về mặt tích cực, thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ đang thắt chặt thị trường dầu. Theo ước tính, lượng dầu thô xuất khẩu của Saudi Arabia trong tháng Tám đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021, khi nước này tiếp tục giảm sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng/ngày để đẩy giá lên.

Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh thị trường thắt chặt như vậy, việc Saudi Arabia và Nga quyết định gia hạn các kế hoạch hạn chế nguồn cung đến hết năm nay có thể sẽ làm gia tăng sự thiếu hụt của thị trường “vàng đen” trong quý IV, từ đó hỗ trợ giá dầu.

Tuy nhiên, ông Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa của ngân hàng Saxo Bank, cho rằng lực đẩy nói trên có giúp giá vàng ổn định hay tăng lên hay không còn phụ thuộc vào các số liệu kinh tế vĩ mô sắp tới, cũng như triển vọng nhu cầu.

 

Tương tự, các chuyên gia của ING Warren Patterson và Ewa Manthey nhận định động thái nói trên của Saudi Arabia và Nga sẽ khiến thị trường dầu thiếu hụt nhiều hơn dự đoán trong quý IV. Nhưng ngân hàng này không nâng dự báo giá dầu vì vẫn còn những lo ngại về nhu cầu và nguồn cung từ Iran đang gia tăng. ING dự đoán thị trường dầu sẽ dư cung nhẹ trong quý I/2024, từ đó hạn chế giá dầu tăng cao. Cũng theo dự báo của ngân hàng này, giá dầu Brent trung bình sẽ ở mức 92 USD/thùng trong quý IV năm nay.

Bên cạnh các yếu tố tích cực, giá dầu cũng đang đối mặt với những “cơn gió ngược” về kinh tế vĩ mô và những lo ngại về nhu cầu, nhất là ở Trung Quốc, khi số liệu cho thấy đà phục hồi hậu đại dịch của nước này yếu hơn dự đoán.

Bên cạnh đó, tác động từ tình hình lãi suất gia tăng ở Mỹ cũng đang cộng hưởng với những lo ngại về việc liệu kinh tế Mỹ có thể “hạ cánh mềm” sau hơn một năm rưỡi tăng lãi suất hay không.

Số liệu gần đây cho thấy thị trường lao động Mỹ đang hạ nhiệt, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể dừng tăng lãi suất tại cuộc họp tháng này. Nhưng nếu sự gia tăng của giá dầu thổi bùng lạm phát trở lại, Fed có thể sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất lâu hơn, từ đó đè nặng lên tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu.

Ông Hansen cho biết nhu cầu dầu thô của Trung Quốc hiện đang mạnh do nhu cầu của các công ty lọc dầu tăng. Các công ty này đã tăng cường xuất khẩu nhiên liệu trong bối cảnh nhu cầu trong nước suy yếu. Saxo Bank không cho rằng giá dầu sẽ tăng lên mức 100 USD/thùng, nhưng không loại trừ khả năng giá dầu Brent có thể ở trên mức 90 USD/thùng trong một thời gian ngắn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục