Thị trường lao động việc làm tại TP Hồ Chí Minh sôi động trở lại

09:21' - 27/02/2022
BNEWS Việc kiểm soát tốt dịch bệnh của Tp. Hồ Chí Minh đã và đang giúp các doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh; tác động tích cực đến thị trường lao động, việc làm.

Dịch COVID-19 làm ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống và sự phát triển kinh tế xã hội nhưng đồng thời cũng là động lực thúc đẩy mọi thành phần, trong đó có người lao động và doanh nghiệp năng động, tích cực hơn trong lao động sản xuất sau khi Thành phố Hồ Chí Minh kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện hai bài viết về thị thường lao động việc làm ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay và những tín hiệu, xu hướng mới phù hợp với điều kiện, yêu cầu của sự phát triển của Thành phố.

Bài 1: Nhộn nhịp thị trường lao động việc làm

Việc kiểm soát tốt dịch bệnh của Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang giúp các doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời tác động tích cực đến thị trường lao động, việc làm tại thành phố. Đặc biệt, ngay sau Tết Nguyên đán, người lao động và doanh nghiệp đã nhanh chóng cùng bắt tay ngay vào việc với kỳ vọng vào năm 2022 có sự phát triển mạnh mẽ, ổn định hơn.

Những tín hiệu tích cực

Ghi nhận tại các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố những ngày gần đây, khí thế thi đua lao động sản xuất đã sớm trở lại và nhộn nhịp hơn hẳn mọi năm để kịp hoàn tất các đơn hàng ngay trong đợt đầu tiên của năm mới.

Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn cao su Minh Đức, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty cho biết, các xưởng máy chính thức khởi động trở lại từ Mùng 8 Tết (tức 8/2). Ngay sau buổi gặp gỡ, chúc Tết, tặng quà đầu năm mới, công nhân lao động đã bắt tay ngay vào việc của mình.

Ông Nguyễn Quốc Anh cho biết thêm, do đơn hàng dồn dập sau Tết, Công ty đã quyết định tăng 5% lương, tăng các chế độ bồi dưỡng độc hại, tiền cơm trưa cho công nhân lao động. Công ty cũng đã ký kết với các đối tác và có đơn hàng cho đến hết tháng 6 tới.

Tại Công ty Cổ phần nhựa Đại Đồng Tiến, công nhân lao động đã trở lại các nhà xưởng đạt gần 100% ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau Tết. Khí thế thi đua lao động sôi nổi lan tỏa khắp nhà máy, xưởng sản xuất bởi sức lao động ở mỗi người công nhân lao động được tái tạo sau kỳ nghỉ dài cùng những phần quà động viên nhân dịp đầu năm mới.

Ông Trịnh Chí Cường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nhựa Đại Đồng Tiến cho biết, năm nay, công nhân lao động trở lại đông đủ và sớm hơn so với mọi năm. Đơn hàng dồi dào, ổn định, đảm bảo cho công nhân yên tâm lao động sản xuất liên tục và xuyên suốt. Hàng hóa đã chốt, dịch bệnh được kiểm soát và công nhân lao động đã bắt tay vào việc từ những ngày đầu năm tin tưởng một năm đầy hứa hẹn.

Để có mặt đúng ngày giờ, sớm bắt tay ngay vào công việc anh Nguyễn Hoàng Nghĩa cùng nhiều đồng nghiệp là công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn cao su Minh Đức đã từ Cần Thơ trở lại Thành phố Hồ Chí Minh khi còn trong thời gian nghỉ Tết. Anh cho biết, sau thời gian ngừng việc dài vì dịch bệnh, anh chỉ muốn được đi làm. Hy vọng dịch bệnh sẽ tiếp tục được kiểm soát, doanh nghiệp sớm hồi phục, khởi sắc hơn để đời sống công nhân ổn định hơn.

Chị Phạm Ngọc Thu, công nhân Công ty cao su Minh Đức chia sẻ, công ty luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất về phúc lợi, an sinh xã hội cho người lao động, nhất là lúc dịch bệnh, dịp lễ, tết. “Do vậy, việc trở lại đúng ngày, giờ không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện sự tin tưởng, gắn bó lâu dài của người lao động với doanh nghiệp trong những năm tiếp theo”.

Bước sang năm mới 2022 với kỳ vọng về sự hồi phục và ổn định hơn, chị Thu, anh Nghĩa cùng các đồng nghiệp bày tỏ quyết tâm vượt khó, nỗ lực tốt nhất để làm ra thêm nhiều sản phẩm của cải vật chất trong năm 2022.

Theo Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình lao động việc làm đầu năm 2022 có nhiều dấu hiệu khởi sắc hơn. Việc thiếu hụt lao động không quá nghiêm trọng, nhưng nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại là điều kiện lý tưởng để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, cung cấp xuất khẩu hàng hóa.

Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, ngành Trung ương đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ… nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp từng bước phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế ngay sau đại dịch.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất và Khu công nghiệp thành phố nhìn nhận, công nhân lao động, nhất là người ngoại tỉnh đã và đang tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm từ các cấp ngành và các tổ chức đoàn thể. Bên cạnh đó, người lao động còn nhận được sự hỗ trợ của các trung tâm hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, của các chủ nhà trọ, cộng đồng xã hội đã giúp cho người lao động tự tin hơn, năng động hơn và quyết tâm hơn trong lao động.

Đáng mừng hơn là cả người lao động và doanh nghiệp nhìn nhận nhiều vần đề sâu sắc hơn, nhất là sau khi trả qua đợi đại dịch bùng phát kéo dài trong năm 2021. “Đó là đoàn kết, yêu thương, san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cơn hoạn nạn, là sự cần cù, chăm chỉ, tích cực, năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất kinh doanh, đó còn là nỗ lực vượt khó, thi đua lao động, cùng chung tay phục hồi kinh tế, nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống”, ông Tuấn chia sẻ.

Phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, đến thời điểm này, người lao động (bao gồm công nhân lao động ngoại tỉnh và tại thành phố) đã trở lại làm việc bình thường. Nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất linh kiện điện, điện tử, cơ khí, hoá chất và doanh nghiệp có thâm dụng lao động cao như dệt may, chế biến gỗ đã sớm hoạt động trở lại với công suất đạt 100% ngay sau những ngày Tết.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những năm trước đây, trong tuần đầu sau Tết, tỷ lệ công nhân lao động trở lại làm việc chỉ ở mức 90%. Năm nay, nhiều nhà máy, xí nghiệp tổ chức làm xuyên Tết. Lượng công nhân ở lại Thành phố đón Tết khá đông. Do vậy, sau Tết, công nhân lao động trở lại làm việc sớm và đầy đủ hơn so với mọi năm.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Văn Lâm cho rằng, dịch COVID-19 kéo dài trong suốt năm qua phần nào đã tác động đến tâm lý chung của người lao động và doanh nghiệp. Đặc biệt, dịch bệnh làm ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập, đời sống và cả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Do vậy, ngay sau dịch được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp, người lao động đã nhanh chóng bắt tay ngay vào việc tái thiết, phục hồi sản xuất kinh,kinh doanh. Doanh nghiệp không chỉ chú trọng đẩy mạnh giải quyết các đơn hàng ùn ứ từ những tháng trước đó mà còn tiếp tục ký kết các đơn hàng mới cho năm tiếp theo”, ông Nguyễn Văn Lâm chia sẻ.

Hiện không ít doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý I, II, thậm chí đến hết tháng 8/2022; đồng thời triển khai các giải pháp phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp đã triển khai nhiều chương trình phúc lợi cho người lao động; thực hiện tốt các chế độ, chính sách, tăng lương, thưởng để thu hút và giữ chân người lao động.

Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2022 đến nay, tín hiệu phục hồi sản xuất, kinh doanh có nhiều dấu hiệu khởi sắc hơn. Tình hình lao động việc làm sôi động theo chiều hướng tích cực hơn so với trước đây.

Dự báo trước tình hình này, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã phối hợp giải quyết cho lao động nghỉ bù, nghỉ phép trước đó để khi bước vào năm mới tập trung tối đa cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu các của các đối tác, khách hàng.

Để đảm bảo các đơn hàng một số doanh nghiệp chọn giải pháp tăng lương đến 300% cùng nhiều phần thưởng cho người lao động làm việc trong những ngày Tết như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nidec Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T…

“Tuy nhiên, để hoạt động sản xuất, kinh doanh được đảm bảo an toàn và ổn định, các doanh nghiệp luôn chú trọng và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 ngay từ những ngày đầu năm”, ông Phạm Chí Tâm chia sẻ.

Theo các chuyên gia lao động việc làm, trải qua đợt dịch bùng phát, hầu hết các doanh nghiệp và người lao động không còn tâm lý ỷ lại, lơ là sau thời gian nghỉ Tết hay "tháng Giêng là tháng ăn chơi"… Họ đã nghiêm túc quay lại với nhịp độ làm việc bình thường và có xu hướng lao động tích cực hơn với kỳ vọng về năm mới nhiều tín hiệu lạc quan./. (Còn nữa)

>>>Bài 2: Nhiều thay đổi về nhu cầu tuyển dụng và vị trí việc làm mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục