Thị trường máy chạy bộ “ăn nên làm ra” mùa dịch COVID-19

20:32' - 15/08/2021
BNEWS Đang quen chạy bộ mỗi sáng cả chục km, nhưng vì dịch COVID-19 bùng phát khiến chị Phạm Trần Hiệp ở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội cùng nhóm bạn quyết định mua máy chạy bộ tại nhà vì lo sợ dịch bệnh.

* Xu hướng mua máy chạy bộ tại nhà

Đây cũng là xu hướng chung của nhiều người thích thể thao ngoài trời để hít thở không khí trong lành, nhưng vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh nên họ đã đầu tư máy chạy bộ điện tại nhà khiến thị trường tăng doanh số đến 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nói về sức hút của thị trường này, Huấn luyện viên Nguyễn Đăng Phương ở Trung tâm thể dục Trendy - Body Kungfu, 49 Huỳnh Thúc Kháng, Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội cho hay, khi xã hội ngày phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe đối với con người ngày càng được nâng cao hơn nên người dân đến các trung tâm tập luyện hay trang bị những chiếc máy tập thể dục tại nhà ngày càng được chú trọng.

Tuy nhiên, trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, người dân không thể đến các trung tâm để tập luyện vì đóng cửa, công viên không còn là nơi an toàn nên nhiều người đã đầu tư máy chạy bộ tại nhà, không chỉ phục vụ cho một mình mà còn phục vụ cho cả gia đình cùng luyện tập, vừa bảo vệ sức khỏe vừa giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Còn theo thống kê của thương hiệu bán thiết bị thể dục Elip Sport, từ khi có dịch COVID-19 đến nay đơn vị này tiêu thụ khoảng 500 chiếc máy chạy bộ mỗi ngày trên toàn hệ thống, chưa kể số lượng xe đạp tập, ghế massage, giàn tạ đa năng... Sức tiêu thụ này đã tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Thậm chí, đây là một con số kỷ lục mà kể cả những mùa cao điểm như gần Tết Âm lịch cũng không đạt được. Điều này là một tín hiệu cho thấy, người dân cả nước đã quan tâm hơn tới việc nâng cao sức khỏe, bảo vệ bản thân trước đại dịch.

Chia sẻ về việc mua máy tập tại nhà, chị Phạm Trần Hiệp cho hay, với tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, việc đến các trung tâm GYM hay ra ngoài trời tập như trước đây là điều không thể bởi các trung tâm đều đóng cửa, còn ra ngoài trời tập không chỉ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, việc tìm mua máy tập của chị ở các trang bán dụng cụ thể thao không hề dễ bởi lần đầu mua máy tập ở nhà chả khác gì người vùng sâu lần đầu vào đại siêu thị chọn mua mỳ tôm ngon. Bởi có quá nhiều hãng, mỗi hàng có hàng chục loại máy, mỗi loại máy lại có nhiều phiên bản, từ dưới 10 triệu đến hơn trăm triệu đồng, thương hiệu nào cũng quảng cáo là hàng chính hãng, nói hay nói đẹp…

Sau khi nhờ Huấn luyện viên Nguyễn Đăng Phương và một số người khác có nhiều năm trong lĩnh vực tập GYM, chị cũng mua được máy chạy bộ của Shua E6 do Đức Lợi Luxurry Sport phân phối chính hãng tại Việt Nam cho cả gia đình cùng sử dụng. Điều chị tâm đắc khi mua được máy chạy bộ này là ngoài việc hai vợ chồng thay nhau sử dụng còn là thiết bị để hai con giảm bớt việc xem tivi, Ipad hay điện thoại... trong những ngày nghỉ học.

Điều kiện chị đưa ra là mỗi cháu đi bộ khoảng 30 phút mỗi buổi sáng và chiều, tương ứng với thời gian các cháu được xe tivi. Nếu không đủ thời gian này dứt khoát không được bật tivi hay thiết bị điện tử khác. Đây cũng là lý do khiến các cháu xin được tập mà không phải động viên nhiều, vừa đảm bảo sức đề kháng cho các cháu mùa dịch và cũng là cách rèn luyện thể dục từ bé.

Trong khi đó, anh Nguyễn Trung ở khu đô thị Ecopark cũng cho hay, nếu không có máy chạy bộ, cả nhà ở nhà cũng không biết làm gì trong thời gian giãn cách xã hội ngoài việc sáng ngủ dậy nghĩ ăn gì, ăn sáng chưa xong đã nghĩ đến bữa trưa, ngủ trưa dậy lại nghĩ đến bữa tối, chỉ riêng bữa ăn sẽ nấu những món gì cũng đủ làm đau đầu. Thế nhưng, hiện nay, dù có giãn cách xã hội thì hai vợ chồng anh vẫn duy trì tập luyện thường xuyên chứ không bị “bó chân” như những bạn chạy khác.

Còn theo tư vấn của các huấn luyện viên (PT), lợi ích của việc chạy bộ giúp lưu thông máu tốt, tốt cho xương khớp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay tiểu đường và đột quỵ, mang lại giấc ngủ ngon, giảm căng thẳng, mệt mỏi, duy trì cân nặng như ý muốn, kéo dài tuổi thọ, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, giúp người tập có được một body như mơ ước...

Anh Nguyễn Đăng Phương cho rằng, đầu tư máy chạy bộ tại nhà đang được nhiều người lựa chọn kể từ khi có dịch COVID. Phương pháp luyện tập này không chỉ giúp người tập bớt nhàm chán khi giãn cách xã hội mà còn mang tới trải nghiệm nâng cao sức khỏe. Do đó, sau đại dịch, máy chạy bộ tại nhà vẫn sẽ là xu hướng mới được nhiều người yêu thích.

* Thị trường thượng đa dạng phân khúc và giá bán

Dạo qua thị trường máy chạy bộ online cho thấy, giá máy chạy bộ điện hiện nay khá đa dạng về mẫu mã, chủng loại cũng như thương hiệu và được chia thành 4 phân khúc, từ dưới 10 triệu đến cả trăm triệu đồng, gồm máy giá rẻ, tầm trung, thương gia và cao cấp.

Máy có công suất cao đắt hơn máy có công suất thấp, máy có nhiều tính năng đắt hơn máy có ít tính năng.

Cụ thể, máy chạy bộ điện giá rẻ dưới 10 triệu đồng có cấu hình động cơ từ 2.0HP trở xuống dành cho gia đình có thu nhập thấp và tầm trung, phù hợp nhu cầu tập luyện không yêu cầu quá cao, mục đích là rèn luyện thể chất và giảm cân tại nhà.

Máy chạy điện tầm trung giá 10-15 triệu có động cơ từ 2.0-2.5HP, đáp ứng nhu cầu tập luyện tần suất cao của gia đình đông thành viên. Máy tích hợp 12 chương trình tập, có thông số về nhịp tim, calo, quãng đường, có thêm bluetooth để nghe nhạc, hoặc xem video.

Máy chạy điện thương gia giá từ 15-20 triệu có động cơ 2.5-3.5HP ngoài kiểu dáng hiện đại và tích hợp những thông số kể trên còn có tốc độ cực đại đến 20km/h, độ dốc băng tải tới 20% với những bài tập có độ khó cao như chạy leo dốc, chạy bộ địa hình… mang đến bài tập như chạy bộ trên đồi, đường dốc thực sự.

Máy chạy bộ điện cao cấp từ 20 triệu đến cả trăm triệu đồng có động cơ 3.5HP-5.0HP phù hợp cho gia đình đông người và phòng tập. Máy có thiết kế to, khoẻ, cấu hình cao và có nhiều chương trình cài đặt hơn để đáp ứng mọi nhu cầu từ đơn giản đến nâng cao thể lực cho vận động viên chuyên nghiệp hoặc các phòng tập.

Ngoài ra, thị trường máy chạy bộ còn có hai loại cơ bản là máy chạy cơ và máy chạy điện với nhiều thương hiệu khác nhau như Shua, Elip Sport, King Sport, ABC Sport, Mofit, Poongsan, Tech Fitness… Riêng máy chạy bộ điện có 2 loại đơn năng chỉ có tác dụng chạy, còn loại đa năng có thêm gập bụng, dây đai massage, đế xoay tập eo.

Sản phẩm và phân khúc phong phú là như vậy, nhưng theo nhiều đơn vị bán hàng, phân khúc máy chạy bộ điện bình dân và tầm trung đang được nhiều khách hàng lựa chọn nhất. Theo một số đơn vị kinh doanh ở Hà Nội, trước đây chỉ bán được 2 đến 3 máy/ngày, từ khi có dịch COVID, số lượng máy từ 10-15 triệu đồng tiêu thụ hơn gấp đôi, nhiều khi không có hàng để bán do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo kỹ thuật viên Nguyễn Đức Lợi lắp đặt máy chạy bộ điện cho chị Hiệp, thị trường này hiện nay khá đa dạng chủng loại, mẫu mã và phần lớn là nhập linh kiện từ Trung Quốc về lắp ráp và gắn tên thương hiệu. Thế nhưng, kể cả máy của Trung Quốc nhưng là hàng chính hãng sẽ không có vấn đề gì. Số còn lại có xuất xứ từ Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ nhưng giá thành khá cao.

Do đó, không phải ngẫu nhiên mà có câu nói “tiền nào của nấy”. Chính vì vậy, cơ sở của kỹ thuật viên này kiên quyết nói không với máy chạy bộ giá rẻ bởi hay hỏng vặt, phải đi lại sửa chữa nhiều.

Điều anh kỹ thuật viên này nói không phải không có lý khi có khá nhiều người mua máy giá rẻ chỉ được thời gian đã đăng bán lại. Do đó, các kỹ thuật viên tư vấn, nếu có ý định mua máy chạy bộ tại nhà nên đầu tư một chiếc khoảng trên dưới 20 triệu trở lên.

Các loại máy này không chỉ đáp ứng cả nhu cầu tập luyện về tốc độ và số lượng người dùng mà còn mang đến sự thoải mái, yên tĩnh, dễ sử dụng và có độ bền hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục