Thị trường thực phẩm chức năng Nhật Bản lao đao vì vụ bê bối gạo men đỏ

10:58' - 20/04/2024
BNEWS Doanh thu từ các thực phẩm bổ sung được quảng cáo là tốt cho sức khỏe trong tuần từ 25-31/3 đã giảm lần đầu tiên trong vòng 11 tuần xuống còn 870 triệu yen (5,6 triệu USD).

Doanh thu từ các loại thực phẩm bổ sung tại Nhật Bản đã giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước, sau vụ bê bối của hãng dược Koyabashi liên quan đến các sản phẩm chứa gạo men đỏ khiến 5 người tử vong và hơn 100 người nhập viện.

 

Theo khảo sát mới đây do Intage Inc. thực hiện và công bố, doanh thu từ các thực phẩm bổ sung được quảng cáo là tốt cho sức khỏe trong tuần từ 25-31/3 đã giảm lần đầu tiên trong vòng 11 tuần xuống còn 870 triệu yen (5,6 triệu USD). 

Những sản phẩm có doanh thu giảm nhiều nhất là những thực phẩm chức năng được quảng cáo là có công dụng giảm cholesterol, tương tự sản phẩm có chứa gạo men đỏ của Kobayashi. 

Trước vụ bê bối này, thị trường thực phẩm bổ sung tăng cường sức khỏe đang phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt sau khi đại dịch COVID-19 làm tăng nhu cầu bồi bổ, nâng cao sức khỏe của mọi người. Riêng trong năm 2023, doanh thu của thị trường này tăng 16% so với năm trước đó và đạt 49,1 tỷ yen. 

Theo quy định phân loại sản phẩm từ năm 2015, các công ty được phép dán nhãn các sản phẩm của mình là tốt cho sức khỏe dựa trên các bằng chứng khoa học được nộp lên Cơ quan các vấn đề người tiêu dùng, tuy nhiên không cần phải qua quá trình kiểm tra độ an toàn và hiệu quả của cơ quan chính phủ.

Vụ bê bối của Kobayashi, một hãng dược lớn, đã khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Theo một công ty sản xuất thực phẩm chức năng, mỗi ngày họ nhận được hàng trăm cuộc gọi hỏi xem liệu sản phẩm cụ thể nào đó có thực sự tốt hay không.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục