Thị trường tài chính: Nguy cơ tiềm ẩn khi lãi suất giảm

09:45' - 22/06/2024
BNEWS Khi lãi suất giảm và ổn định, những người tham gia thị trường tài chính có xu hướng chấp nhận đòn bẩy và rủi ro lớn hơn.

Khi đó, thách thức đối với các cơ quan quản lý là ngăn chặn những rủi ro đó trở thành hệ thống và gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế rộng lớn hơn.

Thị trường vốn tin rằng lãi suất thực tế đang có xu hướng giảm vì ba lý do. Thứ nhất, lạm phát đang giảm dần ở Mỹ, Anh và châu Âu, thậm chí còn có bằng chứng về giảm phát ở Trung Quốc.

Thứ hai, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ vẫn ở mức thấp trong thập kỷ tới, với tốc độ tăng trưởng ở các nền kinh tế tiên tiến trong 5 năm tới sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 40 năm qua. Hơn nữa, đóng góp của Trung Quốc vào nhu cầu toàn cầu sẽ giảm sút do các xu hướng nhân khẩu học không thuận lợi như dân số trong độ tuổi lao động ngày càng thu hẹp.

Cuối cùng, nhiều người kỳ vọng trí tuệ nhân tạo sẽ góp phần tăng năng suất, điều này có thể dẫn đến mất việc làm và tình trạng trì trệ trên thị trường lao động. Điều đó sẽ hạn chế lạm phát tiền lương và củng cố kỳ vọng về lãi suất thấp hơn trong dài hạn.

 

Tất nhiên, các yếu tố khác vẫn có thể dẫn đến áp lực tăng lãi suất. Phi toàn cầu hóa và sự quay trở lại của các rào cản thương mại có thể đẩy giá nhiều loại hàng hóa và dịch vụ tăng cao; nhiều ngân hàng trung ương có thể có xu hướng giữ lãi suất cao để ngăn cản các chính phủ tăng cường vay mượn và tăng thâm hụt tài chính. Cuối cùng, mặc dù lạm phát đã giảm xa so với mức đỉnh trong thời kỳ đại dịch COVID-19 nhưng nó vẫn ở trên mục tiêu 2% ở Mỹ, Anh và châu Âu.

Với tình hình hiện tại, thị trường tài chính đang dự báo sẽ có hai đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay ở cả Anh và Liên minh châu Âu (EU). Cuối cùng, khi lãi suất bắt đầu được hạ xuống, các nhà đầu tư sẽ tái phân bổ vốn, điều này sẽ có tác động lớn đến giá trị tài sản vốn đã tăng cao. Với việc chỉ số chứng khoán Dow Jones (Mỹ) và FTSE 100 (Anh) đạt mức cao mới trong những tuần gần đây, rủi ro là mối lo ngại chính đáng.

Khi chi phí đi vay giảm và trở nên dễ dự đoán hơn, các chính phủ, tập đoàn và hộ gia đình có xu hướng vay nhiều hơn. Từ năm 2010-2022, khi lãi suất ở Mỹ gần như bằng 0, nợ doanh nghiệp của Mỹ đã tăng 70%.

Nợ công thậm chí còn có xu hướng đáng lo ngại hơn. Tại Mỹ, Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự đoán rằng nợ liên bang sẽ tăng từ 99% GDP vào cuối năm 2024 lên 116% GDP, một kỷ lục mới, vào cuối năm 2034. Điều này làm dấy lên mối lo ngại rằng việc phát hành nợ chính phủ có thể "lấn át" hoạt động vay mượn của khu vực tư nhân và làm tăng chi phí đi vay của những người khác.

Lãi suất thấp, ổn định cũng làm tăng nguy cơ bong bóng tài sản. Và khi nhiều tiền hơn mang lại ít cơ hội đầu tư hơn, kết quả là lạm phát giá tài sản. Đó là lý do tại sao chỉ số chứng khoán S&P 500 của Mỹ tăng gấp bốn lần từ năm 2009-2021 khi lãi suất gần bằng 0.

Lịch sử có rất nhiều ví dụ về đòn bẩy lớn hơn dẫn đến bong bóng tài sản và sau đó dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn diện. Đây là nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của Phố Wall và cuộc Đại suy thoái năm 1929 hay cuộc khủng hoảng của Nhật Bản những năm 1990, sự sụp đổ dot-com năm 2000 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trong bối cảnh hiện nay, có hai lĩnh vực cần quan tâm về mặt pháp lý. Đầu tiên, các quỹ phòng hộ có nhiều người quản lý ngày nay lớn hơn, quan trọng hơn về mặt hệ thống và có thể có đòn bẩy cao hơn các quỹ của 20 năm trước. Nếu một quỹ phòng hộ lớn sụp đổ, nó có thể có tác động lan tỏa lớn hơn nhiều so với trước đây.

Thứ hai, sự tăng trưởng của thị trường tín dụng tư nhân trong những năm gần đây đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ hơn, vì ai cũng biết rằng đòn bẩy đang di chuyển ra khỏi hệ thống ngân hàng, nơi các nhà quản lý vẫn có sự giám sát trực tiếp. Ví dụ, khoảng 69% các khoản thế chấp và 70% các khoản vay có đòn bẩy ở Mỹ đang có nguồn gốc bên ngoài hệ thống ngân hàng.

Cơ quan quản lý có thể thực hiện ba bước ưu tiên để giải quyết những rủi ro này. Đầu tiên, họ có thể hạn chế việc các nhà đầu tư bán lẻ chấp nhận rủi ro bằng các yêu cầu về tài sản thế chấp đối với đòn bẩy tài chính để ngăn cản việc vay mượn và đầu cơ quá mức. Thứ hai, có thể hạn chế việc chấp nhận rủi ro của các tổ chức trong hệ thống tài chính bằng cách yêu cầu các tổ chức tài chính quan trọng trong hệ thống toàn cầu nắm giữ nhiều vốn hơn để ứng phó với các khoản đầu tư rủi ro cao. Trong khi các yêu cầu về vốn đã được thắt chặt sau cuộc khủng hoảng năm 2008, giờ đây chúng ta có thể cần phải tiến xa hơn để hạn chế bong bóng. Ngoài ra còn có cơ hội cập nhật các quy tắc kế toán để phản ánh thực tế tài chính.

Thứ ba, các cơ quan quản lý có thể áp đặt các quy định chặt chẽ hơn các phân khúc không được kiểm soát ("ngân hàng ngầm") của hệ thống tài chính. Ví dụ, các quỹ phòng hộ có thể được phân loại là "đại lý" chứng khoán chính phủ, điều này sẽ khiến họ phải tuân theo các quy tắc giám sát và minh bạch hơn. Sự thay đổi này sẽ bổ sung cho các quy định mới được Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ công bố vào tháng 1/2024.

Nhìn chung, các cơ quan quản lý cần các mô hình phản ánh và nhân rộng tác động của toàn bộ khu vực tài chính, cả khu vực được quản lý và không được kiểm soát, đối với nền kinh tế thực. Cuộc khủng hoảng năm 2008 cho thấy việc chấp nhận rủi ro quá mức trên thị trường tài chính có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng và thịnh vượng.

Sự sụt giảm GDP được cảm nhận rộng rãi ở toàn xã hội – có thể thấy như thất nghiệp gia tăng hay doanh thu thuế giảm khiến nguồn tài trợ cho các dịch vụ công như chăm sóc sức khỏe và giáo dục bị hạn chế - và nó cũng gây tổn hại cho các thế hệ tương lai do cắt giảm đầu tư vào đổi mới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục