Thị trường mỹ phẩm online còn nhiều dư địa phát triển

17:30' - 22/08/2019
BNEWS Dự báo thị trường mỹ phẩm Việt Nam sẽ có giá trị 2,3 tỷ USD trong năm 2019, đồng thời, hàng năm sẽ tăng trưởng đạt 5,4% (CAGR 2019 - 2023).

Đây là thông tin cho biết tại Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Nhà phân phối và bán lẻ lần thứ 3, do Câu lạc bộ Nhà phân phối và bán lẻ tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, chiều ngày 22/8.

*Thương mại điện tử chiếm doanh số lớn

Doanh nghiệp bán lẻ cần hiểu rõ phương thức tiếp cận khách hàng để quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, xu hướng thương mại điện tử không chỉ thay đổi ngành bán lẻ mà chuyển hướng luôn ngành làm đẹp, nhất là tác động đến giới trẻ. Ngành mỹ phẩm đang chiếm doanh số lớn nhất sau ngành thời trang trên kênh thương mại điện tử.

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ cần hiểu rõ phương thức tiếp cận khách hàng để quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng. Theo đó, có thể kể đến cách phân phối hàng, giao hàng, thanh toán, chăm sóc khách hàng, thói quen tiêu dùng khách hàng online… được ứng dụng công nghệ như thế nào để tiết kiệm chi phí.

Theo bà Hoàng Thu Thúy, đại diện Công ty cổ phần công nghệ Haravan, xuất phát từ người tiêu dùng có nhu cầu muốn mua sắm từ nhà sản xuất và doanh nghiệp muốn bán hàng đến người tiêu dùng cuối, Haravan đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mô hình O2O.

Đây là mô hình mô hình kinh doanh bán lẻ kết hợp cả hình thức online và offline dựa trên công nghệ số mà chủ yếu là nền tảng Mobile.

Thông qua mô hình O2O (Online - To - Offline), doanh nghiệp sẽ sử dụng những công cụ trực tuyến để tiếp cận và từ đó tác động vào hành vi mua sắm của khách hàng để tăng trưởng doanh thu. Mô hình này, phù hợp với nhiều ngành hàng, lĩnh vực và vận hành O2O là một trong những chiến lược tất yếu với mọi doanh nghiệp bán lẻ trên toàn cầu.

Với thói quen truyền thống, người tiêu dùng mua tại cửa hàng và mua thông qua kênh quảng cáo, tiếp thị. Tuy nhiên,  trong bối cảnh kênh kinh doanh thương mại điện tử phát triển như hiện nay, doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát triển kênh bán hàng online để phù hợp với xu hướng chuyển dịch thói quen tiêu dùng của người dân.

Theo ông Phạm Ngọc Liêm, Giám đốc phụ trách Tiki Live, Công ty cổ phần Tiki, hiện nay ứng dụng Tiki Now cho phép khách hàng nhận hàng trong vòng 2 giờ, giúp kênh kinh doanh thương mại điện tử gần gũi với người dân hơn. Đồng thời, vượt qua rào cản tiếp cận người tiêu dùng trong phương thức kinh doanh thương mại điện tử. Còn Tiki Media, giúp nhà sản xuất, nhà phân phối, đơn vị bán hàng quảng bá sảng phẩm, hàng hóa đến người tiêu dùng…

Trên thực tế, có một số doanh nghiệp tại Việt Nam, sau 6 tháng ứng dụng kinh doanh online đã có doanh thu tăng lên 10% và sau 1 năm tăng đáng kể sau khi tham gia bán hàng online. Thậm chí có những doanh nghiệp, hiện nay kênh bán hàng online chiếm 60% doanh thu hàng tháng.

Dẫn chứng cụ thể, ông Hà Mạnh Tấn, đại diện AccessTrade chỉ ra rằng, Social Media là một kênh truyền thông mạng xã hội được tạo ra để mọi người có thể liên hệ, trao đổi ý kiến, chia sẻ thông tin, cảm xúc, hình ảnh, video… Với khả năng tương tác mạnh mẽ của mạng xã hội, đây được chọn là một trong những kênh hiệu quả khi làm quảng cáo, tiếp thị online, góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, phủ rộng thương hiệu.

Đối với bán hàng kênh online, trong một thời điểm nhân viên có thể chăm sóc nhiều khách hàng cùng lúc, tăng hiệu suất làm việc của nguồn lao động bằng cắt giảm những công việc thủ công…

Công nghệ hỗ trợ nên bán hàng online được vận hàng tinh gọn, tiết kiệm thời gian và chi phí, mở rộng thị trường nhanh chóng. Mặt khác, góp phần giúp doanh nghiệp định vị thương hiệu tốt hơn, tăng trưởng bền vững, phát triển khách hàng trung thành, quản lý hàng tồn kho…

Nhờ vào thương mại điện tử, việc tiếp cận kênh mua sắm của người tiêu dùng được đa dạng hơn. Bên cạnh đó, sự lựa chọn của người tiêu dùng trong kỷ nguyên số hóa là mong muốn thử và trải nghiệm nhiều sản phẩm hơn. Như vậy, những sản phẩm mới đến với người tiêu dùng thông qua thương mại điện tử và những ứng dụng công nghệ số.

*Thời cơ xây dựng niềm tin thương hiệu

Tại Việt Nam, tỷ lệ thời gian trung bình người dân đang dùng internet là 6 giờ 24 phút trong một ngày, thời gian trung bình lên mạng xã hội là 2 giờ 32 phút. Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển kênh bán hàng quan kênh Social Media.

Doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ số trong nhiều hình thức tương tác, khuyến mãi, giảm giá và tạo không gian giải trí cho người tiêu dùng trong thời gian mua sắm. Đặc biệt, nhà sản xuất sẽ cắt giảm được khâu trung gian và chuyển sang mua – bán trực tiếp đến người tiêu dùng cuối.

Dự báo về thị trường bán lẻ và xu hướng tiêu dùng mới nhất, bà Huỳnh Bích Trân, Phó Giám đốc – Khối dịch vụ đo lường bán lẻ, Nielsen Việt Nam cho biết, thị trường hàng hóa tiêu dùng nhanh tại Việt Nam thuộc top tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực. Người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến 3 vấn đề hàng đầu là sức khoẻ, học hành của con cái và giá cả leo thang.

Trước đây, thị hiếu tiêu dùng giữa người dân thành thị và nông thôn khác nhau, nhưng kênh kinh doanh thương mại điện tử đã phá vỡ khoảng cách này. Nhiều người dân khu vực nông thôn ngày càng có thu nhập cao hơn và họ sẵn sàng chi tiền cho hàng hóa cao cấp, chứ không phải chỉ là thị trường tiêu dùng hàng hóa bình dân.

Theo nghiên cứu và khảo sát của Nielsen Việt Nam, tỷ lệ tiêu dùng sản phẩm làm đẹp tăng lên theo từng năm. Trong giai đoạn hiện nay, kênh kinh doanh đang nổi lên là kênh thương mại điện tử.

Tuy nhiên, niềm tin của khách hàng càng trở nên quan trọng hơn khi tham gia vào kênh kinh doanh online, khi họ tin vào phản hồi của người thân, người quen đã dùng sản phẩm rồi hơn là những phương thức quảng cáo, tiếp thị của doanh nghiệp.

Ông Patrick Mui, Giám đốc tư vấn và sáng tạo Công ty Centdegres Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay là thời điểm quan trọng để các sản phẩm làm đẹp Việt Nam tạo ra những thương hiệu trên thị trường, nhất là mang đến cho người tiêu dùng câu chuyện riêng biệt về thương hiệu. Cùng với đó, doanh nghiệp cần giới thiệu sự độc đáo của thương hiệu và khách hàng nhận ra giá trị thương hiệu mang đến cho họ.

Trong số đó, phương thức tương tác với người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng và là một cách tốt nhất để giữ chân khách hàng. Đặc biệt, cần chiến lược để thương hiệu trở thành một phần trong đời sống hàng ngày của người tiêu dùng. Hay nói cách khác, khi người tiêu dùng có nhu cầu về một sản phẩm nào đó,  họ sẽ nhớ đến thương hiệu của doanh nghiệp đầu tiên.

Doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu bằng hình ảnh trực quan, tính tiện dụng của sản phẩm, đẳng cấp phân khúc tiêu dùng… Đáng chú ý, lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam là có nhiều cơ hội tận dụng kênh thương mại điện tử, nên doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn vào chiến lược nhận diện thương hiệu sản phẩm bằng chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục