Thị trường nông sản thế giới tuần qua: Giá gạo châu Á đồng loạt sụt giảm

18:02' - 10/04/2021
BNEWS Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới đã giảm tuần thứ hai liên tiếp, xuống 390- 395 USD/tấn.

Thị trường gạo châu Á

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ và Thái Lan đồng loạt giảm trong tuần này do đồng rupee và baht yếu, trong khi hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam chậm lại sau vụ thu hoạch.

Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới đã giảm tuần thứ hai liên tiếp, xuống 390- 395 USD/tấn, từ mức 393- 398 USD/tấn ghi nhận hồi tuần trước, khi đồng rupee giảm xuống mức thấp nhất gần 5 tháng.

Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh (Ấn Độ), cho biết đồng rupee giảm giá tạo lợi nhuận cao hơn cho các thương nhân, đã cho Bangladesh, vốn giữ vị thế là nhà sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới, đã tăng tốc nhập khẩu gạo để tích trữ khi nguồn gạo dự trữ của nước này đang cạn kiệt do tác động của các trận lũ lụt liên tiếp.

Bên cạnh việc mở các gói thầu cung cấp gạo, Bangladesh cũng đang tìm cách mua thêm gạo theo các thỏa thuận giữa nhà nước với nhà nước, chủ yếu là từ Ấn Độ.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng giảm xuống còn 465- 482 USD/tấn, chỉ trên mức trung bình trong hơn 5 tháng, từ mức tương ứng 488 - 500 USD/tấn vào tuần trước.

Các nhà giao dịch có trụ sở tại Bangkok cho biết sự sụt giảm giá gạo phần lớn là do đồng baht giảm gần 4% kể từ đầu tháng 3/2021, và một phần cũng do thị trường chững lại trước kỳ nghỉ Năm mới của Thái Lan vào tuần tới.

Gạo 5% tấm của Việt Nam cũng giảm xuống còn 495- 500 USD/tấn, từ mức 505- 510 USD/tấn vào tuần trước do nhu cầu suy yếu. Theo các thương lái, hiện do cuối vụ thu hoạch, chất lượng lúa kém nên nhu cầu mua chậm, dẫn tới tình trạng thương lái bỏ cọc nhiều.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, trong quý I/2021 Việt Nam đã xuất khẩu được 1,1 triệu tấn gạo, trị giá 606 triệu USD, giảm lần lượt 30,4% về lượng và 17,4% về giá trị so với cùng kỳ.
Thị trường nông sản Mỹ

Thị trường nông sản Mỹ biến động trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 9/4), khi giá ngô và đậu tương sụt giảm, còn giá lúa mì tăng.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 5/2021 giảm 2,5 xu Mỹ (0,43%) xuống 5,7725 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn cũng hạ 12,25 xu Mỹ (0,87%) xuống 14,03 USD/bushel.

Trong khi đó, giá lúa mì giao tháng 5/2021 lại tăng 10 xu Mỹ (1,59%), lên 14,03 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã cắt giảm dự trữ ngô cuối niên vụ 2020-2021 của Mỹ khoảng 150 triệu bushel, xuống còn 1.352 triệu bushel, nhưng nâng mức ước tính sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc các mục đích khác thêm 50 triệu bushel, lên 5.700 triệu bushel và nhu cầu ngô để sản xuất rượu tăng thêm 25 triệu bushel, lên 4.975 triệu bushel.

Tổng cộng, nhu cầu ngô trong nước của Mỹ trong niên vụ 2020-2021 đã tăng 75 triệu bushel, lên 12.100 triệu bushel, ít hơn 85 triệu bushel so với niên vụ trước đó, trong khi xuất khẩu ngô của nước này trong cùng kỳ cũng tăng 75 triệu bushel, lên 2.675 triệu bushel.
Dự trữ lúa mì của Mỹ trong niên vụ 2020-2021 đã tăng 16 triệu bushel lên 852 triệu bushel, với mức giảm 25 triệu bushel sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc các mục đích khác và lượng lúa mì nhập khẩu giảm 10 triệu bushel.
AgResource cho rằng ngô sẽ dẫn đầu về xu hướng tăng giá nông sản trong vụ mùa tới, tiếp theo là lúa mì và sau đó là đậu tương. Trong thời gian tới, thị trường sẽ tập trung hoàn toàn vào việc nguồn cung ngô và đậu tương bị thắt chặt và giá thầu cơ sở tăng, cũng như thời tiết bất thường tại Mỹ và nhiều khu vực trồng nông sản trên thế giới.

Thị trường cà phê thế giới

Giá cà phê kỳ hạn quay trở lại đà tăng trong phiên 9/4 trên cả hai sàn, khi Brazil bắt đầu vào thu hoạch vụ mùa mới năm nay với dự báo sản lượng sụt giảm nghiêm trọng.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta giao tháng 5/2021 trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng 16 USD, lên 1.345 USD/tấn và giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7/2021 tăng 20 USD, lên 1.369 USD/tấn. Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng trở lại đà tăng.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 5 tăng 1,1 xu Mỹ, lên 127,85 xu Mỹ/lb và kỳ hạn giao tháng 7/2021 tăng 1,05 xu Mỹ, lên 129,75 xu Mỹ M /lb (lb=0,4535 kg).
Tại Việt Nam, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 200 – 300 đồng, lên dao động trong khung 31.700 – 32.300 đồng/kg. Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.429 USD/tấn.
Theo dự báo, giá cà phê nhìn chung vẫn đang đi ngang trong ngắn hạn trên xu hướng giảm trung hạn.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5 đã tăng gần 1%, lên mức 127,85 xu Mỹ/lb trước khi giảm. Chỉ số USD tiếp tục giảm sau khi hồi phục nhẹ vào giữa tuần, xuống mức thấp nhất trong vòng nửa tháng đã hỗ trợ tích cực cho giá các loại hàng hóa.

Tuy nhiên, việc USD giảm do các chỉ số kinh tế tiêu cực, điển hình là việc số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ đã tăng lên 744.000 đơn vào tuần trước, đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu tiêu thụ cà phê, đặc biệt là các loại có giá trị cao như cà phê Arabica.
Tuy nhiên, nguồn cung cà phê trên thế giới đang đứng trước nguy cơ thu hẹp khi việc trồng cà phê ở vùng núi phía Bắc của quốc gia Trung Mỹ Nicaragua ngày càng khó khăn hơn qua mỗi năm. Nguyên nhân là do nhiệt độ tăng cao làm hỏng mùa màng, khiến trái cà phê chín nhanh một cách bất thường và gây sâu bệnh hại trên lá.
Đến nay, những khó khăn trong việc trồng cà phê ở khu vực này đã kéo dài đến một thập niên. Những người nông dân hiện đang phải đối mặt với một quyết định khó khăn, hoặc tiếp tục trung thành với cây cà phê hoặc tìm một một hướng đi mới để kiếm kế sinh nhai./.

>>Việt Nam là thị trường xuất khẩu nông sản chất lượng cao tiềm năng của Hoa Kỳ


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục