Thị trường hàng hóa châu Á: Giá vàng có thể giảm xuống dưới mức 2.300 USD/ounce

16:08' - 25/06/2024
BNEWS Nhà phân tích Wong cho hay nếu PCE tăng, điều đó không phải tin tốt cho vàng và có thể khiến giá kim loại quý này giảm xuống dưới mức 2.300 USD/ounce.
*Giá vàng châu Á giảm trong khi chờ đợi số liệu lạm phát của Mỹ

Giá vàng châu Á đi xuống trong phiên ngày 25/6 trong khi các nhà đầu tư chờ đợi số liệu lạm phát quan trọng của Mỹ, dự kiến công bố vào cuối tuần này. Số liệu này có thể cung cấp manh mối về lập trường lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Khoảng 13 giờ 32 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 2.324,69 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,3% xuống 2.336,80 USD/ounce.

Nhà phân tích thị trường cấp cao Kelvin Wong phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại công ty dịch vụ tài chính OANDA nhận xét các yếu tố mang tính kỹ thuật trong ngắn hạn không mấy tích cực cho vàng. Sau đợt bán tháo hôm 21/6, các nhà giao dịch ngắn hạn coi đây là tín hiệu giá bắt đầu giảm.

Giá vàng đã giảm hơn 1% trong phiên ngày 21/6 sau khi đồng USD tăng mạnh do hoạt động kinh doanh của Mỹ tăng lên mức cao nhất 26 tháng trong tháng 6/2024, giữa lúc việc làm phục hồi.

 

Ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I/2024 của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 27/6 và báo cáo về chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) vào ngày 28/6.

Nhà phân tích Wong cho hay nếu PCE tăng, điều đó không phải tin tốt cho vàng và có thể khiến giá kim loại quý này giảm xuống dưới mức 2.300 USD/ounce.

Lãi suất thấp làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly ngày 24/6 cho rằng Fed sẽ không cắt giảm lãi suất trước khi các nhà hoạch định chính sách tin rằng lạm phát hướng đến mức mục tiêu 2%, đồng thời lưu ý rằng thất nghiệp gia tăng đang trở thành một rủi ro.

Trong tuần này, các quan chức Fed khác gồm Thống đốc Fed Lisa Cook và Michelle Bowman cùng với Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond Tom Barkin sẽ có bài phát biểu về vấn đề lãi suất.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,5% xuống 29,50 USD/ounce. Còn giá bạch kim tăng 0,6% lên 1.000,28 USD/ounce. Giá Palladium đi ngang ở mức 979,30 USD/ounce.

Tại thị trường Việt Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn cũng niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

*Giá dầu châu Á giảm nhẹ phiên ngày 25/6

Giá dầu châu Á đã giảm nhẹ trong phiên chiều ngày 25/6 sau khi tăng trong phiên trước đó do dự báo nhu cầu nhiên liệu tăng vào mùa Hè này. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước lúc công bố số liệu giá tiêu dùng của Mỹ.

Khoảng 13 giờ 40 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 8/2024 giảm 5 xu xuống 85,96 USD/thùng, sau khi tăng 0,9% trong phiên 24/6. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 3 xu xuống 81,60 USD/thùng sau khi tăng 1,1% trong phiên trước đó.

Giá hai loại dầu chủ chốt này đã tăng 3% trong tuần trước, đánh dấu tuần tăng giá thứ hai liên tiếp.

Nhu cầu xăng dầu đang tăng, còn dự trữ dầu và nhiên liệu đã giảm trong bối cảnh Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, bước vào giai đoạn tiêu thụ cao điểm mùa Hè.

Theo một cuộc thăm dò sơ bộ của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) ngày 24/6, lượng dự trữ dầu thô của Mỹ dự kiến giảm 3 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 21/6. Dự trữ xăng dầu cũng được dự báo sẽ giảm, trong khi dự trữ nhiên liệu chưng cất có khả năng tăng.

Nhà phân tích thị trường độc lập Tina Teng cho biết triển vọng nhu cầu lạc quan và dự trữ dầu thô của Mỹ giảm đã thúc đẩy giá dầu tăng vọt. Bên cạnh đó, việc Bắc bán cầu bước vào mùa Hè nóng bức và mùa bão sắp tới, nhu cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn thận trọng về khả năng giá dầu tăng thêm do lo ngại lãi suất cao sẽ làm hạn chế đà tăng trưởng kinh tế, qua đó làm hạn chế nhu cầu nhiên liệu.

Thị trường hiện đang chờ đợi số liệu về chỉ số PCE, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, dự kiến công bố ngày 28/6 để tìm kiếm thêm manh mối về triển vọng lãi suất. Việt hoãn cắt giảm lãi suất sẽ khiến chi phí vay mượn duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.

*Thị trường chứng khoán châu Á phục hồi

Phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á tăng cao trong phiên ngày 25/6 sau đợt sụt giảm gần đây trong bối cảnh các nhà đầu tư phớt lờ một ngày khó khăn đối với những “gã khổng lổ” công nghệ trên Phố Wall, điều đã làm dấy lên lo ngại về việc điều chỉnh thị trường sau chuỗi ngày đạt mức cao kỷ lục.

Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 1% lên 39.173,15 điểm. Còn tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,1% xuống 18.005,06 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,4% xuống 2.950 điểm.

Chứng khoán Sydney, Seoul, Singapore, Mumbai, Bangkok, Wellington và Manila đều trong vùng xanh.

Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi sát sao tình hình tại Nhật Bản sau khi những quan chức tiền tệ hàng đầu của nước này cảnh báo các nhà chức trách sẵn sàng can thiệp để hỗ trợ đồng yen trong bối cảnh đồng nội tệ này đang ở mức thấp nhất trong 30 năm so với đồng USD.

Bên cạnh đó, các dữ liệu của Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn duy trì sức khỏe và thị trường việc làm vẫn thắt chặt, các nhà đầu tư không chắc chắn về kế hoạch lãi suất của Fed, hay thậm chí là có hay không việc cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Sự chú ý của thị trường hiện nay là số liệu PCE của Mỹ, trong đó các nhà giao dịch hy vọng về một sự sụt giảm để tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách bắt đầu nới lỏng chính sách.

Đồng yen đã tiến lên mức gần 160 yen/USD phiên 24/6 do kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Mỹ trong thời gian tới giảm bớt và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) thắt chặt tiền tệ chậm.

Một số nhà quan sát cảnh báo đồng yen có thể giảm xuống 170 yen/USD vì họ cho rằng tác động của bất kỳ sự can thiệp nào thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 2,44 điểm (0,19%) lên 1.256,56 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,45 điểm (0,19%) lên 240,19 điểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục