Thị trường ngân hàng bán lẻ tăng thu nhập cho các ngân hàng

13:57' - 29/11/2018
BNEWS Mảng hoạt động ngân hàng bán lẻ đã đóng góp vào sự tăng thu nhập của các ngân hàng và tại một số ngân hàng, hoạt động này đóng góp hơn 40%.

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - Chi nhánh Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh đó, cùng với xu thế hội nhập Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang có những tác động mạnh mẽ, hứa hẹn sẽ tạo thêm nhiều cơ hội, động lực cho các ngân hàng Việt Nam phát triển mảng hoạt động ngân hàng bán lẻ.
Đây là thông tin được cho biết tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam 2018 - Vietnam Retail Banking Forum, do IDG Vietnam phối hợp cùng với Hiệp hội ngân hàng Việt Nam tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 29/11. 
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, trong thời gian qua, các ngân hàng Việt Nam đã có những chuyển hướng sang ngân hàng bán lẻ. Đây cũng là bước đi phù hợp với xu hướng phát triển và chủ trương của nhà nước. Đơn cử, trong những năm gần đây, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh, cùng với sự xuất hiện của hàng loạt các tổ chức Fintech cũng đòi hỏi các ngân hàng thương mại tại Việt Nam cần chú trọng đầu tư và hợp tác phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại. 
Các dịch vụ này hướng đến đảm bảo an toàn, tiện ích và tiết kiệm thời gian, chi phí nhằm thu hút khách hàng, đáp ứng được nhu cầu, thậm chí đạt tới mục tiêu vượt quá kỳ vọng khách hàng. Song song với việc cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao trải nghiệm khách hàng nói chung thì xu hướng các ngân hàng tích cực kết hợp với các tập đoàn, công ty kinh doanh bán lẻ quy mô lớn nhằm tìm kiếm khách hàng mới cho từng phân khúc sản phẩm riêng biệt cũng ngày một rõ nét. 
Ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, hoạt động ngân hàng bán lẻ ngày càng cạnh tranh quyết liệt và các ngân hàng xem đây là chiến lược phát triển với những bước đi đột phá. Các ngân hàng liên tục đưa ra những sản phẩm, dịch vụ bán lẻ hướng đến khách hàng nhỏ và cá biệt. Đồng thời, phát triển ngân hàng số - ngân hàng thương mại điện tử… phù hợp từng phân khúc khách hàng nhỏ càng trở nên nổi bật. 
Sự kết hợp giữa các ngân hàng và tổ chức bán lẻ về cơ bản đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Nhưng, kèm theo đó cũng có nhiều vấn đề cần bàn tới, nhất là về vấn đề công nghệ như các hoạt động khai thác và xử lý dữ liệu; xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ mới; phân tích và quản trị rủi ro... 
Chẳng hạn, ngành ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh trong năm 2018 gặt hái được những kết quả toàn diện. Thị trường ngân hàng bán lẻ giai đoạn 2008 – 2018 có những bước phát triển nhanh và vượt bậc về chuyên môn, số lượng, chất lượng… với những sản phẩm, dịch vụ đa dạng, khác biệt; trong đó, quy mô thị trường thành phố lớn nhất cả nước, có 2.212 điểm giao dịch, 49 hội sở chính… mạng lưới giao dịch phủ dày đặc, mang lại điều kiện cung ứng nguồn vốn cho nên kinh tế. 
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thị trường ngân hàng bán lẻ thành phố trong giai đoạn 2008 - 2018 có tốc độ tăng trưởng huy động vốn và dư nợ tín dụng bình quân hàng năm tăng trưởng lần lượt là 25% và 24%/năm, cao hơn mức bình quân của cả nước. 
Các dịch vụ ngân hàng hiện đại gắn liền với thẻ, internet banking… đáp ứng được nhu cầu tiết giảm thời gian giao dịch, chi phí và độ bảo mật. Từ đó, khách hàng đã có thói quen sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, tạo điều kiện cạnh tranh tích cực và động lực cho các ngân hàng đổi mới sản phẩm, dịch vụ. 
Trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có 12,5 triệu thẻ đang hoạt động; trong đó, có 76% thẻ nội địa, 41.200 máy POS phục vụ cho nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt… 
Hoạt động ngân hàng bán lẻ gắn liền với hoạt động tiêu dùng, nếu 2008 trong tổng dư nợ tiêu dùng chỉ chiếm 3,8% trong tổng dư nợ tín dụng thì hiện nay chiếm 19,4%. Về cơ bản, tỷ lệ này đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, cải thiện và nâng cao đời sống người dân. 
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thị trường ngân hàng bán lẻ tại Tp. Hồ Chí Minh nói riêng, tại Việt Nam nói chung có những hạn chế nhất định, đơn cử như vấn đề lãi suất cho vay, nhất là lãi suất của một số công ty tài chính khá cao, với nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, văn hoá đòi nợ của các công ty tài chính có hình thức như “xã hội đen” đã tạo nên sự phản cảm và những bất cập trên thị trường ngân hàng bán lẻ. 
Một vấn đề quan ngại khác, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng cao trong bối cảnh tín dụng các lĩnh vực bất động sản giảm không đáng kể cho thấy, tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh đang giảm thì không tốt cho nền kinh tế. Ngoài ra, trong các hoạt động cho vay tiêu dùng của các ngân hàng, công ty tài chính… có tỷ lệ lớn liên quan đến lĩnh vực bất động sản, do đó nếu không có giải pháp hay quan tâm đúng mức vấn đề này thì những cơ chế, chính sách ban hành sẽ gặp khó khăn khi đưa vào thị trường ngân hàng bán lẻ. 
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế Trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, trong bối cảnh các ngân hàng toàn cầu đã và đang đẩy mạnh sử dụng dữ liệu lớn, tăng mức độ hài lòng khách hàng, liên kết ngân hàng với Fintech… các ngân hàng tại Việt Nam cũng mong muốn tăng cường độ bao phủ bằng cách gắn kết với các hệ thống bán lẻ; gắn kết với Fintech, viễn thông… để phát triển chiến lược ngân hàng số, tài chính số. 
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc về hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng thông tin, an ninh mạng, bảo mật thông tin khách hàng, hệ thống dữ liệu… cần được hỗ trợ tháo gỡ trong thời gian tới. 
Để hướng đến các mục tiêu này, vấn đề đồng nhất sử dụng cơ sở dữ liệu, hạ tầng… cần được đầu tư phát triển bền vững, tạo điều kiện cho các ngân hàng ứng dụng công nghệ cao và bắt kịp xu hướng thị trường trong và ngoài nước. 
Chính vì vậy, phát triển thị trường ngân hàng bán lẻ phải căn cứ vào các Đề án tái cơ cấu nợ xấu, tài chính, chất lượng tăng trưởng, mạng lưới, nhân sự… của các ngân hàng. 
Nếu thực hiện đồng bộ thì thị trường ngân hàng bán lẻ sẽ định hướng tốt hơn và tạo điều kiện khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển trong thời gian tới. 
Ông Lực cho rằng, cần tính toán đưa tỷ lệ tăng trưởng tín dụng thị trường ngân hàng bán lẻ phù hợp, nhất là không được để thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, khác biệt, xây dựng thương hiệu, mang lại giá trị gia tăng và tối đa hoá lợi ích khách hàng, tăng thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy kinh tế vĩ mô… bằng cách thực hiện tốt chính sách chăm sóc khách hàng, công khai minh bạch hoạt động ngân hàng. 
Song song với các chuyên đề hội thảo, trong khuôn khổ Diễn đàn ngân hàng bán lẻ Việt Nam, còn có khu vực Triển lãm giới thiệu công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ cũng như những sản phẩm, dịch vụ và thành quả của các ngân hàng tiêu biểu tại Việt Nam. Khu triển lãm sẽ giới thiệu các ứng dụng công nghệ và sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại với một số công nghệ nổi bật như: dữ liệu lớn, thanh toán trung gian, thanh toán thẻ, Blockchain, kho dữ liệu trung tâm, quản trị dữ liệu, quản trị rủi ro hoạt động, quản trị rủi ro tín dụng, bảo mật hệ thống... với gần 20 đơn vị tham gia. 
Ngoài ra, “Giải thưởng Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu – Vietnam Outstanding Banking Awards” (VOBA) là Giải thưởng thường niên, do IDG Vietnam phối hợp cùng với Hiệp hội ngân hàng Việt Nam tổ chức song hành cùng với chuỗi sự kiện Diễn đàn ngân hàng bán lẻ Việt Nam đã vinh danh 17 ngân hàng, công ty Fintech tiêu biểu năm 2018. 
Cụ thể, gồm 9 hạng mục Ngân hàng Bán lẻ tiêu biểu; Điện tử tiêu biểu; Tiêu biểu vì cộng đồng... Theo đó, có thể kết một số đơn vị như BIDV, HDBank, VietinBank, BAOVIET Bank, OCB,Công ty cổ phần Công nghệ và Dịch vụ MOCA... ./. 



Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục